Youtube Vlog của phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài: Hình ảnh đời sống gia đình và sự tự thể hiện bản thân.

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Thành viên thực hiện: Nguyễn Thị Bích Thảo, Phan Nhật Hoài Linh, Nguyễn Thị Hương Giang
Giảng viên hướng dẫn: TS Nguyễn Thanh Hà

Gần đây, những video dạng nhật ký ngắn trở nên ngày càng phổ biến trên Youtube. Tác giả của những video này cũng vô cùng đa dạng, và chủ đề lại phong phú. Trong đó, chúng tôi thấy nổi bật lên là một số kênh của phụ nữ người Việt lấy chồng nước ngoài. Cụ thể như kênh “Quynh Tran JP & Family – Cuộc sống ở Nhật”, theo dữ liệu cập nhật mới nhất vào ngày 20/02/2021 tại trang web Influencer, kênh có 3,99 triệu lượt đăng ký kênh với 1,51 tỷ lượt xem. Đây là kênh Youtube của một người phụ nữ Việt Nam tên Quỳnh Trần, kết hôn chồng người Nhật Bản. Kênh “Yewon TV”, sở hữu bởi Kiều Tiên lấy chồng Hàn Quốc, có 1,19 triệu lượt đăng ký và 484,84 triệu lượt xem. Kênh “Hoyer Family Cuộc Sống Mỹ”, được tạo ra bởi Ngọc Huỳnh kết hôn với chồng Mỹ, đạt được 1,15 triệu lượt đăng kí và 495,52 triệu lượt xem. Hoặc như kênh “Vợ Chồng Nhà Nhân – JP And FAMILY Cuộc Sống Ở Nhật”, sở hữu bởi Đức Nhân lấy chồng Nhật Bản, đạt được 379 nghìn lượt đăng ký và 40,44 triệu lượt xem. Những kênh Youtube này có điểm chung là đều chia sẻ về cuộc sống hằng ngày của họ ở hai đất nước được biết đến là “tươi đẹp” trong quan niệm của nhiều người Việt Nam đó là Mỹ và Hàn Quốc hay Nhật Bản. Là sinh viên Quốc tế học, chúng tôi muốn tìm hiểu hiện tượng này từ góc độ văn hóa. Cụ thể, chúng tôi quan tâm tới việc tái trình diện bản thân và đời sống hôn nhân đa văn hóa của các vloggers này và cách thức họ tương tác với khán giả trong khuôn khổ của thể loại vlog. Qua đó, chúng tôi giúp phần nào trả lời câu hỏi: Những người sáng tạo nội dung trên Youtube giao tiếp với khán giả như thế nào? Họ tự thể hiện bản thân và cuộc sống gia đình qua những thước phim ra sao? Liệu rằng những nội dung, hình ảnh, câu chuyện mà người sáng tạo nội dung truyền tải đến người xem hoàn toàn là tự nhiên, chân thực hay vẫn luôn đi kèm những yếu tố “diễn”?

Xem thêm Báo cáo tóm tắt