Hiện nay trong hệ thống chữ viết của tiếng Việt tồn tại nhiều hình thức viết các tên riêng nước ngoài. Đối với các tên riêng gốc Hán: Bắc Kinh (北京), Thượng Hải (上海), Lỗ Tấn (鲁迅), Tập Cận Bình (习近平),… hoặc những tên riêng đã có hình thức quen thuộc được phiên âm qua Hán-Việt: Anh (England 英国), Pháp (France 法国), Đức (Deutschland 德国), Hi Lạp (Ελλάδα 希腊),…việc viết cũng như đọc các tên riêng này tương đối thống nhất và dễ dàng dựa vào hệ thống từ Hán Việt. Tuy nhiên với những tên riêng nước ngoài không có phiên âm Hán Việt hoặc phiên âm Hán Việt quá phức tạp, không thuận tiện khi sử dụng tiếng Việt hiện nay có hai cách viết được chấp nhận. Cách viết đầu là viết các tên riêng theo phiên âm quốc tế bằng chữ cái Latinh: Moskva (Москва), Tokyo (とうきょうと東京都 ), Vladimir Ilyich Lenin (Влади́мир Ильи́ч Ле́нин, Friedrich Engels,… Cách viết thứ hai là thông qua việc chuyển âm các tên riêng này sang tiếng Việt, viết hoa chữ cái đầu mỗi từ, giữa các tiếng trong một từ được ngăn cách nhau bằng dấu gạch nối: Mát-xcơ-va, Tô-ky-ô, Vla- đi-mia I-lích Lê-nin, Phri-đrich Ăng-ghen,…
Như đã nói ở trên, cả hai cách viết này đều được chấp nhận, tuy nhiên theo thời gian, nếu như trước khi Việt Nam mở cửa, hội nhập sâu rộng, các tên riêng nước ngoài không được viết theo từ Hán Việt đa phần đều được viết theo cách thứ hai (chuyển âm sang tiếng Việt), thì sau khi đất nước mở cửa, hội nhập, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao phiên âm quốc tế ngày càng được sử dụng rộng dãi. Mỗi cách viết đều có những ưu điểm song song với những hạn chế, và như đã nói ở trên cả hai cách viết này đều đang được chấp nhận trong tiếng Việt, hệ quả là xuất hiện một số những bất cập.Trong chương trình giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục cũng đã đưa ra hướng dẫn về việc viết các tên riêng nước ngoài. Cụ thể, theo Sách giáo khoa Tiếng Việt 4 (tập 1), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam – Bộ Giáo dục và Đào tạo, trang 79, về tắc viết tên người, tên địa lí nước ngoài: “…
1. Khi viết tên người, tên địa lí nước ngoài, ta viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên đó. Nếu bộ phận tạo thành tên gồm nhiều tiếng thì giữa các tiếng cần có dấu gạch nối.
2. Có một số tên người, tên địa lí nước ngoài viết giống như cách viết tên riêng Việt Nam. Đó là những tên riêng được phiên âm theo âm Hán Việt.” Không chỉ riêng bộ môn Tiếng Việt hay Ngữ văn nói riêng, quy tắc viết ngày còn được áp dụng cho tất cả các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông: Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học,…
Như đã đề cập, cả hai cách viết tên riêng nước ngoài, cách viết theo phiên âm quốc tế và viết theo cách chuyển âm sang tiếng Việt, đều đang được chấp nhận, tuy nhiên xét theo thực tiễn nội dung giảng dạy như trên đã trở nên “lỗi thời” và cần được thay đổi. Thực tiễn ở đây chính là việc ngày nay các văn bản hành chính, các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm xuất bản,… hầu hết đều sử dụng từ Hán Việt và phiên âm quốc tế khi viết tên người, tên địa lí nước ngoài. Nhưng ngoài chương trình giáo dục phổ thông, việc viết các tên riêng nước ngoài vẫn chưa hoàn toàn thống nhất. Với những từ có tần xuất sử dụng cao, đã xuất hiện được một thời gian dài, người Việt khi viết những từ này vẫn có xu hướng viết theo cách vốn đã quen thuộc. Ví dụ chúng ta thấy các văn bản hành chính, giáo trình viết chủ nghĩa Mác-Lênin chứ ít khi thấy người viết chủ nghĩa Marx Lenin theo phiên âm quốc tế. Ngoài ra trong một số trường hợp, người viết hoặc soạn thảo văn bản sử dụng đồng cả hải cách viết trên có thể là trong cùng một nhà xuất bản, thậm chí là trong cùng một ấn phẩm, có những từ được viết theo phiên âm quốc tế, số khác lại được viết theo cách phiên âm sang tiếng Việt. Những bất cập này cho đến nay chưa dẫn đến những hậu quả đáng lo ngại nhưng về lâu dài, khi Việt Nam ngày càng vươn mình ra thế giới, ngày một có thêm nhiều người nước ngoài muốn tiếp cận với tiếng Việt thì việc đưa đến sự thống nhất chung cho chữ viết là điều bắt buộc phải hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt trong “thời điểm vàng” này khi Bộ Giáo dục đang tiến hành đổi mới giảng dạy, đổi mới sách giáo khoa phổ thông cần nhanh chóng đưa vấn đề này vào một trong những vấn đề cần được cân nhắc khi xây dựng chương trình dạy và học.
Song song với ý nghĩa thực tiễn, quá trình phân tích, đi tới thống nhất để tìm ra cách phù hợp nhất để ứng xử với những tên riêng nước ngoài cũng là điều kiện để vận dụng, đi sâu vào lí thuyết của ngôn ngữ Việt Nam. Việc vận động, thay đổi một ngôn ngữ sao cho phù hợp với thực tế nhất cũng là xu hướng chung của sự phát triển.