1. Nhu cầu thực tiễn
Ngôn ngữ là cầu nối quan trọng để con người bày tỏ tình cảm, suy nghĩ. Trong quá trình sử dụng ngôn ngữ, tu từ đóng vai trò quan trọng giúp cho lời nói có tính hình tượng hơn, tạo được sự hứng thú với người đọc, người nghe, từ đó đạt được hiệu quả giao tiếp. Hoán dụ là kiểu tu từ bằng cách dùng tên của một sự vật, hiện tượng này để gọi tên cho một sự vật, hiện tượng khác; việc sử dụng phương tiện tu từ hoán dụ giúp cho lời nói, câu văn vừa ngắn gọn súc tích, vừa có sức liên tưởng. Đây là kiểu tu từ được sử dụng phổ biến trong cả tiếng Hán và tiếng Việt.
Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có mối liên hệ sâu sắc với nhau, cách người Việt và người Hán sử dụng ngôn ngữ cũng có nhiều nét tương đồng, điều này được thể hiện rõ trong việc sử dụng tu từ, đặc biệt là với phương tiện tu từ hoán dụ. Xét thấy việc đi sâu vào nghiên cứu, so sánh phương tiện tu từ Hoán dụ trong tiếng Hán và tiếng Việt có ý nghĩa quan trọng trong việc hiểu thêm về hai ngôn ngữ này, từ đó thu thập thêm được những kiến thức mới phục vụ cho ngành ngôn ngữ học và các ngành lân cận như văn học, biên phiên dịch.
Mang nhiều lợi ích là thế, nhưng cho đến thời điểm hiện tại có rất ít nghiên cứu tập trung đi vào so sánh phương tiện tu từ hoán dụ trong tiếng Hán và tiếng Việt. Theo tra cứu, mới chỉ có 01 nghiên cứu 汉、越语借代修辞格对比研究 (Dịch: Nghiên cứu so sánh phương tiện tu từ hoán dụ trong tiếng Hán và tiếng Việt) của tác giả Lê Phạm Khánh Vân, 2018. Nghiên cứu mặc dù đã chỉ ra những điểm giống và khác nhau cơ bản của phương tiện tu từ hoán dụ trong tiếng Hán và tiếng Việt, song vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, một số luận điểm cần được kiểm chứng lại.
Nhận thấy tính cấp thiết và không gian phát triển của đề tài, tôi đã lựa chọn đề tài “Nghiên cứu so sánh các loại hình Hoán dụ trong tiếng Hán và tiếng Việt” làm chủ đề nghiên cứu của bài nghiên cứu này.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
2.1. Nghiên cứu về phương tiện tu từ Hoán dụ trong tiếng Hán
Trần Vọng Đạo trong cuốn Tu từ học phát phàm đã định nghĩa: hoán dụ là một kiểu thay thế mà giữa sự vật cần nói đến với sự vật được mượn thay thế mặc dù không có sự tương đồng, nhưng giả sử giữa hai sự vật tồn tại một mối quan hệ mật thiết, thì người biểu đạt cũng có thể mượn tên của sự vật có quan hệ đó để thay cho sự vật cần nói đến. Theo như Trần Vọng Đạo, hoán dụ có thể chia thành 02 loại lớn là Bàng tá (旁借) và Đối đại (对代), mỗi loại lại tiếp tục chia thành 04 loại nhỏ hơn. Bàng tá bao gồm: Lấy đặc trưng hay biểu trưng của sự vật để gọi thay cho sự vật, Lấy sở tại hay sở thuộc của sự vật để gọi thay cho sự vật, Lấy tác giả hay nơi sản xuất của sự vật để gọi thay cho sự vật, Lấy tư liệu hay công cụ làm nên sự vật để gọi thay cho sự vật. Đối đại bao gồm: Thay thế hai chiều giữa bộ phận và toàn thể, Thay thế hai chiều giữa đặc thù và phổ thông, Thay thế hai chiều giữa cụ thể và trừu tượng, Thay thế hai chiều giữa nguyên nhân và kết quả. Xét về đại thể, khung phân loại của Trần Vọng Đạo khá là toàn diện, tuy nhiên bản thân khung phân loại vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế; cụ thể, trong cuốn Tu từ học phát phàm, Trần Vọng Đạo không định nghĩa hay chú thích cho từng loại hoán dụ và các loại nhỏ hơn trong nội bộ một kiểu loại hoán dụ (vd: Lấy đặc trưng hay biểu trưng của sự vật để gọi thay cho sự vật có thể chia thành 02 loại nhỏ hơn là: lấy đặc trưng thay thế và lấy biểu trưng thay thế), điều này dẫn đến việc các học giả sau trong quá trình sử dụng khung phân loại của ông đã gặp phải những khó khăn nhất định.
