Ngành dệt may Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc gia, đóng góp lớn vào GDP và kim ngạch xuất khẩu (Lê, 2023). Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, đặc biệt là với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)- hiệp định được ký kết như một điểm sáng, mở ra cơ hội hợp tác và phát triển kinh tế cho các quốc gia thành viên nói chung cũng đặc biệt là Việt Nam nói riêng. đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ và cũng đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Hiệp định sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam lên đến 11,4% và 9,2% tương ứng (World Bank, 2022). Cụ thể, RCEP mang lại nhiều lợi ích cho ngành dệt may Việt Nam như: giảm thuế quan, loại bỏ rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu và thu hút đầu tư.
Không chỉ vậy Hàn Quốc còn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, có nhu cầu cao về sản phẩm dệt may chất lượng và thời trang (Thông tin đối ngoại, 2024). Việc tận dụng hiệu quả các cam kết từ RCEP, như cắt giảm thuế quan và đơn giản hóa quy tắc xuất xứ, sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường này. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn đối mặt với những vấn đề như phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, năng suất lao động thấp, và sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác trong khu vực.
Việc nghiên cứu đề tài này không chỉ giúp đánh giá thực trạng xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc mà còn xác định các cơ hội và thách thức từ RCEP. Đặc biệt, các giải pháp được đề xuất sẽ góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị xuất khẩu, và đảm bảo phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu. Đây là cơ sở cần thiết để hoạch định các chính sách chiến lược nhằm tận dụng hiệu quả những lợi ích từ RCEP và đối phó với các thách thức trong tương lai.