1. Nhu cầu thực tiễn
Đối với sinh viên, chứng sợ nói có thể là một rào cản lớn trong việc phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Đức của họ. Sự sợ hãi và lo lắng khi phải nói tiếng Đức có thể khiến họ mất tự tin và không dám thực hành ngôn ngữ trong lớp học. Điều này ảnh hưởng đến khả năng sử dụng tiếng Đức một cách tự nhiên, linh hoạt, và gây ra sự giới hạn trong việc tham gia vào các hoạt động giao tiếp và thảo luận trên lớp.
Nghiên cứu này sẽ giúp xác định rõ các yếu tố gây ra sợ nói và thấy được tình hình này một cách thực tế tại khoa NN&VH Đức, Trường ĐHNN-ĐHQGHN. Điều này sẽ giúp giảng viên và ban chủ nhiệm khoa nhận biết và định hình lại các phương pháp giảng dạy, chương trình học và môi trường học tập để giảm bớt sự sợ nói và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Đức.
Ngoài ra, kết quả của nghiên cứu cũng có thể được áp dụng rộng rãi trong giảng dạy tiếng Đức tại các trường Đại học khác và các trung tâm giảng dạy ngoại ngữ. Với sự gia tăng của việc học tiếng Đức và nhu cầu ngày càng tăng về ngôn ngữ này, việc hiểu rõ vấn đề sợ nói và đề xuất giải pháp giảm bớt sợ nói là rất cần thiết và có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tiếng Đức.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
● Các đề tài nghiên cứu về chứng sợ nói Tiếng Anh và ngoại ngữ nói chung
Các phát hiện từ công trình nghiên cứu về Exploring The Causes of Fear of Foreign Language Learning của Derwina và cộng sự (2022) đã cho thấy 34,7% số người được hỏi bày tỏ sự lo ngại khi phải giao tiếp tiếng Anh với người bản xứ. Họ cũng sợ bị đánh giá một cách tiêu cực trước lớp nên dẫn đến thiếu tự tin trong việc giao tiếp bằng ngoại ngữ trong các tiết học. Kết quả này cũng tương tự với kết quả nghiên cứu trong đề tài,, An Investigation of Foreign Language Anxiety among Sudanese EFL Students’’ của Ishag và cộng sự (2020) rằng việc không sẵn sàng giao tiếp là bị ảnh hưởng lớn bởi nỗi sợ bị đánh giá tiêu cực hơn là do e ngại giao tiếp hoặc lo lắng khi kiểm tra.
Cũng trong năm đó, nhóm tác giả Ismail và cộng sự (2022) trong đề tài Foreign Language Classroom Anxiety Scale (FLCAS) Working Title: What Causes Foreign Language Anxiety? cũng chỉ ra những nguyên nhân tương tự cùng với một số yếu tố
khác như đa số học sinh có xu hướng lo lắng khi được giáo viên hỏi và nói riêng khi câu hỏi chưa được chuẩn bị trước hoặc họ cảm thấy không giỏi bằng những học sinh khác và cảm thấy xấu hổ khi tình nguyện xung phong trả lời bằng ngoại ngữ.
Ngoài những yếu tố được nêu trên Wijayati và các cộng sự (2018) trong bài nghiên cứu ““My lecturer’s expressionless face kills me!” An evaluation of learning process of German language class in Indonesia” đã chỉ ra thêm một số yếu tố như: khi chủ đề không quen thuộc, khi không có ai trả lời và lớp học yên tĩnh, khi giảng viên trả lời một cách vô cảm hoặc khi tiết học được dạy bởi giáo viên bản xứ.
● Các đề tài nghiên cứu về chứng sợ nói trong tiếng Đức
Hiện tại có rất nhiều tác giả đã nghiên cứu về chứng sợ nói của sinh viên trong giờ học tiếng Đức. Như tác giả Corcevschi (2023) với công trình “Sprechangst im DaF Unterricht – Strategien Zur Überwindung”. Trong nghiên cứu này tác giả đã chỉ ra rằng 88% người học cho biết họ họ nói là do thiếu vốn từ vựng để nói. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để phát triển mọi kỹ năng, vì không có từ vựng thì không thể có sự giao tiếp nào diễn ra. Bên cạnh đó có 66% số người được hỏi cho biết họ sợ mắc lỗi nên dẫn đến sợ nói và ngại giao tiếp bằng tiếng Đức. 38% trong số đó cũng chỉ ra rằng do kiến thức ngữ pháp của họ còn hạn chế và 27% cho rằng sự ngắt lời thường xuyên của giáo viên trong giờ học tiếng Đức ảnh hưởng tiêu cực đến việc sử dụng ngôn ngữ trong lớp. Ngoài ra có hơn một nửa số đối tượng cho biết họ đặc biệt sợ nói tiếng Đức trong kỳ thi và một số ít chia sẻ rằng họ không dám nói do nhút nhát, khó diễn tả và không chắc chắn những gì mình định nói.
