Giáo dục giới tính tại trường công lập ở Hà Nội: Thực trạng và tác động lên sự phát triển của trẻ vị thành niên

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

1. Nhu cầu thực tiễn 

Tỉ lệ mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ở trẻ vị thành niên tại Việt Nam đang ngày càng tăng nhanh một cách báo động. Cụ thể, tỉ lệ mang thai của nữ giới ở tuổi vị thành niên đã vượt qua mức 4%, nghĩa là cứ 1000 ca mang thai thì có đến 40 ca là nữ học sinh (Nguyễn Hương, Shiu, C., và Farber, N., 2016). Vấn nạn trên đã được điều tra là có liên quan mật thiết đến sự tò mò và thiếu hiểu biết về giới tính (Nguyễn Sáu, 2020). Ngoài tác dụng phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và giảm tỉ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, giáo dục giới tính còn đem lại lợi ích về sức khỏe, tâm lý và các mối quan hệ tình cảm, nâng cao nhận thức về giới tính và nhu cầu tình dục hay trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết để tự tin với các biến đổi trên cơ thể (Debanjan, B. và Sathyanarayana, R., 2022). Nhận thức được hậu quả của việc thiếu hiểu biết về giáo dục giới tính và tầm quan trọng của giáo dục giới tính đối với sự phát triển lâu dài của trẻ vị thành niên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu hành động để tìm hiểu thực trạng chương trình giáo dục giới tính tại các trường trung học công lập trên địa bàn Hà Nội. Với bối cảnh hiện nay, khi giới tính và tình dục vẫn luôn là một chủ đề bị tránh né không chỉ trong giao tiếp trang trọng mà ở cả những cuộc hội thoại thường ngày trong xã hội Việt Nam (Báo Tuổi Trẻ, 2020), hy vọng đề tài “Giáo dục giới tính tại trường công lập ở Hà Nội: Thực trạng và tác động lên sự phát triển của trẻ vị thành niên của nhóm có thể góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về tính thiết yếu, cấp bách của giáo dục giới tính cũng như cung cấp các phương thức đưa bộ môn này vào chương trình giáo dục chính thức. 

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan 

2.1. Giáo dục giới tính 

Giáo dục giới tính, theo BZgA và cộng sự, nghĩa là giáo dục người học về các khía cạnh nhận thức, cảm xúc, xã hội, tương tác và thể chất của tình dục (2016). Theo “Tiêu chuẩn Giáo dục Giới tính ở Châu Âu” (2010), các chuyên gia cho rằng: “Việc giáo dục giới tính bắt đầu từ thời thơ ấu và sẽ tiến triển qua

tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, giáo dục giới tính nhằm mục đích hỗ trợ và bảo vệ sự phát triển tình dục. Nó dần dần trang bị cho trẻ em và thanh thiếu niên những thông tin, kỹ năng và giá trị tích cực để hiểu và tôn trọng giới tính và tính dục của mình; có những mối quan hệ an toàn; và chịu trách nhiệm về bản thân và sức khỏe tình dục và hạnh phúc của người khác”. Thực tế, giáo dục giới tính đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi con người, phục vụ cho việc cập nhật kiến thức và bảo vệ bản thân khỏi những mối đe dọa tiềm tàng. 

Hai phương pháp giáo dục giới tính phổ biến nhất được sử dụng rộng rãi là Giáo dục giới tính tiết dục (Abstinence-only sex education) Giáo dục giới tính toàn diện (Comprehensive sex education)

2.1.1. Giáo dục giới tính tiết dục 

Thuật ngữ “tiết dục”, theo từ điển Tiếng Việt, có nghĩa là “hạn chế các hành vi tình dục” hoặc “tự kiềm chế để tránh tình duc”. Giáo dục giới tính tiết dục dạy người học rằng việc tiết dục là cách duy nhất để ngăn ngừa mang thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả HIV. Theo Nguyễn Thị Phương Nhung (2021), các chương trình giáo dục tiết dục thường có xu hướng lợi dụng biện pháp cấm đoán, răn đe và trì hoãn nhằm đe dọa học sinh về các hậu quả tiêu cực của tình dục; thậm chí đưa ra số liệu thống kê không chính xác về tỷ lệ có thai ngay cả khi sử dụng bao cao su (Berne và Huberman, 1995). Với phương pháp giáo dục này, người học sẽ thiếu đi cái nhìn toàn diện về tính dục và tình dục, thậm chí coi chúng là chủ đề cấm kỵ; dẫn đến việc họ sẽ không có sự tự tin để hỏi cũng như bàn luận về những chủ đề đó. 

