1. Nhu cầu thực tiễn
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Một ngôn ngữ sẽ phản ánh rất nhiều yếu tố từ những góc độ khác nhau như văn hóa, xã hội, con người… Thông qua ngôn ngữ của một dân tộc, chúng ta có thể phần nào nhìn thấy được sắc màu văn hóa của dân tộc đó. Trong quá trình giao tiếp, nhiều khi chúng ta không sử dụng những từ ngữ đơn giản, trực tiếp mà thay vào đó là các cách diễn đạt khác nhau có thể kể đến việc sử dụng thành ngữ trong giao tiếp, ví dụ như “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” để chỉ gần những người xấu hoàn cảnh xấu thì cũng bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu; gần những người tốt hoàn cảnh tốt thì cũng dễ dàng con người có phẩm chất trong sáng đẹp đẽ. “Giấy rách phải giữ lấy lề” mang ý nghĩa dù nghèo đói khó khăn, con người cũng phải giữ cho được phẩm chất trong sáng, nhân cách đẹp đẽ của mình hay “Học một biết mười” chỉ thông minh, sáng tạo, không những có khả năng học tập, tiếp thu đầy đủ mà còn có thể tự phát minh phát triển, mở rộng được những điều đã học. Thành ngữ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống từ vựng của mỗi ngôn ngữ. Vì vậy, trong quá trình học ngoại ngữ, để hiểu và sử dụng được đúng các thành ngữ là vô cùng cần thiết.
Có thể thấy rằng, sự ảnh hưởng sâu sắc của ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc đối với văn hoá Việt Nam đã tạo ra những nét tương đồng đặc biệt trong kho tàng thành ngữ của cả hai ngôn ngữ.Trong đó, những hình ảnh về thế giới tự nhiên, động vật, thực vật, các hiện tượng tự nhiên… chiếm số lượng lớn trong hệ thống thành ngữ. Trong các thành ngữ có yếu tố chỉ động vật có thể thấy hình ảnh “con chó” là một hình ảnh quen thuộc, một trong những vật nuôi trong nhà có thể nói là một ví dụ tiêu biểu cho thành ngữ có yếu tố chỉ động vật trong tiếng Hán và Tiếng Việt. Hiện nay nghiên cứu về thành ngữ dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận đang được rất nhiều người quan tâm và ứng dụng trong quá trình nghiên cứu. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài: “Thành ngữ có yếu tố chỉ “chó” trong tiếng Hán và Tiếng Việt từ lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận”.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
2.1. Những công trình nghiên cứu về từ ngữ chỉ loài vật
a. Những nghiên cứu ở nước ngoài
Thành quả nghiên cứu về trường từ vựng ngữ nghĩa động vật
Cuốn “汉语词义学” (Nghĩa học của từ vựng tiếng Hán) của tác giả 苏新春 (Tô Tân Xuân) (1997) tập trung phân tích về nguồn gốc của lớp từ chỉ đến động vật trong tiếng Hán, từ đó chỉ ra đặc điểm tư duy liên tưởng của người Trung Quốc qua sự liên hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa.
Công trình “汉语词汇的文化透视” (Góc nhìn văn hóa trong từ vựng tiếng Hán) của tác giả 王国安、王小曼 (Vương Quốc An, Vương Tiểu Mạn) (2011) đã chọn góc nghiên cứu lịch đại, thông qua khảo sát, miêu tả và phân tích lớp từ chỉ động vật, chỉ ra ý nghĩa văn hóa qua ngôn ngữ.
Thành quả nghiên cứu về từ ngữ chỉ động vật từ góc độ đất nước học
Công trình nhan đề “汉英动物名称的国俗同义现象” (Hiện tượng đồng nghĩa đất nước học trong tên gọi động vật Hán Anh) của đồng tác giả 王德春, 王建华 (Vương Đức Xuân và Vương Kiến Hoa) (1995). Tác giả đã phân tích và so sánh điểm tương đồng và khác biệt của tên gọi động vật giữa hai ngôn ngữ về loại hình và bối cảnh văn hóa.
