So sánh ngôn ngữ trong khẩu hiệu du lịch Trung Việt và phương pháp dịch

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Tổng quan

1. Nhu cầu thực tiễn

Trong bối cảnh của quá trình toàn cầu hóa, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc đã mở ra nhiều khía cạnh trên các lĩnh vực khác nhau như văn hóa, kinh tế, và xã hội. Trong đó, du lịch là một trong những lĩnh vực quan trọng với quan hệ hai nước, Việt Nam và Trung Quốc đều là những thị trường khách du lịch lớn của nhau, vì vậy việc quảng bá du lịch thông qua khẩu hiệu cũng có vai trò vô cùng quan trọng.

Điều này đã đặt ra yêu cầu cao về việc nghiên cứu và so sánh các tiêu ngữ và khẩu hiệu giữa Trung Quốc và Việt Nam, từ đó nhằm tìm ra các phương án dịch thuật phù hợp, chuẩn xác nhưng vẫn giữ được các đặc trưng về vần điệu và văn phong của ngôn ngữ đích. Việc nghiên cứu và so sánh tiêu ngữ, khẩu hiệu giữa các ngôn ngữ khác nhau sẽ giúp người học nắm bắt được những điểm khác biệt và tương đồng, từ đó mở rộng kiến thức và định hình tư duy toàn cầu.

Đồng thời, việc nghiên cứu đối chiếu tiêu ngữ, khẩu hiệu Việt – Trung còn góp phần vào việc đào tạo và nâng cao trình độ cho các sinh viên trong lĩnh vực ngôn ngữ học, văn hóa học và truyền thông, giao tiếp liên văn hóa.

Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan

Về cơ sở lý luận của tiêu ngữ khẩu hiệu, đã có rất nhiều nghiên cứu cả trong và ngoài nước đề cập đến trên nhiều phương diện như định nghĩa, đặc điểm, phân loại, hàm nghĩa văn hóa. Tiêu biểu có thể kể tới cuốn “Tiêu ngữ khẩu hiệu” (标语口号) (2012) của 高剑 李友云(Gao Jian Li Youyun). Một số nghiên cứu khác tuy không nghiên cứu khái quát và toàn diện như tác phẩm trên nhưng đi sâu vào nghiên cứu một khía cạnh nhỏ của tiêu ngữ, khẩu hiệu. Có thể kể đến như các nghiên cứu về : “Cấu trúc ngữ pháp của câu khẩu hiệu tiếng việt nhìn từ góc độ lý thuyết phân tích diễn ngôn phê phán” (2014) của tác giả Đỗ Thị Xuân Dung – Thạc sĩ Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế; “Một số biện pháp tu từ dùng trong khẩu hiệu của sản phẩm đồ ăn và nước uống” (2015) của tác giả Bùi Thị Kim Ngân; “Tổng quan các nghiên cứu về khẩu hiệu tuyên truyền trong 20 năm qua”(2022) của tác giả 苏兰娜·吐尔逊( Sulana Tursun); “Hiện trạng nghiên cứu về tiêu ngữ và phương hướng tương lai”(2014) của tác giả 聂德民 (Nie De Min) và 宋守华 (Song Shou Hua).

Có thể nhận thấy các nghiên cứu về cơ sở lý luận của tiêu ngữ khẩu khẩu hiệu đều khá phong phú và toàn diện, còn phần đối chiếu, dịch thuật tiêu ngữ khẩu hiệu có thể thấy rõ các nghiên cứu tập trung đi sâu vào nghiên cứu phương pháp, kỹ năng dịch thuật Anh – Trung hoặc Anh – Việt nhưng hiếm thấy có nghiên cứu về sự đối chiếu giữa hai ngôn ngữ Trung – Việt. Đối tượng nghiên cứu cũng khá rộng lớn nhưng tập trung nhiều vào các tiêu ngữ, khẩu hiệu quảng cáo, chính trị. Các nghiên cứu chủ yếu nêu ra các đặc điểm của một ngôn ngữ mà chưa có đối chiếu, ví dụ như: Nghiên cứu về “Nghệ thuật trong quảng cáo công ích – lấy ví dụ quảng cáo năm 2019” của 杜营(Du Ying), “Đặc trưng ngôn ngữ khẩu hiệu quảng cáo của các dự án bất động sản” của Nguyễn Thu Thủy (2022), “Phân tích cấu trúc ngôn ngữ học của khẩu hiệu du lịch – lấy khẩu hiệu du lịch các tỉnh, thành phố trọng điểm làm ví dụ” của 董浩 (2013),…

Về so sánh đối chiếu, dịch thuật tiêu ngữ khẩu hiệu, một số nghiên cứu đã đưa ra các kỹ năng dịch khẩu hiệu, tiêu biểu phải kể tới nghiên cứu “Bàn về kỹ năng dịch thuật khẩu hiệu quảng cáo tiếng Anh” (2007) của ba tác giả 吴长青 (Wu Changqing); 张瑛 (Zhang Ying)và 叶尚平(Ye Shangping); “Văn hóa quảng cáo quốc tế và dịch” (2002) của tác giả 胡永芳 (Hu Yongfang). Ngoài ra, các nghiên cứu liên quan tới lý thuyết dịch, các phương pháp dịch cũng là những nghiên cứu vô cùng giá trị, góp phần giúp nhóm hoàn thành tốt đề tài nghiên cứu. Các nghiên cứu đại biểu như: “Giáo trình dịch thuật Anh – Trung” (1980) của tác giả 张培基(Zhang Peiji); 翻译论集 (1984) của tác giả 罗新璋,…

Vì vậy, nghiên cứu này sẽ tập trung vào tìm hiểu các đặc điểm của khẩu hiệu du lịch Việt Nam – Trung Quốc, các đặc điểm xu hướng khi dịch của hai ngôn ngữ. Từ đó tìm ra điểm tương đồng và khác biệt. Từ đó, đưa ra đề xuất câu dịch thực tế của khẩu hiệu du lịch của Việt Nam và Trung Quốc.

2. Ý nghĩa khoa học

Đối tượng nghiên cứu là khẩu hiệu du lịch Việt Trung.

  1. Các đặc điểm của tiêu ngữ khẩu hiệu trong tiếng Trung và tiếng Việt như: độ dài ngữ âm, cấu trúc ngữ pháp, nội dung ngữ nghĩa, từ vựng và biện pháp tu từ. Từ đó, tìm ra điểm tương đồng và khác biệt trong biểu đạt giữa hai ngôn ngữ.
  2. Đặc điểm xu hướng khẩu hiệu du lịch, đưa ra đề xuất câu dịch thực tế của khẩu hiệu du lịch của Việt Nam và Trung Quốc.