2.1.2. Giáo dục giới tính toàn diện 

Giáo dục giới tính toàn diện là một quá trình dạy và học tích hợp trong chương trình giáo dục về các khía cạnh nhận thức, tâm lý, thể chất và xã hội của giới tính và tình dục. Giáo dục giới tính toàn diện hướng tới trang bị cho người học các kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị cần thiết để giúp họ: nhận thức được sức khoẻ, lợi ích và giá trị con người của bản thân mình; hình thành các mối quan hệ xã hội và quan hệ tình dục trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau; nhận thức được lựa chọn của mình ảnh hưởng tới bản thân và người khác như thế nào; nhận thức cũng như đảm bảo việc bảo vệ các quyền của mình trong suốt cuộc đời (UNESCO, 2018). Trái ngược với giáo dục giới tính tiết dục, theo Pittman và Gahungu (2006), giáo dục giới tính toàn diện cho rằng việc tiết dục là bước đầu tiên và lựa chọn tốt nhất để ngăn ngừa mang thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả HIV. Ngoài ra, nó còn giáo dục người học về các phương pháp bảo vệ khác như bao cao su. Chương trình này nhằm định hướng người học đưa ra quyết định sáng suốt cho đời sống tính dục và tình dục của mình, tức là giáo dục theo hướng trao quyền, thay vì cấm đoán, răn đe và

trì hoãn (Nguyễn Thị Phương Nhung, 2021). 

2.2. Hiện trạng giáo dục giới tính tại trường học 

Trong thực tế, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây, đã khuyến khích và ủng hộ việc thêm giáo dục giới tính toàn diện vào chương trình học chính thức ngay từ mẫu giáo (chương trình K-12), ví dụ phải kể đến như Pháp, Luxembourg, Séc, Na Uy, Thụy Điển (Bell, 2009; Gallard, 1991); đặc biệt là ở Hà Lan, nơi giáo dục giới tính đã được cung cấp cho trẻ em ngay từ khi mới 4 tuổi (De Melker, 2015). Họ không những coi giáo dục giới tính là một môn học quan trọng mà còn đầu tư thuê chuyên gia trong lĩnh vực để giảng dạy (UNESCO, 2010). Kết quả thu được đa phần là tích cực: “đã có một sự giảm sút lớn về hiện trạng mang thai tuổi vị thành niên, nạo phá thai, bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục và HIV ở độ tuổi 15-24, lạm dụng tình dục và kì thị đồng tính” (BZgA và cộng sự, 2016). 

Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc giáo dục giới tính vẫn còn những hạn chế nhất định. Bản năng giới tính con người đã luôn là một chủ đề “cấm đoán” không chỉ trong giao tiếp trang trọng mà cả những cuộc hội thoại thường ngày trong xã hội Việt Nam (Báo Tuổi Trẻ, 2020). Những người thuộc thế hệ cũ thường cảm thấy lưỡng lự khi nói về những chủ đề liên quan đến giới tính và tình dục cho con cháu, chưa kể là việc giáo dục giới tính. Do đó, chương trình giáo dục giới tính ở các trường phổ thông tại Việt Nam hiện nay đa phần vẫn là chương trình giáo dục giới tính tiết dục. Điều này, đáng tiếc thay, (nhưng rõ ràng là) đã dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng. Trên thực tế, do thiếu kiến thức về giáo dục giới tính mà giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là nữ giới trong độ tuổi thiếu niên và đầu hai mươi, đã không hiểu rõ về những quy tắc tình dục an toàn, thậm chí còn coi việc nạo phá thai là một biện pháp ngừa thai (Báo Tuổi Trẻ, 2020), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản, miễn dịch và tình trạng sức khỏe chung. Đây chỉ là một trong số rất nhiều các ví dụ về những hậu quả nghiêm trọng do không được giáo dục giới tính đầy đủ. 

2.3. Các nghiên cứu trong nước 

Trong nghiên cứu “Ý kiến dư luận về tính dục tuổi vị thành niên, giáo dục giới tính và phá thai”, tác giả Nguyễn Anh Chi (2009) đã cung cấp ý kiến dư luận về thực trạng giáo dục giới tính ở Việt Nam đến năm 2009. Cụ thể, phần lớn học sinh tham gia phỏng vấn đều cho rằng các bài học ở trên trường là chưa đủ và quá mông lung, không thể giải đáp hết thắc mắc của các em. Ở nhà, bố mẹ cũng rất e dè bàn luận các vấn đề về giới tính và tình dục. Thậm chí bố mẹ còn rất lệ thuộc vào việc để con cái tự mày mò và học từ bạn bè. Tuy nhiên, ý thức về việc phổ cập giáo dục giới tình trong nhà trường từ cấp hai đã được ghi nhận từ ấy. 

