𝗟𝗲𝗮𝗿𝗻𝘄𝗶𝘁𝗵𝗨𝗜 | LỰA TIÊU CHÍ, GẢ ĐỀ TÀI
1, 2, 3, 5 bạn có đánh rơi tiêu chí nào không?
Khi nghiên cứu khoa học, việc chọn đề tài luôn là bước đầu đầy thách thức với mọi nghiên cứu sinh. Một đề tài có triển vọng luôn cần thỏa mãn những tiêu chí nhất định.
Trong bài đăng đầu tiên của chuyên mục #LearnwithUI, chúng mình sẽ cùng bạn khám phá các tiêu chí cần được cân nhắc khi chọn đề tài nghiên cứu khoa học, theo đó là các tiêu chí đặt tên đề tài, các tiêu chí chấm điểm đề tài của trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Cuối cùng, UI đưa ra một số sai lầm phổ biến khi chọn đề tài mà mọi nghiên cứu sinh nên lưu ý.
Nhưng trước tiên thì “Đề tài” là gì? Tại sao các bạn cần lưu ý khi chọn đề tài?
Đề tài là một hình thức nghiên cứu khoa học, được đặc trưng bởi một nhiệm vụ nghiên cứu và do một người hoặc một nhóm người thực hiện. Việc chọn đề tài là vô cùng quan trọng vì đề tài sẽ là một “người bạn đồng hành” theo chúng ta trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học. Một tên đề tài tốt sẽ đặt nền móng cho một bài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao.
Hãy cùng UI tìm hiểu xem làm thế nào để có một đề tài tốt.
Chúng ta thường mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu, sàng lọc nội dung đề tài. Do vậy sẽ rất cần có một tiêu chí, định hướng nhất định về việc chọn đề tài. Sau đây là 04 tiêu chí mà mọi nghiên cứu sinh đều nên cân nhắc:
- Tính khoa học
Một bài nghiên cứu khoa học trước tiên cần đảm bảo được tính khoa học. Tính khoa học được thể hiện ở việc đề tài nghiên cứu khoa học gắn liền với khuôn khổ lý thuyết và cơ sở lý luận. Đây chính là cơ sở cho các phần tiếp theo trong một đề tài nghiên cứu khoa học do vậy việc đảm bảo được tính khoa học là vô cùng quan trọng.
- Tính mới và độc đáo
Đây có thể là một đề tài hoàn toàn mới trong một phạm vi lãnh thổ nhất định, chưa hoặc được rất ít người nghiên cứu đến. Ngoài ra, đó có thể là một đề tài sử dụng cách tiếp cận mới (cơ sở lý thuyết mới, phương pháp mới hoặc sử dụng công cụ mới, kỹ thuật nghiên cứu mới). Bên cạnh hướng tiếp cận, việc sử dụng số liệu mới sẽ giúp kết quả của đề tài có tính cập nhật, khả năng áp dụng thực tiễn và đây cũng được tính là sự “mới” của một đề tài.
- Tính khả thi
Một đề tài được coi là có tính khả thi khi nhóm nghiên cứu có thể tiếp cận được cơ sở lý luận cần thiết cũng như nguồn số liệu liên quan. Ngoài ra các yếu tố khác như kinh phí, người hướng dẫn cũng có thể ảnh hưởng đến kinh phí của đề tài.
- Tính áp dụng
Sau khi kết thúc đề tài nghiên cứu khoa học, để được đánh giá cao hơn nhóm nghiên cứu cần đưa ra được một giải pháp nhất định cho đề tài nghiên cứu khoa học (nếu đấy là đề tài nghiên cứu thực tiễn) hoặc một lý thuyết mới ( nếu đấy là đề tài nghiên cứu lý thuyết)
Bên cạnh việc lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học thì việc đặt ” tên đề tài ” sao cho hấp dẫn, thu hút cũng là nhân tố vô cùng quan trọng. Để có một tên đề tài nghiên cứu khoa học tốt và phù hợp, người nghiên cứu viên cần lưu ý những nội dung cơ bản sau:
Tên đề tài phải phản ánh cô đọng nhất nội dung nghiên cứu của đề tài. Cụ thể, người nghiên cứu cần lưu ý ba tiêu chí sau:
- Thứ nhất, tên của một đề tài khoa học chỉ mang một ý nghĩa hết sức khúc chiết, một nghĩa, không được phép hiểu hai hoặc nhiều nghĩa.
- Thứ hai, tên đề tài cần chỉ rõ đối tượng (nghiên cứu cái gì) và phạm vi nghiên cứu (thời gian, không gian, quy mô của vấn đề nghiên cứu).
- Thứ ba, tên đề tài phải thống nhất với mục đích, nhiệm vụ, phạm vi và nội dung nghiên cứu đã được xác định và trình bày trong đề tài.
Ngoài ra, người nghiên cứu cần lưu ý hai nhược điểm cần tránh khi đặt tên đề tài:
- Thứ nhất, tên đề tài không nên đặt bằng những cụm từ có độ bất định cao về thông tin. Ví dụ:
Về …; Thử bàn về …; Góp bàn về …
Suy nghĩ về …; Vài suy nghĩ về …; Một số suy nghĩ về …
Một số biện pháp …; Một số biện pháp về …
Tìm hiểu về …; Bước đầu tìm hiểu về …; Thử tìm hiểu về …
Nghiên cứu về …; Bước đầu nghiên cứu về …; Một số nghiên cứu về …
Vấn đề …; Một số vấn đề …; Những vấn đề về …
- Thứ hai, cần hạn chế lạm dụng những cụm từ chỉ mục đích để đặt tên đề tài.
