“Môi trường của ta, thế giới mà ta đang sống và làm việc, là tấm gương phản chiếu những thái độ và kỳ vọng của ta” (Earl Nightingale). Môi trường đóng vai trò quyết định sự sống của con người. Ngày nay, với tốc độ phát triển của ngành công nghệ, rác điện tử đang gia tăng rất nhanh so với các loại rác thải khác. Pin được liệt kê vào danh mục rác thải độc hại, nếu không được thu gom và xử lý đúng cách, sẽ tác động xấu đến môi trường và con người. Thực tế cho thấy, tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, trong các tòa nhà, lớp học đều có đồng hồ treo tường, điều khiển điều hòa,.. có sử dụng đến pin. Nhưng địa điểm thu gom pin cũ và các chương trình liên quan tới thu gom pin còn hạn chế. Có thể, các viên pin cũ sẽ được vứt vào thùng rác tổng hợp và đưa ra các bãi rác chung. Ngoài ra, trong quá trình học tập, sinh sống và làm việc, các bạn sinh viên cũng sử dụng không ít các vật dụng cần pin như chuột máy tính và có khá nhiều pin cũ mà chưa biết xử lý ra sao, thậm chí vứt vào các túi rác thải sinh hoạt. Vì vậy, dự án “Upin Ipin – The Way Home” ra đời nâng cao nhận thức của mọi người về các ảnh hưởng tiêu cực của pin cũ và khuyến
khích mọi người hình thành thói quen phân loại pin, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, dự án cũng nhằm giải quyết vấn đề tìm đơn vị xử lý pin cho nhà trường.
Dự án triển khai thu gom pin cũ dưới hình thức các thùng thu gom pin được tái chế hoàn toàn từ bìa cát-tông và có chứa cát khô để giảm bớt tình trạng ma sát gây chảy nước, rò rỉ ở pin đã qua sử dụng. Về phạm vi hoạt động, mỗi tòa nhà (A1, A2, B2, B3, C1, C3…) tại khuôn viên trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN sẽ đặt khoảng 1-3 thùng pin. Để thu hút sự chú ý của các bạn sinh viên, thầy cô ULIS; dự án đã lập riêng một kênh Fanpage và TikTok nhằm chia sẻ về hoạt động thu gom pin cũ với thông điệp “Viên pin nhỏ, ý nghĩa to”.
Đồng thời, trong quá trình hoạt động, mong muốn dự án có thể tiếp cận được tới nhiều người hơn nữa, không chỉ trong ULIS mà các trường lân cận như VNU, HNUE, TMU, dự án đã tổ chức sự kiện “Thu gom pin cũ – Đổi quà xinh” tại cổng khoa Pháp, khuôn viên trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Với sự kiện này, thầy cô, sinh viên sẽ tham gia quy đổi số lượng pin cũ để lấy quà với những món quà nhỏ xinh như: sen đá, tranh vẽ, ghim cài balo, bookmark, móc khóa, scrunchies,…
Về tần suất thu gom pin cũ: 3 lần/tháng, thành viên dự án sẽ thu gom pin đã qua sử dụng từ các thùng pin. Pin cũ đã qua sử dụng sẽ được dự án thu gom, phân loại và gửi lên địa chỉ: Xử Lý Chất Thải Sông Công – Công Ty TNHH Môi Trường Sông Công tại Thôn Tân Mỹ 2, xã Tân Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Đây là một trong những đơn vị hàng đầu về lĩnh vực xử lý, tái chế chất thải và bảo vệ môi trường. Vì vậy, dự án đã liên hệ và nhận được sự đồng ý xử lý pin từ công ty Môi trường Sông Công.