Jurić (2022) đã nghiên cứu chủ đề “Sprachangst bei Studierenden im Kolleg “”Deutsche Sprachübungen” và xác định được 11 nguyên nhân khác nhau dẫn đến chứng sợ nói của sinh viên trong đó được nhắc đến nhiều nhất chính là yếu tố liên quan đến giáo viên trong giờ học tiếng Đức. Bên cạnh đó, người học cũng cảm thấy sợ nói khi phải thuyết trình, thảo luận hoặc tự nói một cách thoải mái mà không có chủ đề cho trước. Yếu tố này có liên quan chặt chẽ đến chứng sợ thi cử của học sinh. Ngoài ra những yếu tố khác gây ra chứng sợ nói của học sinh cũng được chỉ ra như: sợ mắc lỗi, sợ quan điểm đánh giá, phê bình của bạn học, không khí học tập và sự không đam mê đối với ngôn ngữ cũng được coi là nguyên nhân lớn nhất đối với học sinh học tiếng Đức.
Trong đề tài ,,Angst in der mündlichen Fertigkeit im DaF-Unterricht” Hamdani (2021) đã nghiên cứu rất sâu về cơ sở lý luận liên quan đến chứng sợ nói. Cụ thể tác giả đã chỉ rõ sự khác nhau giữa 2 khái niệm ,,Angst” và ,,Ängslichtkeit’’ và phân loại trạng thái sợ hãi trong các tình huống điển hình có liên quan đến học ngoại ngữ như: sợ thi cử (Prüfungsangst), sợ cạnh tranh (Angst vor dem Konkurrenzgeist), sợ bị kiểm soát (Angst vor der Kontrolle), lo sợ về hậu quả hoặc nguyên nhân của việc thực hiện khía cạnh của sự sợ hãi (Ängste als Folge oder als Ursache der Leistungsfähigkeit)…
Kết quả của nghiên cứu ,,Angst beim Deutschlernen im DaF-Unterricht’’ Ježovita (2020) đưa ra 6 nguyên nhân tiềm năng ảnh hưởng đến chứng sợ nói của người học tiếng Đức là: nỗi sợ hãi cá nhân và giữa các cá nhân; nhận thức của người học về việc học ngoại ngữ; nhận thức của giáo viên về việc học ngôn ngữ; tương tác giữa giáo viên và người học; quy trình giảng dạy; và bài kiểm tra ngoại ngữ.
Trên đây là những công trình nghiên cứu có liên quan mới được xuất bản trong những năm gần đây về chứng sợ nói trong giờ học ngoại ngữ nói chung cũng như trong giờ học tiếng Đức nói riêng. Từ những đề tài đó, có thể thấy được một số giả thuyết nghiên cứu cho đề tài này về nguyên nhiên gây ra chứng sợ nói của sinh viên trong giờ
học tiếng Đức.
3. Ý nghĩa khoa học
Hầu hết các nghiên cứu trên đều có liên quan đến chứng sợ nói của sinh viên trong giờ học ngoại ngữ, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào được thực hiện ở Việt Nam và nếu có thì cũng chỉ áp dụng trên đối tượng là người học tiếng Anh chứ chưa có trường hợp nào nghiên cứu về chứng sợ nói trong giờ học tiếng Đức. Bên cạnh đó, phần lớn các nghiên cứu được chỉ ra ở trên đều sử dụng phương pháp nghiên cứu là điều tra bảng hỏi và rất ít nghiên cứu đi sâu vào quan sát các tình huống thực tế trên lớp học cũng như phỏng vấn sâu để đưa ra kết luận.
Trong khi đó, việc nghiên cứu sâu hơn và áp dụng phương pháp nghiên cứu đa dạng cũng sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, từ đó đưa ra những kết luận và đề xuất có tính ứng dụng cao hơn trong thực tiễn. Điều này sẽ giúp cải thiện chất lượng giáo dục ngoại ngữ, cũng như giúp sinh viên phát triển tốt hơn trong quá trình học tập và giao tiếp bằng ngôn ngữ ngoại ngữ. Do đó, việc nghiên cứu về chứng sợ nói trong giờ học ngoại ngữ không chỉ mang ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc cải thiện chất lượng giáo dục và phát triển kỹ năng giao tiếp của sinh viên.