Công trình mang tên “汉语动物词语之的国俗语义研究” (Nghiên cứu ngữ nghĩa đất nước học của từ ngữ chỉ động vật trong tiếng Hán) của tác giả 李月松 (Lí Nguyệt Tùng) (2008), tác giả đã chỉ ra cơ sở định danh tên gọi động vật của từng loài.
Công trình “汉越生肖动物作为构词语素的复合词构词情况对比” (Nghiên cứu đối chiếu từ ngữ chỉ con giáp trong tiếng Hán và tiếng Việt) [56] của tác giả 裴氏恒娥 (Bùi Thị Hằng Nga) (2015) là nghiên cứu sinh Việt Nam tại Trung Quốc, tác giả đã sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu, thông qua khảo sát và phân tích, chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt của lớp từ chỉ mười hai con giáp trong tiếng Hán và tiếng Việt qua ngữ liệu từ thành ngữ, tục ngữ, nhất là đặc điểm tri nhận của hai dân tộc về con giáp.
b. Những nghiên cứu ở Việt Nam
Bài báo “So sánh hàm nghĩa văn hóa các từ chỉ động vật trong tiếng Hán và tiếng Việt” của tác giả Trịnh Thị Thanh Huệ (2007) đã chọn một số từ trong lớp từ vựng tên gọi động vật thân thuộc trong tiếng Hán và tiếng Việt để phân tích, so sánh, đối chiếu hàm nghĩa văn hoá của hai ngôn ngữ Hán và Việt. Kết quả so sánh đối chiếu sẽ giúp cho người đọc thấy được sự tương đồng và dị biệt trong quan niệm về văn hóa của người Trung Quốc và người Việt Nam.
Bài báo “Sự khác nhau về nội hàm văn hóa của hai từ Rồng (龙, Dragon) và Chó (狗, Dog) trong ngôn ngữ Việt – Hán – Anh” của tác giả Liêu Linh Chuyên (2014) đã nghiên cứu những nét tương đồng và dị biệt trong cách tri nhận về Rồng (龙, Dragon) và Chó (狗, Dog) của người Việt Nam, người Trung Quốc và người Anh. Từ đó giúp cho người đọc hiểu được nội hàm văn hóa ẩn sâu bên trong lớp vỏ ngôn ngữ của mỗi dân tộc.
Một số bài viết về con giáp trong ngôn ngữ – văn hóa Trung Việt, như “Chữ 羊 dương trong ngôn ngữ – văn hóa Việt Nam và Trung Hoa” (2015) , “Con gà trong ngôn ngữ Trung – Việt” (2017) , “Chó trong ngôn ngữ và văn hóa Trung – Việt” (2018) của tác giả Phạm Ngọc Hàm. Trong đó, tác giả đi từ tính chất biểu ý của chữ Hán, tiến hành khảo sát, phân tích, đối chiếu về cấu trúc và ý nghĩa của các từ ngữ có chứa yếu tố chỉ con giáp, từ đó góp phần làm nổi rõ đặc điểm của tiểu trường từ vựng – ngữ nghĩa động vật trong tiếng Hán và tiếng Việt.
Ngoài những tác phẩm trên, cuốn từ điển “Từ điển tiếng Việt” của tác giả Hoàng Phê xuất bản năm 2003 và bài báo tạp chí “Ý niệm hóa hình ảnh con chó trong tiếng Việt và tiếng Anh” (2020) của Thái Thị Xuân Hà đã phân tích, chỉ rõ những từ ngữ, thành ngữ, quán dụng ngữ có liên quan đến yếu tố chỉ động vật, đặc biệt là “chó”. Từ đó cho thấy những đặc điểm tương đồng và khác biệt của hình ảnh con “chó” trong tiếng Việt và tiếng Anh, từ đó xác định và nêu lên đặc tính của con “chó” dưới góc nhìn khác nhau của 2 quốc gia.