“Nói lạm dụng” nghĩa là sử dụng một cách thiếu cân nhắc, sử dụng tùy tiện trong những trường hợp không chỉ rõ được nội dung thực tế cần làm và chỉ đưa ra những cụm từ chỉ mục đích để che lấp những nội dung mà bản thân tác giả cũng chưa có được sự hình dung rõ rệt. Ví dụ:
(…) nhằm nâng cao chất lượng …
(…) để phát triển năng lực cạnh tranh.
(…) góp phần vào .
Khi muốn một công việc thực hiện hiệu quả chúng ta cùng cần phải tìm hiểu yêu cầu của công việc. Đối với nghiên cứu khoa học cũng vậy cũng cần một thước đo nhất định. Hãy cùng UI tìm hiểu những thước đo đấy nhé.
Trong xếp hạng và công bố đề tài, đề tài nghiệm thu được xếp hạng theo năm mức sau:
Xuất sắc: Đề tài đạt từ 90 điểm trở lên;
Tốt: Đề tài đạt từ 80 điểm đến dưới 90 điểm;
Khá: Đề tài đạt từ 70 điểm đến dưới 80 điểm;
Đạt: Đề tài đạt từ 50 điểm đến dưới 70 điểm;
Không đạt: Đề tài dưới 50 điểm.
Tiêu chí đánh giá NCKH sinh viên năm học 2020 – 2021
Tính cấp thiết của đề tài
Mục đích, mục tiêu nghiên cứu rõ ràng, phạm vi nghiên cứu phù hợp
Sự phù hợp giữa tên đề tài, mục đích nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và nội dung công trình
Tính hợp lí và độ tin cậy của phương pháp nghiên cứu và các kết quả của đề tài
Nội dung của đề tài
Giá trị khoa học
Tổng quan
Ý nghĩa thực tiễn
Đóng góp mới
Trình bày
Trình bày bố cục rõ ràng, hợp lý, đảm bảo thời gian
Ngôn ngữ phù hợp, trình bày khoa học, dễ hiểu, diễn đạt mạch lạc, lưu loátTrả lời tốt câu hỏi
Dù đã nắm được các tiêu chí, các nghiên cứu sinh vẫn không tránh khỏi có những sai sót, tốn kém về mặt thời gian trong việc tìm kiếm và lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học. Sau đây là một số sai lầm phổ biến khi các nghiên cứu sinh tìm kiếm đề tài nghiên cứu khoa học:
- Thứ nhất, tìm kiếm không có phương pháp và không có mục đích rõ ràng.
Việc tìm kiếm không được diễn ra không theo quy trình cụ thể và không xác định rõ đối tượng tìm kiếm. Việc tìm kiếm đề tài nên xuất phát từ sự quan tâm của bản thân sinh viên về những vấn đề có liên quan tới địa phương, khu vực, hoặc vấn đề mang tính quốc gia đang được nhiều cộng đồng xã hội quan tâm có trong phạm vi chương trình. Trên cơ sở này, sinh viên lựa chọn nhóm ngành mà mình dự tính sẽ nghiên cứu. Theo quy định Bộ Giáo dục – Đào tạo có các nhóm ngành sau: Kinh doanh – quản lý (gồm 3 nhóm ngành nhỏ); khoa học xã hội (gồm 2 nhóm ngành nhỏ) và khoa học giáo dục (ĐHNT., 2012).
- Thứ hai, không khai thác được các nguồn tài liệu và công cụ tìm kiếm.
Ngày nay chúng ta đang dần phụ thuộc quá nhiều vào internet mà bỏ quên đi mất những nguồn tài liệu hữu ích khác như thư viện, các công trình nghiên cứu, các tạp chí chuyên ngành,… Khi tìm kiếm tài liệu trên mọi công cụ, sinh viên nên sử dụng “từ khóa”. Những công cụ phổ biến là Google Scholar, Sci hub; ngoài ra còn có các trang web của các tổ chức liên quan như: các cơ quan chính phủ, các thư viện điện tử của các trường đại học, Viện nghiên cứu, hiệp hội,… Sinh viên cần chú ý độ tin cậy của nguồn tài liệu mà mình tham khảo.
- Thứ ba, Lựa chọn đề tài không phù hợp với phạm vi chuyên ngành, năng lực nghiên cứu.
Trước khi quyết định nghiên cứu khoa học sinh viên cần tìm hiểu và trả lời các câu hỏi: nghiên cứu khoa học là gì? Có những phương pháp nghiên cứu khoa học nào? Đối tượng nghiên cứu là gì? Phạm vi nghiên cứu (về không gian và thời gian)? Từ những ý niệm ban đầu về lĩnh vực nghiên cứu, sinh viên có thể thu hẹp đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu về không gian và thời gian để từ đó có được đề tài phù hợp
Nguồn tham khảo:
1. Vũ Cao Đàm (2000), “Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học”;
2. Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, “Quy định về hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp của sinh viên Trường ĐHNN, ĐHQGHN giai đoạn 2020-2025”
Và đừng quên theo dõi fanpage để cùng khám phá thêm nhiều kĩ năng hữu ích bạn nhé!
Nguồn: CYR – CLB Sinh viên Nghiên cứu Khoa học – ULIS#learnwithUI#UlisInnovation#UIxCYR
—————————————
Trung tâm Đổi mới Sáng tạo, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN
🌐 Facebook: fb.com/ulisinnovation
✉️ Email: fireproject.ulis@gmail.com