Truyện Kiều là một truyện thơ kinh điển, nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du, là tập đại thành văn của Văn học Việt Nam thời Trung đại. Hàng trăm năm qua, Truyện Kiều vẫn luôn tồn tại trong đời sống của dân tộc Việt và được coi là “quốc hoa”, “quốc túy”, “quốc hồn”. Vì vậy, Truyện Kiều đã trở thành đối tượng nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước.
Một trong những điểm nổi bật về hình thức nghệ thuật trong Truyện Kiều chính là việc Nguyễn Du đã sử dụng rất nhiều điển cố tiếng Hán. Hiện nay, giới học thuật đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu về lĩnh vực này. Trong số đó, các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào việc thống kê, phân loại và phân tích những điển cố tiếng Hán trong Truyện Kiều. Tuy nhiên, các học giả chỉ trích dẫn các điển cố đã được dịch thành âm Hán Việt, âm phi Hán Việt hoặc những điển cố đã được “Việt hóa”, chưa trích dẫn nguồn gốc và xuất xứ của các điển cố trong tiếng Trung.
Vì vậy, nghiên cứu những điển cố tiếng Hán trong Truyện Kiều sẽ giúp sinh viên học tiếng Trung hiểu thêm về những điển cố tiếng Hán cũng như sự giao lưu văn hóa Trung – Việt. Đồng thời, có thể dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài đưa ra một số kiến nghị về phương pháp học cho người học tiếng Trung.