2.2. Những công trình nghiên cứu về thành ngữ
a. Những nghiên cứu nước ngoài
Luận văn thạc sĩ “汉、越动物成语对比研究” (Nghiên cứu đối chiếu thành ngữ có yếu tố chỉ động vật trong tiếng Hán và tiếng Việt) của tác giả 韦氏水 (Vi Thị Thủy) (2012) đã tiến hành thống kê tổng số thành ngữ có yếu tố chỉ động vật trong tiếng Hán là 631 thành ngữ, tiếng Việt là 649 thành ngữ, trên cơ sở đó tác giả đã tiến hành thống kê phân loại nhóm loài vật, nhằm tìm hiểu nét biểu trưng của từng loài vật, và tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau về nền văn hóa Trung Quốc, Việt Nam.
Luận văn thạc sĩ “汉英成语中动物隐喻对比研究” (Nghiên cứu so sánh đối chiếu ẩn dụ yếu tố chỉ động vật trong thành ngữ tiếng Hán và tiếng Anh) của tác giả 潘蓉蓉 (Phan Dung Dung) (2014) đã chọn 12 con vật như: chó, mèo, lợn, trâu, ngựa, dê, chuột, thỏ, sói, gấu, vượn, cáo. Từ đó giúp chúng ta thấy đƣợc bức tranh về ngôn ngữ và cách tư duy của hai dân tộc trong cách người Hán và người Anh ý niệm hóa các từ ngữ chỉ động vật.
Bên cạnh đó, bài luận “ 含 “ 狗 ( 犬 ) ” 、“ chó” 的 汉、 越成语和俗语对 比 研究” của 曾 沁 涵 (Tăng Thấm Hàm ) (Nghiên cứu , so sánh thành ngữ và tục ngữ có chứa yếu tố chỉ “ chó “ trong tiếng Hán và tiếng Việt ). Trên cơ sở nghiên cứu về thuộc tính, cầm tinh 12 con giáp nói chung đặc biệt là con “chó” trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc và Việt Nam. Bài viết chủ yếu tìm kiếm, phân tích sự tương đồng và khác biệt giữa các thành ngữ chỉ thuộc tính về mặt ngữ nghĩa và ý niệm văn hóa. Từ đó khái quát tính đặc trưng về phong cách sử dụng thành ngữ và văn hóa đặc sắc riêng của từng dân tộc, quốc gia. Bài viết này áp dụng kết quả nghiên cứu vào việc giảng dạy ngôn ngữ Hán Việt, cung cấp tài liệu và giúp người học tiếp cận dễ dàng, có hiệu quả hơn.
b. Những nghiên cứu trong nước
Bài “Các con vật và một số đặc trưng của chúng được cảm nhận từ góc độ dân gian và khai thác để đưa vào kho tàng thành ngữ tiếng Việt” của tác giả Phan Văn Quế (1995) trình bày hai khía cạnh chính là: những con vật nào thường xuất hiện trong thành ngữ và một số đặc điểm về nghĩa của thành ngữ mang tên các con vật.
Bài “Biểu trưng ngữ nghĩa của thành ngữ tiếng Việt (trên cứ liệu thành ngữ có yếu tố chỉ tên gọi động vật)” của tác giả Trịnh Cẩm Lan (2009) đã mượn những hình ảnh, thuộc tính… của các loài vật như: chó, chim, cá, hổ, voi… để thể hiện sự phê phán, chê bai kín đáo và ý nhị về con người.
Luận án tiến sĩ “Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán và tiếng Việt từ lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận” của tác giả Phan Phương Thanh (2019) đã làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến ngữ nghĩa học của thành ngữ theo quan niệm của ngôn ngữ học tri nhận trên nguồn ngữ liệu thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán và tiếng Việt.
