Bắc Giang từ lâu đã có truyền thống văn hóa ẩm thực lâu đời, độc đáo và đa dạng. Ông cha ta có câu: “Ai lên xứ Bắc mà trông/ Đất lành, gạo trắng, nước trong thay là” để gợi lại sự phong phú, đa dạng và hấp dẫn của các món ăn truyền thống của người dân Bắc Giang.
Ẩm thực là một thành tố trong cấu trúc văn hóa của bất cứ một nền văn hóa nào, nó ẩn chứa những giá trị văn hóa phi vật thể của mỗi quốc gia, dân tộc mà muốn tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của một vùng miền thì tìm hiểu về ẩm thực ngày Tết sẽ cung cấp cho chúng ta một cái nhìn toàn diện, đầy đủ và chính xác nhất.
Sau khi Đảng và Nhà nước ta thực hiện công cuộc Đổi mới đất nước (1986), văn hóa ngoại lai ngày càng có sức ảnh hưởng đến giới trẻ Việt Nam nói chung và giới trẻ Bắc Giang nói riêng. Điều này đã khiến bức tranh văn hóa ẩm thực ngày Tết ở Bắc Giang có nhiều thay đổi. Vấn đề đặt ra là, chúng ta cần hòa nhập nhưng không hòa tan, bên cạnh tiếp thu yếu tố văn hóa nước ngoài đã làm phong phú, đa dạng thêm văn hóa dân tộc cũng cần phải giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Từ những lý do trên, với hy vọng tô đậm giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung người viết lựa chọn: “So sánh văn hóa ẩm thực Tết truyền thống và Tết hiện đại ở Bắc Giang” làm đề tài nghiên cứu của mình.