1. Nhu cầu thực tiễn:
Nhiều nhà nghiên cứu về ngôn ngữ đã khẳng định rằng, kỹ năng Nghe hiểu được coi là kỹ năng quan trọng nhất vì nó là nền tảng hỗ trợ phát triển toàn diện ba kỹ năng còn lại, giúp người học tiếp nhận thông tin và giao tiếp hiệu quả. Trong quá trình quan sát đối tượng sinh viên năm hai khóa QH2022 của khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp – trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội, em nhận thấy kỹ năng Nghe được xem là kỹ năng khó thực hành nhất, việc hiểu những gì người khác nói là một hoạt động khó khăn đối với sinh viên năm hai khóa QH2022 của khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp. Điều này thể hiện qua kết quả các bài nghe trong giáo trình hay bài kiểm tra định kỳ cũng không mấy khả quan, điểm thành phần kỹ năng nghe luôn thấp hơn so với ba kỹ năng còn lại.
Sinh viên năm hai Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, tại trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội là đối tượng được định hướng khi kết thúc năm học sẽ thi chuẩn đầu ra tiếng Pháp. Việc kỹ năng nghe không được cải thiện có thể ảnh hưởng đến chất lượng kết quả thi của sinh viên. Vì vậy, em quyết định lựa chọn đề tài “Nghiên cứu những khó khăn trong việc học kỹ năng Nghe hiểu của sinh viên năm hai (QH2022) khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, trường Đại Học Ngoại Ngữ – Đại Học Quốc Gia Hà Nội” để nghiên cứu.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan:
Tại Pháp và các nước thuộc cộng đồng Pháp ngữ, đã có một số báo cáo khoa học nghiên cứu về những khó khăn khi thực hành nghe hiểu ở học sinh, sinh viên hay đối tượng học tiếng Pháp như ngôn ngữ giao tiếp thứ hai tiêu biểu.
Huri Özaydın (2021) đã chỉ ra rằng việc dạy học từ xa do tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp cũng như làm hạn chế kỹ năng nghe hiểu của sinh viên trường đại học Tekirdağ Namık Kemal. Việc nghe hiểu trở nên khó khăn do mất mát thông tin và gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung. Nghiên cứu đề xuất các biện pháp cải thiện, như tăng cường tương tác trực tuyến và cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để nâng cao chất lượng giảng dạy từ xa.
Sarah và Amina (2019) đã dựa trên những thực nghiệm và kết quả thu được để khẳng định kỹ năng nghe hiểu là kỹ năng quan trọng nhất trong quá trình giao tiếp nhưng nó cũng là kỹ năng khó nhất cần hoàn thiện với những người học ngoại ngữ. Tác giả Amina tập trung nghiên cứu vào khó khăn trong việc nghe hiểu tiếng Pháp (FLE) ở học sinh năm hai trung học. Điều tra chỉ ra rằng học sinh đối mặt với nhiều khó khăn như khả năng hiểu từ vựng và ngữ pháp trong ngữ cảnh nói, khó khăn trong xử lý âm thanh và tốc độ nghe. Nghiên cứu đề xuất các chiến lược giảng dạy mới và tài nguyên hỗ trợ, như sử dụng văn bản âm thanh chất lượng cao và bài giảng tương tác để nâng cao khả năng hiểu nói của học sinh FLE.
Trong nghiên cứu về những khó khăn khi nghe hiểu của các học sinh trung học năm hai của Algeria, tác giả Karima Ferroukhi thực nghiệm trên nhóm học sinh trung học bằng cách dạy tiếng Pháp như một ngoại ngữ tại trường học, đã xác định các yếu tố giúp hoặc cản trở việc tiếp cận thông điệp mà bài nghe truyền tải, từ đó đề xuất phương pháp mô phạm giảng viên nên tập trung vào việc phát triển chiến lược lắng nghe, cũng như cung cấp tài liệu đa dạng để nâng cao khả năng hiểu nói của học sinh trong quá trình học tiếng Pháp.
Một nghiên cứu khác đến từ Algeria của Choudar Omayma, Bendahmane Aicha (2017) tập trung vào quá trình giảng dạy và học kỹ năng nghe – nói thông qua việc sử dụng tài liệu âm thanh, đặc biệt là ở học sinh lớp 1 CEM Belhadj Babouche. Điều tra chỉ ra rằng việc giảng dạy kỹ năng này đối diện với nhiều thách thức, bao gồm khả năng hiểu từ vựng và ngữ pháp, cũng như khó khăn trong việc xử lý thông tin âm thanh. Nghiên cứu đề xuất các chiến lược giảng dạy mới và sử dụng tài liệu âm thanh đa dạng để tối ưu hóa quá trình học tập và nâng cao khả năng nghe hiểu của học sinh.
Trong khi đó, tác giả Ahmad Alhawiti (2013) tập trung vào việc đánh giá khả năng nghe hiểu tiếng Pháp trong ngữ cảnh đại học ở Saudi Arabia. Nghiên cứu cho thấy sinh viên đối mặt với thách thức trong việc hiểu từ vựng, ngữ pháp và âm thanh. Sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa và giảng dạy ngôn ngữ được đặt ra làm tăng độ khó của quá trình học. Đề xuất các chiến lược giảng dạy và tài nguyên hỗ trợ cụ thể để cải thiện khả năng hiểu nói của sinh viên trong môi trường đại học tiếng Pháp tại Saudi Arabia.