Tư tưởng của Trần Vọng Đạo có ảnh hưởng rất lớn đến các học giả nghiên cứu lĩnh vực tu từ tại Trung Quốc, đã có nhiều học giả sử dụng khung phân loại các loại hình hoán dụ của Trần Vọng Đạo, trong đó có học giả Ngô Lễ Quyền với ấn phẩm Tu từ học tiếng Hán hiện đại. Ngô Lễ Quyền trên cơ sở kế thừa quan điểm lý luận của Trần Vọng Đạo đã có sự sáng tạo, đột phá mới. Theo Ngô Lễ Quyền trong tiếng Hán không chỉ tồn tại kiểu hoán dụ giữa trên mối quan hệ mật thiết giữa hai sự vật mà còn tồn tài kiểu hoán dụ giữa sự vật cần nói đến và sự vật được mượn thay thế không nhất thiết tồn tại mối quan hệ nào. Tu từ học tiếng Hán hiện đại của Ngô Lễ Quyền cũng tồn tại hạn chế về việc không định nghĩa, chú thích cho từng loại hoán dụ và các loại nhỏ hơn trong nội bộ một kiểu loại hoán dụ, có khả năng gây ngộ nhận như Tu từ học phát phàm của Trần Vọng Đạo, bên cạnh đó cơ sở phân loại, quy loại của một số ví dụ hoán dụ trong Tu từ học tiếng Hán hiện đại đang tồn tại sự mơ hồ.
Hoàng Kiến Lâm chủ biên Từ điển Giám định và thưởng thức Phương tiện tu từ trong tiếng Hán đã định nghĩa: hoán dụ là cách tu từ không trực tiếp nói ra tên gọi của người hay sự vật mà mượn dùng tên gọi của một người hay sự vật khác có mối quan hệ mật thiết với người, sự vật cần được nói đến để thay thế. Cũng giống như Trần Vọng Đạo hay Ngô Lễ Quyền, Hoàng Kiến Lâm cũng chia hoán dụ thành 02 loại lớn là Bàng tá (旁借) và Đối đại (对代), khung phân loại của Hoàng Kiến Lâm khác ở chỗ là thay vì cho các tiểu loại thường sóng đôi với nhau quy về một loại lớn thì ông lại coi chúng là các kiểu loại hoán dụ riêng biệt, điều này cũng khiến cho tổng số lượng loại hình hoán dụ trong khung phân loại của Hoàng Kiến Lâm đẩy lên con số 14, trong đó thiếu đi một số loại hoán dụ so với hai tác giả phía trên: biểu trưng thay thế, phổ thông thay đặc thù, nguyên nhân thay kết quả và kết quả thay nguyên nhân; bên cạnh đó cũng có một số loại hoán dụ mới: biệt xưng (tên gọi khác) thay thế, ký hiệu thay thế. Điểm đột phá của Từ điển Giám định và thưởng thức Phương tiện tu từ trong tiếng Hán so với hai cuốn sách phía trên ở chỗ tác giả đã thực hiện giải thích cụ thể về khái niệm cho mỗi kiểu loại hoán dụ, tuy nhiên với một số ví dụ khá là tương đồng, dễ gây nhầm lẫn thì tác giả vẫn chưa giải thích cặn kẽ.
