Tổng quan
1. Nhu cầu thực tiễn
Biên dịch nói chung luôn có đặc trưng là văn bản nguồn chứa đựng
nhiều các yếu tố văn hóa bên trong – điều yêu cầu ở biên dịch viên sự am hiểu
đối với không chỉ ngôn ngữ mà còn là văn hóa của ngôn ngữ ấy, khiến cho
công việc biên dịch không bao giờ là đơn thuần chuyển đổi văn bản từ ngôn
ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích mà còn là sự tái biểu hiện yếu tố văn hóa vốn có
trong văn bản nguồn sang yếu tố văn hóa tương đồng hoặc giới thiệu nó như
một văn hóa mới trong văn bản đích. Chính vì đặc trưng như thế mà biên dịch
không bao giờ là ngành có thể thay thế được bởi trí tuệ nhân tạo, và cũng đồng
thời đặt ra nhu cầu ở các biên dịch viên cần giải quyết được yếu tố văn hóa
chứa đựng bên trong ngôn ngữ.
Trong trích đoạn từ sách “평등 – 헤아리는 마음의 이름” dưới đây, ta có
thể thấy được sự xuất hiện của Hán tự bên trong dấu ngoặc kép là một biểu
hiện của yếu tố văn hóa trong văn bản nguồn, cụ thể là văn bản tiếng Hàn.
공자의 제자 자공이 공자에게 물었다.
“제가 평생 실천해야 하는 것을 한 단어로 가르쳐 주신다면, 그 말은
무엇입니까?”
공자가 대답했다.
“그것은 헤아릴 서(恕)다. 내가 바라지 않는 것이라면 남에게도 하지
마라(己所不欲, 勿施於人/기소불욕 물시어인).”
오준호, “평등 – 헤아리는 마음의 이름” (2019:21)
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
Các tài liệu môn Lý thuyết nghiệp vụ biên phiên dịch như “Nhập môn
nghiên cứu dịch thuật” của J.Munday và “Phê bình đánh giá dịch thuật” của
PGS.TS. Lê Hùng Tiến đã xây dựng nên các tiêu chuẩn và hệ quy chiếu đánh
giá với một văn bản dịch từ văn bản nguồn. Đầu tiên ta có hệ thống năm
phương pháp dịch phổ biến:
01.Dịch từ ngữ: đơn giản, dễ áp dụng tuy nhiên không đảm bảo được độ
chính xác ngữ nghĩa cũng như cấu trúc câu.
02.Dịch đồng nghĩa: giữ nguyên ý nghĩa và cấu trúc câu nhưng có thể làm
mất đi sắc thái ngôn từ.
03.Dịch tự do: cho phép dịch giả diễn đạt ý nghĩa và cảm xúc văn bản theo
cách phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa đích, cũng chính vì thế mà dễ
gây mất mát ý nghĩa ban đầu của văn bản gốc.
04.Dịch biến dị: giữ được sự tự nhiên và cấu trúc của ngôn ngữ đích, tuy
nhiên chỉ áp dụng được cho các cụm từ, thành ngữ có tương đương
trong ngôn ngữ đích.
05.Dịch gộp: tạo ra văn bản mới có ý nghĩa và cảm xúc tương tự văn bản
gốc tuy nhiên đòi hỏi đầu tư nhiều chất xám và chỉ áp dụng với các sản
phẩm nghệ thuật, văn học.
Đồng thời, khi biên dịch các văn bản có chứa yếu tố văn hóa có một số
nguyên tắc quan trọng cần tuân thủ để đảm bảo được nội dung và ý nghĩa của
văn bản được truyền đạt một cách chính xác và hiệu quả.
3. Ý nghĩa khoa học
Yếu tố văn hóa thường là yếu tố đặc trưng tạo nên nét đặc sắc của một
ngôn ngữ và việc biên dịch được yếu tố văn hoá đó sang ngôn ngữ thứ hai mà
vẫn đảm bảo truyền tải được nguyên vẹn nội dung cũng như giá trị là điều vô
cùng khó khăn. Nhất là khi đối tượng được nghiên cứu ở đây là một chữ cái
tiếng Trung, vừa mang yếu tố văn hóa – điều có thể đem lại khó khăn cho biên
dịch viên nếu không có hiểu biết về văn hóa Hàn Quốc trong việc lý giải lý do
có sự xuất hiện của nó; vừa là ngôn ngữ thứ ba – điều khiến cho các biên dịch
viên Hàn – Việt, mà đa phần là không biết tiếng Trung, gặp khó khăn trong việc
lý giải ý nghĩa của nó.
Nhận thấy những vấn đề trên được đặt ra từ trong thực tế ngành biên
dịch Hàn – Việt dần trở nên cấp thiết và yêu cầu những giải pháp đề xuất nhằm
giải quyết vấn đề này, chính vì thế, nghiên cứu “Sự xuất hiện của Hán tự “恕”
trong một trích đoạn tiếng Hàn từ sách “평등 – 헤아리는 마음의 이름” và tác
động của nó đến việc biên dịch Hàn – Việt” được tiến hành.