UI – NHẬT KÝ SÁNG TẠO | GOMI STOP – GIẢI PHÁP PHÂN LOẠI RÁC HƯỚNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG XANH CHO ULIS
Dự án Gomi Stop – giải pháp phân loại rác hướng đến môi trường xanh cho Ulis là dự án do bạn Ngô Linh Chi Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản thực hiện. Sau đây là một vài chia sẻ của chủ nhiệm dự án, chúng mình hãy cùng lắng nghe nhé!
Mình xin bật mí 1 chút về ý nghĩa tên của dự án: “Gomi” là 1 từ tiếng nhật có nghĩa là rác, từ “Stop” ở đây mình dùng với 2 ý nghĩa: 1 là mang nghĩa là dừng là hạn chế xả rác, tạo ra rác; ngoài ra “Stop” còn mang nghĩa là trạm (kiểu giống như bus stop ấy) cụ thể ở đây chính là trạm phân loại rác – nơi rác sẽ được tái sinh 1 lần nữa.
Mình là một người đặc biệt quan tâm đến môi trường và các vấn đề về môi trường. Mình luôn băn khoăn liệu có giải pháp nào giúp môi trường “xanh” hơn nhỉ?! Và rồi mình bắt đầu đi tìm và đã tìm ra phần nào câu trả lời cho câu hỏi ấy: đúng vậy, đó chính là phân loại rác. Phân loại rác mang lại rất nhiều lợi ích như giúp giảm lượng rác thải, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, tăng vòng đời của rác… Tuy nhiên phân loại rác lại chưa được thực hiện tốt và thường xuyên trên phạm vi cả nước nói chung và tại trường Đại học ngoại ngữ nói riêng. Có 1 đặc điểm là các loại rác thường gặp tại trường học có khả năng tái chế cao như vỏ chai nhựa, lon nhôm/sắt, bìa/giấy, vỏ hộp sữa… Nếu ta có thể tận dụng và xử lý tốt những loại rác, chúng sẽ trở thành 1 nguồn tài nguyên tuyệt vời cho chúng ta.
Là 1 sinh viên khoa Nhật và được tiếp xúc khá nhiều với văn hóa Nhật, mình đặc biệt ấn tượng với văn hóa phân loại rác của nước Nhật. Qua quá trình tò mò tìm hiểu, mình đã biết đến ngôi làng Kamikatsu – ngôi làng không rác thải đầu tiên và có thể nói là duy nhất hiện nay tại Nhật Bản. Câu chuyện về 1 ngôi làng nằm trên hòn đảo nhỏ với chỉ khoảng 1500 dân số thôi nhưng hành trình không ngừng nỗ lực của người dân nơi đây để đi đến mục tiêu trở thành ngôi làng không rác thải vào năm 2020 đã truyền cảm hứng cho mình rất nhiều.
Kamikatsu có được thành công như vậy không chỉ bởi ý thức thực hiện phân loại rác nghiêm túc của người dân mà còn bởi hệ thống phân loại cụ thể, chi tiết giúp tối ưu hóa việc phân loại và tái chế rác. Sau khi tham khảo và đọc các tài liệu nghiên cứu, mình nhận thấy hệ thống và cách thức phân loại rác của Kamikatsu hoàn toàn có thể áp dụng tại trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN và đó cũng chính là cơ sở, nền tảng để mình xây dựng lên dự án “Gomi Stop”. Mình hy vọng “Gomi Stop” và các bạn Ulisers, chúng ta sẽ cùng nhau tạo nên một môi trường học đường tại Ulis thật thân thiện, xanh-sạch-đẹp và tiến đến mục tiêu giúp Ulis trở thành trường Đại học đầu tiên không rác thải tại Việt Nam, từ đó đóng góp vào công cuộc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn chung của cả nước.
Trước đây, mình chưa từng tham gia những cuộc thi về học thuật như vậy bao giờ. Bởi vì mình thấy những cuộc thi như vậy xịn quá, mình nghĩ chắc mình không đủ khả năng để tham gia đâu. Nhưng trong 1 buổi zoom câu nói của thầy Lân Trung – chủ tịch Alumni đã tiếp thêm cho mình động lực để thử sức bản thân hơn. Thầy nói “…đó có thể là 1 hành trình dài và đầy khó khăn nhưng nó sẽ là 1 dấu ấn – dấu ấn thuộc về riêng bản thân em mà sau này khi nhìn lại cho dù kết quả như thế nào em vẫn sẽ cảm thấy vui và tự hào về bản thân mình, đó sẽ là những ký ức khó quên nhất thời sinh viên”. Vậy là mình đăng ký dự thi, rồi làm hết sức mình, đôi lúc hơi nản mình lại nghĩ về lý do mình bắt đầu “mình muốn làm gì đó cho môi trường, mình muốn môi trường của chúng ta xanh hơn “. Và cứ thế, với sự hỗ trợ tận tâm của cô Thẩm Thúy Hồng – Thạc sĩ khoa ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản trường Đại học ngoại ngữ (ĐHQGHN) và cô Bùi Thị Thanh Hương – Tiến sĩ về Địa lý, tài nguyên và môi trường trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) cùng sự can đảm dấn thân vào cuộc thi của mình, mình đã may mắn đạt được giải nhất – 1 kết quả mà không bao giờ mình có thể nghĩ đến. Nhưng mình đã làm được, 1 sinh viên với thành tích không có gì nổi bật, chưa từng có kinh nghiệm trong các cuộc thi học thuật đã làm được thì mình tin rằng các bạn cũng sẽ làm được và làm tốt hơn mình rất rất nhiều. Chỉ cần dũng cảm hơn 1 chút, kiên trì hơn 1 chút mình tin những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn.
Các bạn đừng quên tiếp tục theo dõi page Đổi mới Sáng tạo, NCKH, Khởi nghiệp để cập nhật những dự án bổ ích mà bọn mình sẽ giới thiệu trong chuyên mục “Nhật ký sáng tạo” nha!
#Nhatkysangtao#UI
—————————————
Trung tâm Đổi mới Sáng tạo, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN
Facebook: fb.com/ulisinnovation
Email: fireproject.ulis@gmail.com