2.2. Nghiên cứu về phương tiện tu từ Hoán dụ trong tiếng Việt
Đinh Trọng Lạc trong cuốn 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt đã định nghĩa: hoán dụ là định danh thứ hai dựa trên mối liên hệ hiện thực giữa khách thể được định danh với khách thể có tên gọi được chuyển sang dùng cho khách thể được định danh. Theo Đinh Trọng Lạc, hoán dụ có thể chia làm hai loại lớn là hoán dụ từ vựng và hoán dụ tu từ, hoán dụ tu từ có thể chia tiếp thành: Liên hệ giữa bộ phận và toàn thể; Liên hệ giữa chủ thể (người) và vật sở thuộc (y phục, đồ dùng); Liên hệ giữa công cụ lao động và bản thân sức lao động hoặc kết quả của lao động; Liên hệ giữa số ít và số nhiều, giữa con số cụ thể và con số tổng quát; Liên hệ giữa vật chứa đựng và vật được chứa đựng; Liên hệ giữa hành động, tính chất và kết quả của hành động, tính chất; Liên hệ giữa cái cụ thể và cái trừu tượng. Một mặt, Đinh Trọng Lạc trong 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt đã liệt kê ra rất nhiều loại hình hoán dụ; mặt khác, tên gọi của các loại hình này lại đi quá sâu vào cụ thể, thiếu đi tính khái quát, cơ sở phân loại của một số loại hình vẫn chưa thực sự thích đáng.
Cù Đình Tú trong cuốn Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt đã viết: hoán dụ tu từ là cách cá nhân lâm thời lấy tên gọi của đối tượng này dùng để biểu thị đối tượng kia dựa trên mối quan hệ liên tưởng logic khách quan giữa hai đối tượng. Các kiểu loại hình hoán dụ trong khung phân loại của Cù Đình Tú về cơ bản giống với Đinh Trọng Lạc, chỉ có sự khác biệt về cách thức diễn đạt; tuy nhiên cũng có sự thêm bớt một số loại hình hoán dụ, cụ thể: thiếu đi loại Hoán dụ từ vựng, Liên hệ giữa công cụ lao động và bản thân sức lao động hoặc kết quả của lao động; thêm 02 loại: Quan hệ logic khách quan giữa hành động và chủ thể, Quan hệ logic khách quan giữa tên riêng, tên nhân vật và tính cách con người. Giống với Đinh Trọng Lạc, khung phân loại của Cù Đình Tú cũng tồn tại hạn chế về việc tên gọi của các loại hình hoán dụ thiếu tính khái quát, cơ sở phân loại của một số loại hình chưa thực sự thích đáng.
Nguyễn Thái Hòa Phong cách học tiếng Việt đặc biệt ở chỗ tác giả không định nghĩa thế nào là phương tiện tu từ hoán dụ, thay vào đó ông nêu ra những đặc trưng cơ bản của nhóm tu từ này. Theo Nguyễn Thái Hòa đặc trưng cốt lõi của phương tiện tu từ hoán dụ là dựa trên sự liên tưởng kế cận; nhóm hoán dụ bao gồm: hoán dụ, cải danh, cải dung, cải số… và lấy hoán dụ làm phương thức tiêu biểu. Xét về việc quy loại các ví dụ vào các loại hình hoán dụ khác nhau thì cơ sở quy loại của Nguyễn Thái Hòa có sự thống nhất hơn Đinh Trọng Lạc và Cù Đình Tú; tuy nhiên thì việc gộp quá nhiều kiểu hoán dụ vào chung một loại hình vô hình trung cũng làm cho khung phân loại có tính khái quát quá cao, người tiếp nhận khó mà dựa vào đó để rút ra những phương thức cụ thể để xây dựng nên một hiện tượng hoán dụ.
2.3. Nghiên cứu so sánh phương tiện tu từ Hoán dụ trong tiếng Hán và tiếng Việt
Năm 2018, Lê Phạm Khánh Vân Nghiên cứu so sánh phương tiện tu từ Hoán dụ trong tiếng Hán và tiếng Việt (Tên tiếng Trung: 汉、越语借代修辞格对比研究) là nghiên cứu đầu tiên thực hiện so sánh phương tiện tu từ hoán dụ trong hai ngôn ngữ Hán, Việt; đến nay vẫn chưa có học giả nào tiếp tục nghiên cứu về chủ đề này.
