1. Tổng quan
1.1. Nhu cầu thực tiễn
Có thể nói, công nghiệp văn hóa là một trong những công cụ tạo nên sức mạnh mềm, quan trọng không kém sức mạnh kinh tế và ngoại giao cho mỗi quốc gia. Nhiều nước trên thế giới đã lấy phát triển công nghiệp văn hoá làm trọng tâm và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Bởi, một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 của Việt Nam là ưu tiên cho một số ngành công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đồng thời với sự thành công của tour diễn “Born Pink in Hanoi” của nhóm nhạc BLACKPINK đến từ Hàn Quốc vừa qua đã gây ấn tượng mạnh và tạo nên sức ảnh hưởng to lớn đối với khán giả Việt. Thông qua buổi trình diễn có thể thấy được nền công nghiệp văn hoá Việt Nam phát triển chưa được vượt trội so với thế giới và vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Song, bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những tiềm năng nhất định, nếu sớm khắc phục sẽ có thể thành công phát triển ngành công nghiệp văn hoá trong tương lai. Với nhu cầu thực tiễn như trên, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung tìm hiểu, thu thập và tổng hợp tư liệu, thông tin về tác động của concert Born Pink in Hanoi tới phát triển công nghiệp văn hoá tại Việt Nam; đồng thời, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
1.2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
Blackpink là một nhóm nhạc tiêu biểu cho sự định hướng đúng đường trong việc phát triển công nghiệp văn hoá ở Hàn Quốc. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, nghiên cứu sự thành công của nhóm nhạc này để làm bài học kinh nghiệm cho các quốc gia đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều học giả. Nhất là sau tour diễn “Born Pink in Hanoi”, tác động của nó đến quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới và bài học cho Việt Nam trong việc phát triển công nghiệp văn hoá càng được nghiên cứu nhiều hơn. Có rất nhiều công trình có liên quan đến chủ đề nghiên cứu này. Tiêu biểu là “Ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới hành vi tiêu dùng của giới trẻ Hà Nội” trên Tạp chí Công thương của các tác giả Lê Thị Việt Hà, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Tuấn Quang; “Phát triển công nghiệp văn hóa ở các nước Đông Á và bài học kinh nghiệm để phát triển sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam” trên Tạp chí Khoa học của tác giả Phạm Tấn Thông; “Hội nhập toàn cầu hóa qua công nghiệp văn hóa – Bài học từ Hàn Quốc” trên Tạp chí Khoa học của tác giả Tạ Thị Lan Khanh; “The causes and effects of Korean Pop culture on Vietnamese consumer behavior” của tác giả Thuy Anh Dinh; “The Impact of Hallyu 4.0 and Social Media on Korean Products Purchase Decision of Generation C in Vietnam” của tác giả Nguyen Xuan Truong;…
1.2.1. Tình hình nghiên cứu thế giới
Có nhiều bài nghiên cứu đã phân tích và tìm hiểu sâu về công nghiệp văn hóa Hàn Quốc và quyền lực mềm của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc cũng như tác động của nó đến các quốc gia.
Doobo Shim (2008) đã nghiên cứu về sự phát triển và mở rộng của các ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc và làn sóng Hàn Quốc từ những năm 80 đến đầu những năm 2000 tập trung ở trên phương diện phim ảnh, truyền hình đồng thời ông cũng chỉ ra những thách thức mà ngành công nghiệp này phải đối mặt trong thời điểm hiện tại.
Marissa Trunfio (2018) đã giải thích hiện tượng làn sóng Hallyu cũng như lịch sử phát triển cùng của làn sóng này thông qua bài nghiên cứu “Hallyu và quyền lực mềm: Ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc. Đồng thời ở bài nghiên cứu tác giả cũng chỉ ra những lợi ích mà làn sóng này mang lại cho Hàn Quốc trên phương diện như là kinh tế và chính trị.
Trong bài nghiên cứu “Ảnh hưởng của thời lượng xem KPOP hàng ngày và chi tiêu đối với hàng hóa KPOP đến ý định mua vé buổi hòa nhạc: Tác động điều tiết của mức độ yêu thích”, tác giả Wily Mohammad cùng cộng sự (2023) đã tiến hành phân tích 98 người tham gia được lựa chọn từ tổng số 65,47 triệu người. Thông qua dữ liệu phân tích, các tác giả đã chỉ ra mối tương quan giữa thời lượng xem KPOP, số tiền chi tiêu đến ý định mua vé concert đi kèm với biến điều tiết là mức độ yêu thích.
Dian Sudiantini và cộng sự (2023) đã đánh giá thực trạng tổ chức concert Born Pink ở Jakarta, phân tích chiến lược quản lý và chất lượng dịch vụ concert đồng thời đưa ra khuyến nghị để cải thiện chất lượng concert ở Jakarta
1.2.2. Tình hình nghiên cứu trong nước
Thành công của làn sóng văn hóa Hàn Quốc nói chung và các concert của các thần tượng Kpop nói riêng, cụ thể là concert Born Pink in Hanoi của nhóm nhạc nữ BLACKPINK đã đem lại sức ảnh hưởng không hề nhỏ tới nền công nghiệp văn hóa của Việt Nam. So với các ngành công nghiệp khác, công nghiệp văn hóa của nước ta là một ngành công nghiệp cần được chú ý và quan tâm nhiều hơn nữa bởi tốc độ phát triển còn chậm. Nhắc đến những quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển vượt bậc, không thể không nhắc tới Hàn Quốc – quốc gia có nền công nghiệp văn hóa hàng đầu thế giới. Sự phát triển nhanh chóng của nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã trở thành chủ đề nhận được sự quan tâm lớn và đồng thời là đề tài cho nhiều nghiên cứu. Tại Việt Nam cũng có số lượng lớn công trình nghiên cứu, các bài báo, tạp chí, bài khóa luận,… liên quan đến đề tài này.
