Thực trạng năng lực ngữ dụng trong việc thực hành phiên dịch của sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội – Nghiên cứu với trường hợp câu bị động tiếng Nhật

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

1. Nhu cầu thực tiễn

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973, quan hệ giữa Việt Nam  và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển với nội dung hợp tác ngày càng  sâu rộng, tích cực, toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.  Bên cạnh đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu  trên thế giới. Để có thể tăng cường hội nhập giữa hai quốc gia trong tình hình thế giới  phát triển cũng như xu thế toàn cầu hóa vẫn đang trên đà mở rộng như hiện nay, nhu  cầu phiên dịch, dịch thuật giữa hai ngôn ngữ Nhật – Việt giúp xóa bỏ rào cản ngôn ngữ đang ngày càng trở nên cấp thiết. 

Dịch thuật không chỉ đơn giản là việc chuyển đổi từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn  ngữ đích bằng cách viết lại nội dung gốc. Để đạt được truyền tải ý nghĩa một cách đầy  đủ, cần phải tiếp cận và đi sâu hơn vào dịch thuật, không chỉ đơn giản dừng lại ở việc  dịch từng từ một. Trong mỗi lĩnh vực, dịch thuật đòi hỏi từ ngữ phải chính xác và lý  luận chặt chẽ, đặc biệt trong những lĩnh vực chuyên sâu, chuyên ngành càng đòi hỏi độ chính xác cao. Việc nắm vững thuật ngữ kỹ thuật và ngành nghề là yếu tố quan trọng  để vượt qua những thách thức trong quá trình dịch thuật. Ngoài ra, dịch thuật không chỉ là một nhiệm vụ kỹ thuật mà còn là một nghề đòi hỏi cần có sự tôn trọng đạo đức nghề nghiệp. Trong quá trình phiên dịch, người phiên dịch giống như một diễn giả, chịu trách  nhiệm truyền đạt ý tưởng và thông điệp của văn bản gốc. Trung thành với nội dung ban  đầu là nguyên tắc hàng đầu, vì một bản dịch kém chất lượng có thể dẫn đến hậu quả không lường trước được khi giao tiếp với các doanh nghiệp hay thậm chí là trong quá  trình thiết lập mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia.  

Trong quá trình học phiên dịch, sinh viên không thể tránh khỏi những khó khăn  nhất định trong việc nắm bắt những đặc trưng về từ vựng, ngữ âm,… trong ngôn ngữ cũng như sử dụng một cách chính xác và hiệu quả cho bản dịch của mình. Đặc biệt là  với sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học  Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), do đặc thù chương trình đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ học và biên phiên dịch tiếng Nhật, đòi hỏi sinh viên cần có kiến thức chuyên ngành và  kiến thức về ngôn ngữ rõ ràng hơn. Thực tế cho thấy, “câu bị động” trong tiếng Nhật  đối với người Việt học tiếng Nhật là một vấn đề phức tạp dù đã được đưa vào giảng dạy  ở trình độ sơ cấp. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần trang bị những kiến thức chuyên sâu  hơn về sự tương đồng và khác biệt trong câu bị động giữa hai ngôn ngữ, cũng như nắm  được cách sử dụng chính xác, tránh được những lỗi sai về bản chất và ngữ cảnh sử dụng. 

Xuất phát từ những yếu tố trên, người viết đã quyết định lựa chọn “Năng lực ngữ dụng trong việc thực hành phiên dịch của sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật  Bản, Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội” làm đề tài cho bài nghiên cứu. 

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan 

Nhật Bản là một đất nước phát triển và có nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. 

Điều đó đã kéo theo sự tăng cao về nhu cầu nguồn nhân lực tiếng Nhật. Hơn nữa trong  những năm gần đây, Việt Nam đang dần trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu không thể bỏ qua của các công ty và chính phủ Nhật Bản. Trước tình hình đó, công tác giảng dạy,  học tập và nghiên cứu tiếng Nhật đã trở thành xu hướng rất phát triển tại Việt Nam nói  chung, và được đẩy mạnh và phát triển nhanh chóng tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa  Nhật Bản, trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN nói riêng. Trong quá trình học tiếng  Nhật, ngữ dụng học là một chủ đề cần đặc biệt lưu ý quan trọng khi học, sử dụng cũng  như giao tiếp tiếng Nhật.  