Theo tìm hiểu và khảo sát tại Việt Nam, có rất nhiều những nghiên cứu tìm hiểu về những khó khăn khi học tiếng Anh nhưng lại không có nhiều nghiên cứu về những khó khăn sinh viên gặp phải khi học tiếng Pháp, đặc biệt là đào sâu vào kỹ năng “nghe hiểu” của sinh viên năm hai. Tuy nhiên, đã có những báo cáo khoa học bàn về nghiên cứu giảng dạy kỹ năng nghe hiểu hay chỉ ra những khó khăn khi học tiếng Pháp của sinh viên khoa Pháp, tiêu biểu như:
Tác giả Đỗ Quang Việt đưa ra những trở ngại trong quá trình nghe hiểu tiếng nước ngoài nói chung và tiếng Pháp nói riêng xét trên nhiều bình diện khác nhau. Đặc biệt, báo cáo còn nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển chiến lược giảng dạy mới, chú trọng vào việc tăng cường tương tác sinh viên và áp dụng phương pháp học hiện đại. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất sự tích hợp công nghệ và tài nguyên trực tuyến để cải thiện hiệu suất học tập và khả năng hiểu nói của sinh viên trong khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp.
Một trong những nghiên cứu tiêu biểu về tìm hiểu những khó khăn cũng như đề xuất một số giải pháp khi học nghe hiểu cho sinh viên mới bắt đầu học tiếng Pháp là:
Một nghiên cứu của Hoàng Minh Thúy (2012) đã đánh giá khó khăn trong kỹ năng nghe hiểu của sinh viên mới bắt đầu học tại khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, trường Đại học Ngoại Ngữ (ULEI) – Đại học Quốc gia Hà Nội (UNH). Điều tra chỉ ra rằng sinh viên “vrais débutantes” (mới bắt đầu học tiếng Pháp) đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm khả năng hiểu từ vựng và ngữ pháp, sự khó khăn trong xử lý âm thanh và tình huống ngôn ngữ thực tế. Nghiên cứu đề xuất các phương pháp giảng dạy cụ thể và tài nguyên hỗ trợ để nâng cao khả năng nghe hiểu của sinh viên mới tại khoa này.
Phần lớn nghiên cứu trên tập trung vào việc xác định những yếu tố ảnh hưởng đến việc học nghe hiểu và đề xuất những phương pháp để cải thiện kỹ năng này. Nghiên cứu tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng nghe hiểu, bao gồm ngữ cảnh giáo dục, phương pháp giảng dạy, hay đặc điểm cá nhân của sinh viên. Cung cấp các giải pháp và đề xuất để vượt qua khó khăn trong việc nghe hiểu, có thể bao gồm các chiến lược giảng dạy, tài liệu giáo trình, hoặc cách tiếp cận mới để cải thiện kỹ năng này. Bên cạnh đó, đánh giá hiệu quả của các phương pháp giảng dạy khác nhau đối với việc cải thiện kỹ năng nghe hiểu, bao gồm cả sử dụng phương tiện đa phương tiện và các phương pháp tương tác. Một số nghiên cứu đề cập đến tác động của ngôn ngữ và văn hóa trong quá trình nghe hiểu, đặc biệt là khi sinh viên mới tiếp xúc với môi trường ngôn ngữ Pháp.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra cụ thể những khó khăn mà sinh viên gặp phải trong quá trình nghe hiểu tiếng Pháp, nhất là với đối tượng sinh viên năm hai. Trên cơ sở kế thừa một phần kết quả của các nghiên cứu trong và ngoài nước, đề tài “Nghiên cứu những khó khăn trong việc học kỹ năng Nghe hiểu của sinh viên năm 2 (QH2022) khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp – Đại Học Ngoại Ngữ – ĐHQGHN” sẽ mang lại cái nhìn tổng quan hơn về những khó khăn của sinh viên năm hai (QH2022) khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp khi học kỹ năng nghe hiểu, chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến việc nghe hiểu, từ đó đề xuất những giải pháp giúp sinh viên tự học và cải thiện kỹ năng nghe hiểu.
3. Ý nghĩa khoa học:
Nghiên cứu về “Những khó khăn trong việc học kỹ năng Nghe hiểu tiếng Pháp của sinh viên năm 2 khoa Pháp” mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng cho sinh viên khoa Pháp nói chung và các Thầy cô giảng viên nói riêng.
Nghiên cứu có thể giúp định rõ các khó khăn cụ thể mà sinh viên năm hai trong khoa Pháp gặp phải khi học kỹ năng Nghe hiểu tiếng Pháp. Điều này sẽ cung cấp thông tin quan trọng về thực tế của quá trình học tập và nhu cầu hỗ trợ của sinh viên. Nghiên cứu cung cấp một phần thông tin để điều chỉnh các hoạt động học tập và các bài kiểm tra cho phù hợp hơn với trình độ của sinh viên. Bằng cách tập trung vào việc giải quyết khó khăn trong việc học kỹ năng Nghe hiểu tiếng Pháp, nghiên cứu có thể đóng góp vào mục tiêu cải thiện kỹ năng Nghe hiểu của sinh viên năm 2 nói riêng và sinh viên Khoa Pháp nói chung.
Kết quả của nghiên cứu có thể tạo động lực và hướng dẫn cho những nghiên cứu tiếp theo về vấn đề tương tự, đặc biệt là những nghiên cứu về các giải pháp và phương pháp hỗ trợ.