1. Tổng quan
- Nhu cầu thực tiễn
Trong lĩnh vực giáo dục hiện nay nói chung, đào tạo sinh viên nói riêng, hoạt động nghiên cứu khoa học đang ngày càng được đề cao và trở thành một nội dung trọng tâm của giáo dục đại học. Theo Luật giáo dục (2010) “Phương pháp đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học phải coi trọng việc bồi dưỡng ý thức tự giác trong học tập, năng lực tự học, tự nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kĩ năng thực hành, tạo điều kiện cho người học tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng” (Điều 40). Nguyễn Duy Anh (2020) cũng đã chỉ ra rằng: Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên bổ sung và đào sâu những kiến thức đã được lĩnh hội trên ghế nhà trường. Thật vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học tập của sinh viên và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường Đại học, Cao đẳng. Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học cho phép sinh viên khám phá những tri thức mới trong lĩnh vực học tập và giảng dạy. Thông qua quá trình nghiên cứu, sinh viên có cơ hội tự tìm hiểu, xây dựng kiến thức và phát triển kỹ năng phân tích, tổ chức thông tin cũng như giải quyết vấn đề. Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng khuyến khích sự sáng tạo và tư duy phản biện của sinh viên, giúp người tham gia nâng cao các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xử lý thông tin.
Trên thực tế, qua việc tìm hiểu 5 đợt nghiệm thu gần đây, chúng tôi nhận thấy số lượng đề tài và số lượng sinh viên tham gia tăng lên đáng kể. Cụ thể được thể hiện chi tiết ở bảng dưới đây:
Bảng 1. Số lượng đề tài và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học trong thời gian gần đây.
STT | Năm | Đợt | Số lượng đề tài | Số sinh viên tham gia |
1 | 2022 | Đợt 3 | 18 nhóm đề tài NCKH;6 nhóm dự án ĐMST-KN | 87 sinh viên |
2 | Đợt 4 | 33 nhóm đề tài NCKH;28 nhóm dự án ĐMST-KN | 229 sinh viên | |
3 | Đợt 1 | 44 đề tài NCKH;22 dự án ĐMST | 196 sinh viên |
4 | 2023 | Đợt 2 | 50 đề tài NCKH;22 dự án ĐMST-KN | 184 sinh viên |
5 | Đợt 3 | 29 đề tài NCKH;17 dự án ĐMST-KN | 156 sinh viên |
Nguồn số liệu: Trung tâm Đổi mới Sáng tạo – ULIS Innovation, 2022-2023
Tuy nhiên, khi phân tích sâu hơn các con số, chúng tôi thấy số lượng SV khoa SPTA (một trong những khoa trọng điểm có số lượng sinh viên đông) tham gia vào hoạt động NCKH và ĐMST-KN còn tương đối hạn chế với 215 sinh viên tham gia (chỉ chiếm 8,69% trên tổng 2475 sinh viên). Vì vậy, đây là một vấn đề cần được quan tâm, nghiên cứu kỹ để có những biện pháp nhằm thu hút ngày càng nhiều SV khoa SPTA tham gia NCKH hơn.
Hơn nữa, qua quá trình quan sát trên lớp học và phỏng vấn các bạn sinh viên khoa SPTA về hiểu biết nghiên cứu khoa học đề tài cấp cơ sở, nhìn chung các bạn chưa được tiếp xúc nhiều với làm NCKH bên cạnh học một số môn như Phương pháp luận nghiên cứu khoa học và Tư duy sáng tạo khởi nghiệp.