Bài tạp chí “Dấu ấn văn hóa qua hình tượng con vật trong thành ngữ tiếng Việt và tiếng Anh” của TS.Nguyễn Mai Hoa, thông qua việc đưa ra những thành ngữ cụ thể và tiến hành phân tích so sánh đặc tính của từng loài vật, nói lên dấu ấn văn hóa đặc sắc, thống kê số lượng thành ngữ để thấy được loài vật nào ở từng quốc gia khác nhau sẽ có cái nhìn và sử dụng các thành ngữ có liên quan đến yếu tố động vật với tần suất và tình huống khác nhau.
2.3. Các công trình nghiên cứu dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận
“Thử nhìn lại một số vấn đề cốt yếu của Ngôn ngữ học tri nhận” bài tạp chí khoa học của tác giả Lý Toàn Thắng (2008), thông qua việc phân tích, đưa ra những lý luận về sự tương đồng và khác biệt của “tri nhận” và “ngôn ngữ học tri nhận”, chỉ ra sự khác nhau giữa “khái niệm” trong ngôn ngữ học truyền thống với “ý niệm” trong ngôn ngữ học tri nhận. Từ đó tìm ra hướng nghiên cứu, phương pháp, đối tượng chủ yếu của phương diện ngôn ngữ học tri nhận, làm rõ ý nghĩa của ngôn ngữ gắn liền với văn hóa.
Bài báo khoa học “ Ngôn ngữ học tri nhận: từ luận trường chung đến một số luận thuyết cơ bản” năm 2017, tác giả Dương Hữu Biên đã thông qua những lý luận, đối chiếu qua lăng kính các luận thuyết có tính khoa học cao để đánh giá, phân tích ngôn ngữ học tri nhận một cách đầy đủ và sâu rộng nhất. Từ lịch sử ra đời, quá trình được công nhận của ngôn ngữ học và phân tích theo những lý luận thực tiễn, giúp người đọc nhận định và hiểu đúng nghĩa về ngôn ngữ học tri nhận.
Ngoài những tác phẩm trên, bài tạp chí mới vào năm 2021 với tiêu đề “Ẩn dụ ý niệm từ chỉ động vật trong tiếng Trung và tiếng Việt” của 2 tác giả Nguyễn Thị Lê và Nguyễn Thu Trà thông qua việc khảo sát, thống kê tên của các loài động vật dưới góc phân tích ẩn dụ ngôn ngữ học tri nhận. Từ đó làm rõ hơn về ẩn dụ tri nhận là gì? Khi phân tích yếu tố động vật theo hướng ẩn dụ tri nhận thì sẽ như thế nào? Thông qua đó nói lên những ý niệm văn hóa ẩn chứa trong đó.
Hơn hết, luận văn thạc sĩ của tác giả Phan Phương Thanh “Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán và tiếng Việt từ lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận” đã phân tích những thành ngữ có yếu tố chỉ động vật thông qua mô hình tỏa tia và ngôn ngữ học tri nhận đã có đóng góp lớn trong việc phân tích và làm sáng tỏ việc sử dụng yếu tố chỉ động vật dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri nhận.
Nhìn nhận một cách tổng quát, các tác phẩm trên đã được các tác giả vận dụng lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận cùng với những cơ sở lý luận, lý thuyết thực tiễn, khoa học để ứng dụng vào những phạm trù nghiên cứu khác nhau.
3. Ý nghĩa khoa học
Mục đích nghiên cứu của đề tài: “Thành ngữ có yếu tố chỉ “chó” trong tiếng Hán và Tiếng Việt từ lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận” là chỉ ra các thành ngữ có yếu tố chỉ “chó” trong Tiếng Việt và Tiếng Hán từ đó phân tích ngữ nghĩa của các thành ngữ dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận. Qua đó cũng góp phần tìm hiểu những giá trị nội hàm, đặc trưng văn hóa qua ngữ nghĩa của các thành ngữ có yếu tố chỉ “chó” trong tiếng Hán và Tiếng Việt. Bài nghiên cứu này có thể giúp ích cho quá trình dạy và học thành ngữ trở nên dễ dàng hơn thông qua việc thống kê và phân tích sâu hơn về ý nghĩa của các thành ngữ.