Trong bài nghiên cứu, Lê Phạm Khánh Vân đã chỉ ra rằng bất kể là trong tiếng Hán hay tiếng Việt thì nhân tố chủ yếu cấu thành nên phương tiện hoán dụ nằm ở “代” – sự thay thế, tức lợi dụng mối quan hệ mật thiết giữa hai sự vật, dùng tên hay lấy đặc điểm, đặc trưng của một sự vật khác để thay thế cho sự vật cần nói đến. Sau khi so sánh, đối chiếu tác giả rút ra kết luận phương tiện tu từ Hoán dụ trong tiếng Hán và tiếng Việt có sự tương đồng đáng kể về loại hình, có thể kể đến các kiểu loại như là: danh từ riêng thay thế, đặc trưng thay thế, nơi chốn thay thế, thành phần thay thế v.v…, bên cạnh đó hai ngôn ngữ cũng có những loại hình hoán dụ đặc thù, tiếng Trung có: văn tự thay thế, hình vẽ hay kí hiệu thay thế, tiếng Việt có: thời gian hay địa danh thay thế, âm thanh thay thế, ngoại hình của con người thay thời kỳ xã hội, tên riêng với chức năng như danh từ chỉ vị trí thay thế.
Một mặt, nghiên cứu của Lê Phạm Khánh Vân đã bước đầu chỉ ra được những điểm giống và khác nhau về phương tiện tu từ hoán dụ trong hai ngôn ngữ Hán, Việt; bài nghiên cứu cung cấp số lượng lớn các ví dụ nhằm thuyết minh cho các loại hình hoán dụ mà tác giả đưa ra. Mặt khác, nghiên cứu này cũng thể hiện ra nhiều điểm hạn chế. Khung so sánh được sử dụng trong bài nghiên cứu của Lê Phạm Khánh Vân về cơ bản được kế thừa từ một nghiên cứu so sánh phương tiện tu từ hoán dụ trong tiếng Hán và tiếng Nga của một học giả khác, vô hình trung đã làm mất đi tính chủ động của bài nghiên cứu, điều này cũng dẫn đến việc cơ sở phân loại của một số loại hình hoán dụ của tác giả Lê Phạm Khánh Vân chưa được thích đáng. Bên cạnh đó, các loại hình hoán dụ đặc thù trong tiếng Hán và tiếng Việt mà tác giả đã đề cập tới trên thực tế cũng tồn tại ở trong ngôn ngữ còn lại.
Tựu chung lại, hiện tại có rất ít nghiên cứu trực tiếp nhắm vào chủ đề so sánh phương tiện tu từ hoán dụ trong tiếng Hán và tiếng Việt, mặt khác nghiên cứu đã có trước đó còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa thể dựa trên đó để tiếp tục phát triển đề tài. Vì vậy, chúng tôi quyết định vẫn sẽ đi vào nghiên cứu, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong các nghiên cứu đơn lẻ về phương tiện tu từ hoán dụ trong tiếng Hán hay tiếng Việt của các học giả nổi tiếng, uy tín để có thể xây dựng một khung so sánh khoa học, toàn diện cho bài nghiên cứu này.
3. Ý nghĩa khoa học
Đề tài nghiên cứu nhằm tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt về các loại hình của phương tiện tu từ Hoán dụ trong hai ngôn ngữ Hán, Việt và chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự giống và khác nhau đó. Bên cạnh đó, đề tài cũng tiến hành nghiên cứu, phát hiện ra những con đường hình thành (do người sử dụng ngôn ngữ tạo nên) và nhận biết (do người tiếp nhận ngôn ngữ thực hiện xử lý thông tin) một hiện tượng, kiểu loại hoán dụ nào đó. Từ đó, có thể chỉ ra mối liên hệ giữa hai ngôn ngữ Hán, Việt và đưa ra cái nhìn mới về cách hình thành và nhận biết phương tiện tu từ hoán dụ, góp phần hoàn thiện những nghiên cứu về phương tiện tu từ hoán dụ nói chung và phương tiện tu từ hoán dụ trong tiếng Hán, Việt nói riêng. Kết quả nghiên cứu của đề tài hy vọng sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho ngành ngôn ngữ học và các ngành lân cận như văn học và biên phiên dịch.