Ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc lá điện tử đối với sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ và một số giải pháp đề xuất

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

1. Nhu cầu thực tiễn 

Ngày nay, cuộc sống ngày càng phát triển cùng với nhu cầu về ăn mặc, giải trí hay thậm chí nhu cầu về giải tỏa căng thẳng. Xuất phát từ những nhu cầu đó, người trẻ và đặc biệt là sinh viên thế hệ ngày nay đều có xu hướng tìm đến những phương thức giải trí, giải tỏa stress gây ra bởi công việc, học tập hay những vấn đề thường ngày. Một trong số đó là sử dụng thuốc lá điện tử. Nếu như thuốc lá bình thường đã quá quen thuộc với mọi người thì thuốc lá điện tử lại được cho rằng là an toàn và không gây ảnh hưởng gì. Vì thế ngày càng nhiều người trẻ, nhất là sinh viên sử dụng nó và tần suất sử dụng ngày càng cao. Tuy nhiên, thuốc lá điện tử lại ẩn chứa những nguy hiểm tiềm tàng nhưng chưa có nhiều nghiên cứu về đề tài này. Chính vì vậy, đề tài được thực hiện nhằm nghiên cứu về những ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc lá điện tử đối với sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ, đồng thời đưa ra những giải pháp khả thi để hạn chế tác hại của thuốc lá điện tử cũng như tuyên truyền đến người trẻ nói chung, sinh viên ULIS nói riêng về điều đó. 

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan 

Theo Bộ thông tin và truyền thông, chuyên mục phòng chống tác hại của thuốc lá, nước Mỹ tính đến năm 2020 đã ghi nhận 2807 ca mắc bệnh phổi do thuốc lá điện tử và 68 trường hợp đã tử vong. Năm 2019, tổ chức y tế thế giới WHO cũng đã thực hiện điều tra sức khỏe học sinh, sinh viên toàn cầu ở 21 tỉnh. Kết quả cho thấy rằng tỉ lệ sinh viên hút thuốc lá điện tử đã tăng 2.6%. Những con số đáng báo động trên cũng là lời cảnh tỉnh và yêu cầu cần có giải pháp. 

Bên cạnh đó, theo báo điện tử chính phủ, thứ trưởng bộ y tế Trần Văn Thuấn cho rằng công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, trong đó số thuốc lá điện tử ở học sinh, sinh viên đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Những năm gần đây, cụ thể tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi 13-15 tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022. Đặc biệt số nữ giới hút thuốc cũng đang tăng lên. Bộ y tế cũng đã đề xuất phối hợp với bộ văn hóa phổ biến thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử đến học sinh, sinh viên những dường như chưa có hiệu quả. 

Ngoài ra, bài nghiên cứu về “Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên 15-24 tuổi tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 và yếu tố liên quan” của nhóm tác giả đến từ trường Đại học y tế công cộng và trường Đại học y Hà Nội cũng đã chỉ ra được những số liệu cụ thể của những trường hợp thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời chỉ ra những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn chưa tập trung đưa ra những giải pháp hiệu quả để khắc phục hiện trạng đó. 

Từ những sự tìm hiểu, nghiên cứu những tài liệu, công trình nghiên cứu trên, nghiên cứu này được thực hiện nhằm chỉ ra thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử cụ thể ở sinh viên ULIS để từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực. 

3. Ý nghĩa khoa học 

Nghiên cứu là nền tảng để sáng tạo những biện pháp ngăn chặn những tác hại của thuốc lá điện tử cũng như là lời tuyên truyền về việc ngừng sử dụng thuốc lá điện tử đến các bạn sinh viên,đặc biệt là sinh viên ULIS. Bên cạnh đó, nghiên cứu đem lại giá trị cộng đồng, giúp lan tỏa những thông tin về thuốc lá điện tử và tác hại của nó để từ đó các bạn sinh viên và rộng hơn là tất cả mọi người ý thức được sự nguy hiểm của thuốc lá điện tử.