Đã có khá nhiều nghiên cứu về ngữ dụng trên thế giới như: “The development of  pragmatic competence by Japanese learners of English” to report on a study examining  the developmental pragmatic competence of Japanese learners of English as compared  with native Americans của tác giả Tomoko Takahashi and Leslie M.Beebe (1987);  Ayşegül TAKKAÇ TULGAR với nghiên cứu “The Role of Pragmatic Competence in  Foreign Language Education” năm 2016; hay nghiên cứu “The development of  pragmatic competence in children learning Japanese as a second language” của tác giả Kimberly Jones… Tại Việt Nam, nghiên cứu về ngữ dụng là một đề tài nhận được nhiều  sự quan tâm và chú ý, trong đó có thể kể đến như: “Năng lực ngữ dụng của người Việt  học Tiếng Anh như một ngoại ngữ – Bằng chứng từ nghiên cứu dữ liệu hội thoại” (Đỗ Thị Quý Thu (2013)) đề cập đến năng lực ngữ dụng của người Việt học tiếng Anh như  một ngoại ngữ thông qua sự so sánh về việc sử dụng một số từ mang đặc tính ngữ dụng  trong hội thoại tiếng Anh giữa người nói tiếng Anh bản xứ và người Việt học tiếng  Anh; Nguyễn Minh Hoàng (2023) nghiên cứu tầm quan trọng của ngữ dụng và áp dụng  giảng dạy ngữ dụng trong nghiên cứu “Nghiên cứu về giảng dạy nâng cao năng lực ngữ dụng cho người học tiếng Nhật trình độ sơ cấp tại trường đại học Ngoại ngữ, đại học  Quốc gia Hà Nội – nghiên cứu với từ sumimasen”. Tuy nhiên có thể thấy, chưa thực sự có một bài nghiên cứu nào nghiên cứu chi tiết về năng lực ngữ dụng trong việc thực  hành phiên dịch, đồng thời đề cập và phân tích chi tiết về thực trạng cũng như khó khăn  và ảnh hưởng của ngữ dụng trong thực hành phiên dịch của sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. 

3. Ý nghĩa khoa học 

Để hiểu và nói được một ngôn ngữ, chỉ có năng lực ngoại ngữ như kiến thức về từ vựng, ngữ pháp là chưa đủ, mà người ta cũng cần nắm bắt được cả các yếu tố ngữ cảnh khác như nơi xảy ra hội thoại, quan hệ giữa người nghe và người nói, … Tuy nhiên  trong giao tiếp liên văn hóa, do đặc thù của từng nền văn hóa mà các tiêu chuẩn này  càng khác nhau. Đối với những người học Việt Nam, câu bị động là phần kiến thức khá  khó đối với người học tiếng Nhật, bởi nó có sự khác biệt so với cách sử dụng câu bị động trong tiếng Việt. Vì vậy, việc nắm rõ và hiểu chi tiết sự tương đồng và khác biệt khi sử dụng giữa câu bị động trong tiếng Nhật và câu bị động trong tiếng Việt đóng vai  trò vô cùng quan trọng trong việc dạy và học tiếng Nhật. Nó có tác dụng hỗ trợ cho quá  trình sử dụng tiếng Nhật với nhiều mục đích khác nhau của sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. 

Nghiên cứu khoa học này sẽ nêu ra những thực trạng mà sinh viên thường mắc  phải trong quá trình sử dụng câu bị động trong tiếng Nhật khi thực hành phiên dịch,  đồng thời phân tích những nguyên nhân ảnh hưởng đến năng lực ngữ dụng khi sử dụng  câu bị động của sinh viên. Điều này có tác dụng giúp ích cho sinh viên trong việc sử dụng câu bị động tiếng Nhật một cách hiệu quả và chính xác nhất trong những hoàn  cảnh, tình huống khác nhau. 

Việc phân tích thực trạng và nguyên nhân ảnh hưởng đến năng lực ngữ dụng  trong quá trình sử dụng câu bị động trong tiếng Nhật trong phiên dịch của sinh viên sẽ giúp bài nghiên cứu đưa ra những đề xuất phương pháp cải thiện về phía sinh viên và  giảng viên một cách khách quan và hiệu quả nhất.