Vấn đề lựa chọn ngôn ngữ ghi chép khi thực hành phiên dịch nối tiếp Việt – Anh của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh CLC, trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. (The choice of language for note-taking in Vietnamese – English consecutive interpreting of English majors at University of Languages and International Studies – VNU)

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Vấn đề lựa chọn ngôn ngữ ghi chép khi thực hành phiên dịch nối tiếp Việt – Anh của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh CLC, trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. (The choice of language for note-taking in Vietnamese – English consecutive interpreting of English majors at University of Languages and International Studies – VNU)

Dịch thuật từ lâu đãđược coi là một kỹ năng khó trong việc học ngoại ngữ nói chung và Anh ngữ nói riêng. Cùng với xu thế phát triển và hội nhập không ngừng của thế giới, vai trò của dịch thuật nói chung và lĩnh vực phiên dịch nói riêng ngày càng được đề cao trong việc kết nối các nền văn hóa trên toàn thế giới.

Người phiên dịch được coi là một “diễn giả thứ hai” (Trung, 2002, tr.40), không chỉ là người truyền đạt nội dung mà còn phải truyền tải được cả thông điệp cũng như thần thái của người nói (Đông, 2007). Phiên dịch bao gồm ba công đoạn: Tiếp nhận (reception), Hiểu (comprehension), Biểu đạt (expression), trong đó công đoạn Hiểu – xử lý các tín hiệu đưa vào đề chuẩn bị phát ra những tín hiệu mới – đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, điều này không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Cũng theo Trung (2002), trong hoạt động dịch nói, một điều nói ra có thể được nhắc lại bằng một ngôn ngữ khác sau đó có khi là nửa giờ hay một giờ, tùy thuộc vào khung cảnh, tình huống, chủ đề và cá tính của người nói. Đồng thời, khi lượng thông tin vượt quá khả năng ghi nhớ của não bộ, người phiên dịch phải dựa vào sự hỗ trợ của ghi chép. Do đó, kỹ thuật ghi chép trong dịch nói có tính chất đặc biệt quan trọng, góp phần đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả dịch nói.

Xác định được tầm quan trọng của ghi chép, trong giảng dạy thực hành dịch nói, các giảng viên bộ môn Biên phiên dịch của Trường Đại học Ngoại ngữ – VNU cũng không ngừng cập nhật, cải tiến nội dung, thiết kế những bài học rèn luyện kỹ thuật ghi chép cho sinh viên, nhằm đào tạo ra đội ngũ phiên dịch viên có kỹ thuật dịch nói tốt, đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội. Trên thực tế, theo quan sát và trải nghiệm của tác giả, việc rèn luyện kỹ thuật ghi chép trong quá trình phiên dịch nối tiếp Việt-Anh đã gây ra không ít khó khăn đối với sinh viên chuyên ngành Biên Phiên dịch, những người mới được tiếp xúc cũng như chưa có nhiều cọ xát với lĩnh vực này. Đây không phải là một kỹ thuật quá mới mẻ, nhưng sinh viên thường lúng túng khi phải quyết định nên ghi chép như thế nào, cụ thể là bằng ngôn ngữ gì.