Song, một thập kỷ đã trôi qua, chương trình giáo dục giới tính đã được phổ cập

rộng rãi hơn tại các trường học ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng (Trần Thị Hà Phương, 2022). Trong những năm gần đây, đã có một số nỗ lực đáng kể của các nhà giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục giới tính. Người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đã bắt đầu quan tâm đến sức khỏe sinh sản của mình và có những hành động để bảo vệ mình trước những nguy cơ từ hoạt động tình dục (Nguyễn Linh, 2020). Đứng trước sự thay đổi đó, có thể nói nghiên cứu trên về thực trạng giáo dục giới tính tại Việt Nam của tác giả 

Nguyễn Anh Chi không còn mang tính ứng dụng cao. Hơn nữa, nghiên cứu của tác giả cũng chưa chỉ ra được ảnh hưởng của thực trạng giáo dục giới tính tại trường học lên sự phát triển của trẻ vị thành niên. Vì vậy, nhóm nghiên cứu của chúng tôi quyết định thực hiện đề tài “Giáo dục giới tính tại trường công lập ở Hà Nội: Thực trạng và tác động lên sự phát triển của trẻ vị thành niên”. 

Tài liệu tham khảo 

Báo Tuổi Trẻ (2020). Let’s talk about sex: Vietnam’s millennials on condoms, consent, Báo Tuổi Trẻ, truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2022, . <https://tuoitrenews.vn/news/lifestyle/20200608/let-s-talk-about-sex-vietnam-s -millennials-on-condoms-consent/54979.html>. 

BZgA, UNFPA, & WHO (2016), Sexuality education: What is its impact?, BZgA, UNFPA, & WHO, truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2022, <https://www.euro.who.int/__data/assets/pdf_file/0010/379045/Sexuality_educ ation_Policy_brief_No_2.pdf>. 

Debanjan, B. và Sathyanarayana, R. (2022), Comprehensive Sex Education—Why Should We Care?, truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2023, <https://journals.sagepub.com/doi/10.1177/26318318221092076>. 

Herat, J., Plesons, M., Castle, C. và cộng sự (2018), “The revised international technical guidance on sexuality education – a powerful tool at an important crossroads for sexuality education”, Reprod Health, số 15, tr. 185. 

Nguyễn Anh Chi (2009), “Public opinion in Vietnam about Adolescent Sexuality, Sex education and Abortion”, Asia Research Institute working paper, số 119. 

Nguyễn Hương, Shiu, C., & Farber, N. (2016), “Prevalence and factors associated with teen pregnancy in Vietnam: results from two national surveys”, Societies, số 6, tr. 17. 

Nguyễn Linh (2018). Perspectives of Vietnamese students on sex education. VGU. 

https://www.studocu.com/vn/document/vietnamese-german-university/academi c-writing/perspectives-of-vietnamese-students-on-sex-education/7810755 Nguyễn Sáu (2020), Consequences of Neglecting Sex Education in

Families and Schools, truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2023, <https://www.researchgate.net/profile/Hoi-Ht/publication/346054523_Consequ ences_of_Neglecting_Sex_Education_in_Families_and_Schools/links/61077e1 20c2bfa282a15ba2f/Consequences-of-Neglecting-Sex-Education-in-Families-a nd-Schools.pdf>. 

Pittman, Vicki, Gahungu & Athanase. (2006), “Comprehensive Sexuality Education or Abstinence-Only Education, Which Is More Effective?”, Journal of Research for Educational Leaders, số 2, tr. 60–91. 

Trần Thị Hà Phương (2022). Tình hình việc dạy và học “Giáo dục giới tính” ở những trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/141532

UNESCO (2010), Levers of Success: Case studies of national sexuality education programmes, UNESCO, truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2022, <https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000188495>. 

3. Ý nghĩa khoa học 

– Về phương diện lý luận, đề tài vạch ra tầm ảnh hưởng mà độ toàn diện của giáo dục giới tính đem lại cho trẻ vị thành niên qua nhiều góc nhìn khác nhau. 

– Về phương diện thực tiễn, nghiên cứu đem lại một cái nhìn tổng quan về hiện trạng giáo dục giới tính ở học sinh cấp trung học cơ sở và phổ thông, từ đó có thể một phần trở thành nền tảng khoa học cho việc xây dựng và triển khai chương trình giáo dục giới tính phù hợp với nhu cầu của học sinh, đặc biệt trong thời đại thông tin hiện nay.