Tác giả Thuy Anh Dinh (2016) đã có bài nghiên cứu“Nguyên nhân và ảnh hưởng của văn hóa KPOP đến người tiêu dùng Việt Nam” để nói về ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc đến thói quen chi tiêu của người Việt Nam và vai trò của chính phủ Hàn Quốc trong việc thúc đẩy nền văn hóa Hàn Quốc.
Tạ Thị Lan Khanh (2019) đã phân tích các chiến lược hội nhập quan hệ toàn cầu hóa, chiến lược sử dụng sản phẩm Hallyu ở các quốc gia của Hàn Quốc, tác giả đã đưa ra những bài học kinh nghiệm đắt giá cho Việt Nam trên con đường xây dựng chiến lược hội nhập toàn cầu hóa thông qua nền công nghiệp văn hóa.
Lê Thị Việt Hà và Nguyễn Thị Lan (2022) đã tìm hiểu và phân tích về những khái niệm, đặc điểm của công nghiệp văn hóa cũng như kinh nghiệm của Hàn Quốc để từ đó chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của Việt Nam, đồng thời đưa ra những giải pháp để Việt Nam có thể tiếp thu và áp dụng vào việc phát triển nền công nghiệp văn hóa nước nhà.
Lê Thị Việt Hà, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Tuấn Quang (2023) đã khảo sát cũng như phân tích hành vi tiêu dùng của giới trẻ Hà Nội trong 2 nhóm tuổi từ 15 tuổi đến 22 tuổi và 23 tuổi đến 30 tuổi trên các khía cạnh như phim ảnh, âm nhạc, ẩm thực, thời trang và mỹ phẩm, ngôn ngữ Hàn Quốc, bài viết trên Tạp chí Công thương này đã chỉ ra được những điểm tích cực trong hành vi tiêu dùng của giới trẻ Hà Nội đối với các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc nhưng cũng đồng thời nêu lên những điểm hạn chế vẫn còn tồn đọng, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực giúp cân bằng lợi – hại để giới trẻ tiêu dùng các sản phẩm của làn sóng văn hóa Hàn Quốc một cách hiệu quả hơn.
Phạm Tấn Thông (2023) đã nghiên cứu về “Phát triển công nghiệp văn hóa ở các nước Đông Á và bài học kinh nghiệm để phát triển sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam”. Bài nghiên cứu đã phân tích chi tiết về quyền lực mềm văn hóa của các quốc gia Đông Á đi đầu về phát triển công nghiệp văn hóa là Hàn Quốc và Nhật Bản, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quốc tế sâu sắc và giá trị cho Việt Nam. Tác giả cũng nhấn mạnh 2 quốc gia Đông Á trên có những nét tương đồng nhất định và gần gũi với nền văn hóa Việt Nam nên công nghiệp văn hóa nước nhà có thể chọn lọc và học hỏi dễ dàng hơn.
Mai Ngọc Chừ (2015) đã phân tích về khái niệm “quyền lực mềm” cũng như như tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Hallyu trên khắp thế giới. Qua bài nghiên cứu ta có thể thấy được sức mạnh khổng lồ của việc quảng bá văn hóa Hallyu đã đem lại cho Hàn Quốc những lợi ích to lớn, đặc biệt ở khía cạnh đem hình ảnh của đất nước Hàn Quốc tới gần hơn với toàn thế giới. Từ đó rút ra Việt Nam cần học hỏi rất nhiều từ Hàn Quốc ở khía cạnh tận dụng nền công nghiệp văn hóa để quảng bá hình ảnh quốc gia, cụ thể ở bài nghiên cứu của tác giả Mai Ngọc Chừ là tận dụng làn sóng Hallyu để quảng bá hình ảnh quốc gia Hàn Quốc.
1.2.3. Khoảng trống nghiên cứu
Nhìn chung, trên thế giới và ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan nghiên cứu sâu về công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, ảnh hưởng của văn hóa KPOP đến người tiêu dùng, Hallyu, thực trạng tổ chức concert Black Pink với đa dạng nhiều phương pháp nghiên cứu. Chúng tôi nhận thấy hiện tại chưa có bài nghiên cứu nào phân tích về tác động của tour diễn concert “Born Pink in Hanoi” tới hình ảnh Việt Nam trên phương diện quảng bá văn hóa và bài học rút ra cho Việt Nam. Vì vậy ở đề tài nghiên cứu này, nhóm chúng tôi sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá và đồng thời đưa ra cái nhìn sâu sắc nhất về tác động của tour diễn này concert Born Pink in Hanoi, cụ thể là sự thành công của 2 đêm concert tại Việt Nam tới từ nhóm nhạc nữ hàng đầu Hàn Quốc tới việc quảng bá văn hóa và hình ảnh Việt Nam. Từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm đắt giá cho Việt Nam trong việc phát triển nền công nghiệp văn hóa còn non trẻ của nước nhà.
1.3. Ý nghĩa khoa học
Điểm mới của nghiên cứu này so với các nghiên cứu liên quan đã có là: Nghiên cứu sẽ xác định concert Born Pink in Hanoi nói riêng và concert nói chung có phải là một cách thức mới để phát huy hiệu quả sức mạnh của công nghiệp văn hóa trong việc quảng bá văn hóa Việt hay không, từ đó tìm thấy những giải pháp mới thúc đẩy sự nghiệp quảng bá văn hóa Việt.