Thực trạng kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong quá trình làm bài tập nhóm của sinh viên năm thứ nhất khóa QH2021 khoa Sư phạm Tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Ngày nay, làm việc nhóm đã trở thành một đòi hỏi của thời đại (Oanh, 2007), và
đã trở thành xu hướng của các trường học, tổ chức, doanh nghiệp và công ty trên thế giới (Phạm, 2010). Làm việc nhóm đóng vai trò rất quan trọng trong môi trường học thuật, không chỉ với tập thể mà còn với từng thành viên trong nhóm. Trước hết, làm việc nhóm tạo điều kiện tăng năng suất và hiệu quả của công việc. Khi làm việc theo nhóm, năng suất và hiệu quả của mỗi cá nhân cao hơn hẳn năng suất và hiệu quả trung bình của mỗi cá nhân khi làm việc riêng lẻ bởi các thành viên có khả năng bổ trợ lẫn nhau về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm (Minh & Phong, 2015). Hơn nữa, các thành viên trong nhóm không chỉ có cơ hội để xây dựng được mối quan hệ tốt với các thành viên khác, mà còn phát triển các kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, khả năng chịu trách nhiệm, những kĩ năng mà rất có ích cho công việc hiện tại và cho sự phát triển sự nghiệp sau này (Sơn, 2012).

Với những lợi ích to lớn mà làm việc nhóm mang lại, nhiều trường đại học trên thế giới và ở Việt Nam đã tích hợp kỹ năng này vào trong các môn học, yêu cầu người học phải thực hiện bài tập nhóm để có thể hoàn thành các môn học này. Tại trường ĐHNN, ĐHQGHN, các môn học dành cho sinh viên năm thứ nhất năm học 2021-2022, gồm cả chương trình đào tạo chuẩn và chương trình đào tạo chất lượng cao đều yêu cầu sinh viên phải làm bài tập nhóm để có thể hoàn thành, bao gồm các môn: Thực hành tiếng (1A, 1B, 2A, 2B), Cơ sở văn hóa Việt Nam, nhập môn Việt ngữ học, Công nghệ thông tin và truyền thông, Kỹ năng thành công bậc Đại học và Triết học Mác Lênin. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bài tập nhóm, sinh viên có thể gặp phải những mâu thuẫn nhóm, với 51% sinh viên cho biết nhóm mình thỉnh thoảng xảy ra mâu thuẫn, còn tỷ lệ sinh viên cho biết nhóm mình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn là 7% (Lê và cộng sự, 2010). Những mâu thuẫn này xảy ra sẽ kìm hãm sự phát triển của nhóm, khiến cho nhóm có nguy cơ bị tan rã và mục tiêu của nhóm không đạt được (Giang và cộng sự, 2007). Xuất phát từ những lý do trên chúng tôi lựa chọn đề tài “Thực trạng kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong quá trình làm bài tập nhóm của sinh viên năm thứ nhất khóa QH2021 khoa Sư phạm Tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội” Vì vậy, việc tìm hiểu về thực trạng những kỹ năng mà sinh viên năm thứ nhất khoa Sư phạm Tiếng Anh, trường ĐHNN, ĐHQGHN áp dụng để giải quyết những mâu thuẫn, để từ đó có căn cứ đề xuất những biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng giải quyết những mâu thuẫn trong quá trình làm bài tập nhóm nói riêng, và tạo các kết quả tốt trong học tập, chuẩn bị cho sự nghiệp sau này nói chung, là vô cùng quan trọng.