Chính vì vậy, việc tìm hiểu những nhân tố ảnh hưởng tới quyết định tham gia NCKH của SV, tìm ra khó khăn và đề xuất hướng giải quyết nhằm kích thích niềm đam mê tìm tòi, sáng tạo, giúp SV chủ động tham gia vào NCKH. Từ đó, góp phần đáng kể trong việc tạo ra nguồn tài liệu phong phú và thư viện mới cho SV tại trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN nói riêng và cho cộng đồng nói chung. Điều này mang lại nhiều lợi ích quan trọng, không chỉ giúp nâng cao chất lượng học tập và nghiên cứu của SV mà còn đóng góp tích cực vào phát triển, tiến bộ của nhà trường.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi quyết định lựa chọn đề tài nghiên cứu Thực trạng và giải pháp thúc đẩy hoạt động tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên khoa Sư phạm Tiếng Anh trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
1.2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan Các nghiên cứu trên thế giới:
Trong công trình nghiên cứu “Đặc điểm cá nhân và sự tham gia của sinh viên trong nghiên cứu khoa học: một nghiên cứu cắt ngang” của Ana Salgueiro cùng cộng sự (2012) được thực hiện đối với tất cả các SV và cựu sinh viên trường Khoa Học Sức Khỏe ở Minho, Bồ Đào Nha. Nghiên cứu này đã đánh giá ảnh hưởng của các đặc điểm cá nhân bao gồm đặc điểm tính cách và đặc điểm nhân khẩu học xã hội, đối với sự tham gia tự nguyện vào nghiên cứu khoa học của sinh viên y khoa đại học. Kết quả chỉ ra rằng sự tham gia của SV vào các hoạt động NCKH bậc đại học được quyết định bằng điểm trung bình của sinh viên và các đặc điểm như giới tính, sự cởi mở và ý thức. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu các yếu tố chủ quan ảnh hưởng tới sự tham gia NCKH của sinh viên; vì vậy, đây là lý do dẫn đến việc nghiên cứu thực trạng hoạt động và giải pháp thúc đẩy hoạt động NCKH của sinh viên khoa SPTA, trường ĐHNN – ĐHQGHN như trong bài nghiên cứu của chúng tôi.
Công trình nghiên cứu “Một cuộc điều tra về các yếu tố liên quan đến năng suất nghiên cứu tại một trường công lập ở Thái Lan: Một nghiên cứu điển hình” của Sarunya Left Puttarak (2008) đã nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất nghiên cứu thấp của giảng viên học thuật trong một trường Đại học công lập ở Thái Lan. Tuy nhiên, đối tượng của nghiên cứu này là giảng viên ở một trường Đại học ở Thái Lan, do đó đối tượng nghiên cứu này có tính chất khác với nghiên cứu của chúng tôi là SV khoa SPTA, trường ĐHNN-ĐHQGHN. Hơn nữa, công trình nghiên cứu của Sarunya Left Puttarak cũng mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất thấp của hoạt động tham gia NCKH và chưa thực hiện khảo sát về thực trạng song song đề xuất các giải pháp thúc đẩy hoạt động tham gia NCKH của sinh viên, điều mà dự án chúng tôi đã hoàn thành.
Nghiên cứu tại Việt Nam
Tạp chí nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên – Nghiên cứu trường hợp Đại học Tài chính – Marketing” (Hà Đức Sơn, Nông Thị Như Mai, 2019) đã thực hiện mục đích tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động tham gia NCKH của SV nhằm thu hút SV tham gia NCKH. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia NCKH của SV bao gồm 04 yếu tố chính: Môi trường nghiên cứu, Động cơ, Năng lực của sinh viên và Sự quan tâm khuyến khích của nhà trường.Tuy nhiên, đối tượng của nghiên cứu này là SV tất cả các khoa thuộc trường Đại học Tài chính – Marketing nên có tính chất khác với đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là sinh viên khoa Sư Phạm Tiếng Anh trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Bên cạnh đó, bài nghiên cứu này mới chỉ đưa ra các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia NCKH của sinh viên một cách tổng quát. Chính vì vậy, bài nghiên cứu của chúng tôi song song việc tìm ra các yếu tố ảnh hưởng còn chỉ ra thực trạng về tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên và đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động tham gia NCKH của sinh viên.
Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp “Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên khoa học công nghệ sinh hóa – thực phẩm, Trường đại kỹ thuật – công nghệ Cần Thơ” (Nguyễn Văn Kiệt, Lê Sĩ Thiện, 2022) thực hiện mục đích phản ánh những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động NCKH của SV khoa Công nghệ Sinh Hóa – Thực phẩm, trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ nhằm đưa ra một số giải pháp nâng cao năng lực NCKH cho SV của khoa được đề xuất. Kết quả khảo sát cho thấy đa số SV có nghe nói về hoạt động NCKH nhưng chưa tìm hiểu kỹ, họ cho rằng hoạt động NCKH chỉ đơn giản là tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học được giao; hai quyền lợi được nhiều sinh viên biết đến nhất khi làm NCKH là được cộng điểm vào luận văn tốt nghiệp và được khoa chuyên ngành sẽ cung cấp cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật để làm NCKH; ngoài ra SV cũng cho rằng hoạt động NCKH không nhất thiết phải thực hiện và tin tưởng thầy cô giảng dạy học phần cũng như thầy cô cố vấn học tập là kênh truyền tải các thông tin về hoạt động nghiên cứu khoa học đáng tin cậy nhất. Tuy nhiên, bài nghiên cứu này chỉ ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực NCKH của sinh viên mà không đề cập đến việc thúc đẩy nhiều cá nhân tham gia NCKH. Chúng tôi tin rằng đề tài của nhóm với dự án USC sẽ tiếp cận và hỗ trợ rất nhiều SV tham gia nghiên cứu khoa học.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ – Đại học Đà Nẵng “Nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng lên động cơ tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên” (Võ Thị Minh Nho, 2023) thực hiện mục tiêu đánh giá các yếu tố ảnh hưởng lên động cơ NCKH của SV tại một trường đại học miền Trung Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng giảng viên và phương pháp học tập đều có tác động lớn đến hai yếu tố quan trọng là thỏa mãn nhu cầu năng lực và thỏa mãn nhu cầu liên kết trong việc tham gia nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu cũng làm rõ tác động tích cực của các yếu tố động cơ như sự yêu thích nghiên cứu khoa học, lợi ích cá nhân từ hoạt động nghiên cứu, và ảnh hưởng từ môi trường, từ đó đề xuất các khuyến nghị và giải pháp nhằm nâng cao động lực và thúc đẩy sinh viên tham gia NCKH tích cực hơn. Tuy nhiên, đối tượng nghiên cứu là SV tại một trường đại học ở miền Trung, không cụ thể lĩnh vực, chuyên ngành, trường Đại học, nên việc áp dụng kết quả nghiên cứu này cho một nhóm đối tượng nhất định có thể trở nên khó khăn hơn. Đối tượng nghiên cứu của bài nghiên cứu này có tính chất khác với đối tượng nghiên cứu cụ thể của chúng tôi là sinh viên khoa Sư Phạm Tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Hơn nữa, bài nghiên cứu cũng chưa đi sâu tìm hiểu thực trạng hoạt động tham gia NCKH của sinh viên, đồng thời phân tích và làm rõ những khó khăn sinh viên gặp phải trong quá trình nghiên cứu nhằm đề xuất giải pháp khắc phục những khó khăn trên. Đây cũng chính là điểm mới và quan trọng mà chúng tôi sẽ thực hiện trong bài nghiên cứu của mình.
1.3. Ý nghĩa khoa học
Đề tài được nghiên cứu chỉ ra thực trạng tham gia hoạt động NCKH của sinh viên khoa Sư phạm Tiếng Anh, trường Đại học Ngoại Ngữ- ĐHQGHN, đồng thời đề tài góp phần làm sáng tỏ những lợi ích, khó khăn sinh viên thường gặp phải khi thực hiện NCKH và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia NCKH của sinh viên, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp giúp cho sinh viên tham gia tích cực hơn trong hoạt động NCKH.
Bên cạnh đó, từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã lên kế hoạch cho hướng nghiên cứu và phát triển tiếp theo của đề tài như sau: tiến hành xây dựng và hoàn thiện, bắt đầu triển khai, thực hiện quá trình nghiệm thu dự án Landing page “ULIS SciConnect” (USC) – một kênh tổng hợp thông tin về các thầy cô giảng viên hướng dẫn, bao gồm những thông tin về chuyên môn, lĩnh vực nghiên cứu, thông tin liên lạc. Ngoài ra đây cũng là nền tảng kết nối giữa các sinh viên với giảng viên hướng dẫn và các sinh viên với nhau trong thực hiện nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Bên cạnh đó, qua dự án USC, trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN sẽ có cơ sở và phương tiện kết nối nhằm hỗ trợ sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển năng lực nghiên cứu, khám phá tri thức.