Ứng dụng hỗ trợ nấu ăn trên nền tảng smartphone Home Kitchen

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Ngày nay, xã hội phát triển và cuộc sống ngày càng bận rộn, những người trẻ tuổi đang có xu hướng xa rời việc bếp núc. Cùng với đó, các nhà hàng, ứng dụng đặt đồ ăn và dịch vụ giao hàng mọc lên như nấm, càng làm mất đi vị thế tuyệt đối của việc nấu ăn tại nhà. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bất ngờ bùng nổ, hàng quán đóng cửa, các hãng giao hàng công nghệ phải tạm ngừng, mọi người đều phải ở yên trong nhà. Hoàn cảnh khó khăn này buộc mọi người phải “yêu lại” căn bếp của mình, tự chuẩn bị những bữa cơm ngon cho cả gia đình. Nấu ăn tại nhà nhờ đó dần lấy lại được vị thế vốn có của nó.
Như vậy, có thể thấy ứng dụng nấu ăn là một thị trường đầy tiềm năng và bền vững trước những biến động xã hội. Hơn nữa, đây cũng là một sản phẩm mang tính nhân văn khi khuyến khích các bữa ăn tại nhà, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh, vừa gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Xuất phát từ những vấn đề thực tế trên, chúng tôi mong muốn phát triển ứng dụng nấu ăn Home Kitchen trên nền tảng smartphone nhằm giúp người dùng chinh phục đam mê nấu nướng.

Home Kitchen định vị bản thân là mạng xã hội nấu ăn tiên phong của người Việt Nam, phù hợp với mọi đối tượng, ngành nghề, đặc biết là những người bận rộn, ít hứng thú với nấu ăn. Home Kitchen hứa hẹn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng thông qua các tính năng phong phú, đa dạng như:
1, Gợi ý menu theo nguyên liệu sẵn có
2, Gợi ý menu theo từng chế độ ăn
3, Đi chợ hộ / Chỉ dẫn nơi mua thực phẩm sạch, hữu cơ
4, Video hướng dẫn nấu ăn

5, Bếp thực tế ảo để người dùng tự sáng tạo món mới
6, Đồng hồ đo lượng calo tiêu thụ
7, Mạng xã hội nấu ăn để người dùng tương tác, chia sẻ trải nghiệm nấu nướng (video, ảnh, bài viết, công thức nấu ăn,…)
8, Sổ ghi chú để người dùng lưu lại các công thức nấu ăn
9, Tin nhắn
10, Ví liên kết để người dùng có thể nhận được tiền từ các bài chia sẻ nổi bật của mình
Chúng tôi đã tiến hành thấu cảm người tiêu dùng, từ đó xây dựng chân dung khách hàng tiềm năng của mình trong giai đoạn đầu phát triển như sau: là người Việt Nam, độ tuổi từ 18-30, thu nhập trung bình dao động từ trên 5 triệu.

Hiện nay, trên thị trường đã tồn tại những ứng dụng hỗ trợ nấu ăn như Cookpad, Yummly, Tasty,… Tuy nhiên, các ứng dụng này không hỗ trợ Tiếng Việt, không cung cấp đa dạng các công thức nấu món Việt và cũng không có các video hướng dẫn chế biến chi tiết, khiến người dung Việt Nam khó tiếp cận và sử dụng. Là mạng xã hội nấu ăn “Do người Việt – Cho người Việt”, Home Kitchen không những giải quyết được những vấn đề trên, chúng tôi còn tối ưu hóa trải nghiệm nấu nướng của người dùng thông qua các tính năng từ A-Z: gợi ý thực đơn – hỗ trợ đi chợ – hướng dẫn chế biến – sáng tạo món mới – chia sẻ kinh nghiệm, công thức nấu ăn – kiếm thêm thu nhập qua các bài đăng, tương tác. Trong đó, khác biệt cơ bản của chúng tôi so với đối thủ là áp dụng công nghệ AI trong gợi ý món ăn; xây dựng căn bếp thực tế ảo để giúp người dùng tự do sáng tạo món mới; tổ chức mạng xã hội nấu ăn nơi cộng đồng yêu ẩm thực có thể vừa chia sẻ những nội dung tích cực, vừa nâng cao thu nhập.