Tổng quan
1. Nhu cầu thực tiễn
Báo chí đóng vai trò quan trọng không thể thiếu đối với cuộc sống của con
người. Với khả năng cung cấp thông tin và phản ánh những khía cạnh khác nhau của xã hội, truyền thông đại chúng nói chung và báo chí nói riêng tạo ra các dư luận xã hội dựa trên vai trò cung cấp thông tin khách quan thông qua lăng kính chủ quan của người đưa tin. Đồng thời, báo chí cũng giúp người dân nắm bắt những diễn biến quan trọng về các sự kiện từ các lĩnh vực khác nhau. Báo chí mang theo trách nhiệm cung cấp thông tin, phản ánh các sự kiện xã hội kịp thời, chính xác, đầy đủ, đa dạng và toàn diện về các sự kiện diễn ra hằng giờ, hằng ngày. Ở bất kì quốc gia nào thì báo chí chính thống cũng thường được cho là nguồn thông tin mang lại cho người dân một cái nhìn tương đối toàn diện và cập nhật chính xác, khách quan về các sự kiện. Ngoài ra, báo chí còn có vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận xã hội. Bằng cách lựa chọn và tập trung đưa tin về một số khía cạnh cụ thể của các vấn đề, báo chí tạo cho công chúng những ấn tượng và quan điểm nhất định về một số sự kiện. Khả năng định hướng dư luận xã hội của báo chí cũng nhờ đó mà phát huy mục đích thông qua việc tập trung đưa tin về một khía cạnh cụ thể của sự kiện thay vì cung cấp thông tin toàn diện, đầy đủ, đa chiều, khách quan.
Trong thời đại hiện nay, một trong những lĩnh vực báo chí có thể có tác động mạnh mẽ là các vấn đề liên quan đến môi trường. Bằng cách cung cấp thông tin trực quan về các sự kiện môi trường, báo chí nói chung và các trang đưa tin nói riêng có thể có tầm ảnh hưởng đến nhận thức và ý thức của công chúng về tác động của con người lên môi trường, đồng thời phản ánh những tác động tiêu cực của con người đến môi trường; điển hình như biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất/nước, biến đổi khí hậu, suy thoái đa dạng sinh học,…Ngày nay, nhận thức của công chúng về các vấn đề môi trường cũng tăng cao do khả năng dễ dàng tiếp cận với các nguồn thông tin nói chung, và những thông tin về môi trường nói riêng như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nước và không khí, nạn phá rừng, suy thoái đa dạng sinh học,… Việc nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao dẫn đến nhu cầu tìm kiếm, nghiên cứu về các thông tin liên quan tới môi trường, đặc biệt là các thông tin mang tính cập nhật từ các nguồn thông tin khác nhau như báo giấy, các trang truyền thông chính thống của các quốc gia khác nhau, các trang thông tin điện tử có thẩm quyền và độ uy tín,… Đối mặt với nhu cầu của người dùng về thông tin cũng như số lượng những kênh đưa tin ngày càng gia tăng, vấn đề về tính khách quan và chính xác của thông tin cung cấp bởi một số đơn vị cung cấp như truyền thông hoặc báo điện tử cũng được quan tâm.
Đối với sự kiện về môi trường được thế giới đặc biệt chú ý trong năm 2023, sự kiện Nhật Bản tuyên bố xả nước thải hạt nhân đã qua xử lí của nhà máy Fukushima đã trở thành vấn đề hàng đầu được người dân từ rất nhiều quốc gia chú ý. Mặc dù quyết định xả nước thải của Nhật Bản dấy lên làn sóng dư luận của nhiều quốc gia về vấn đề và các hậu quả không đo lường được đối với hệ sinh thái biển và mức độ ảnh hưởng của quá trình xả thải đối với sức khỏe con người. Trước sự kiện gây chú ý này, bên cạnh các kênh thông tin truyền thông của các quốc gia, người dân có nhu cầu quan tâm còn có thể cập nhật tin tức thông qua các trang thông tin điện tử về tình hình sự kiện cũng như phản ứng dư luận tới từ các quốc gia khác nhau. Trong số các trang thông tin điện tử có tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn, BBC có thể được gọi tên như một kênh thông tin cập nhật tình hình các sự kiện và phản ứng dư luận nhanh chóng và cụ thể nhờ vào lực lượng phóng viên thường trú ở các quốc gia khác nhau.
2. Tổng quan về các công trình nghiên cứu liên quan
Đối với nhu cầu về thông tin ngày càng tăng cao của người dân, cùng với sự
phát triển của khoa học công nghệ dẫn đến sự xuất hiện của các nguồn tin tức đa dạng
và phong phú, các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học cũng dần cho thấy sự quan tâm của
về khả năng cung cấp thông tin và định hướng dư luận của báo chí nói chung và các
trang thông tin nói riêng đối với nhận thức của công chúng về các sự kiện liên quan tới
môi trường, đặc biệt là những sự kiện có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe
của con người. Bởi lẽ khả năng của báo chí không chỉ giới hạn bởi vai trò cung cấp
thông tin khách quan về sự kiện, mà còn thông qua việc lựa chọn một vài khía cạnh cụ
thể, thông qua quá trình mô tả và làm nổi bật thông tin cần thiết cho việc định hướng
dư luận xã hội. Đối với một số sự kiện, việc trình bày khuyết đi một phần sự thật khách
quan cũng có thể tạo ra những nét nghĩa gây sai lệch quá trình tiếp thu thông tin của dân
chúng, khiến quan điểm và ý kiến của người đọc tin bị ảnh hưởng bởi góc nhìn chủ quan
và mục đích của người viết. Triana, Reflinaldi, Rahmi (2020) từng đưa ra quan điểm
trong bài báo cáo phân tích phóng sự của họ rằng ngôn ngữ chứa sức mạnh tương đối
trong hoạt động chính trị nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung thông qua báo chí.
Con người có thể sử dụng ngôn ngữ để thay đổi hành động và suy nghĩ của người khác
theo mong đợi của mình. Điều này đặt ra một câu hỏi về tính khách quan của thông tin
được truyền tải thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông khác.
Trong thời đại thông tin bùng nổ, người dân dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn
thông tin được cung cấp các hãng tin tức, tổ chức, cá nhân khác nhau, số lượng cũng
như chất lượng và tính chính xác của từng nguồn thông tin là điều đáng quan tâm. Khi
nghiên cứu về nhận thức của người đọc bị ảnh hưởng như thế nào bởi tin tức cung cấp
bởi các phương tiện truyền thông, Fitriani, Ananda, Irawan, Samad and Weda (2021)
đã rút ra kết luận về việc người dân có xu hướng lựa chọn tin tưởng vào những điều
được viết trên mặt báo hoặc các trang tin tức có tiếng, bởi họ có quan niệm truyền thông
luôn giữ vững vai trò trung lập với mọi quan điểm trong quá trình đưa tin về sự kiện
thông qua các bài báo cáo tin tức. Trong khi đó Suparto (2018) lại cung cấp thêm một
quan điểm rằng tin tức do báo chí cung cấp thường được người dân trên toàn thế giới
coi là “thông tin thực tế, khách quan”, nhưng trên thực tế tin tức cũng có thể trở thành
công cụ thúc đẩy tư tưởng, suy nghĩ, quan điểm.
Các bài nghiên cứu liên quan tới khả năng ảnh hưởng của báo chí cũng từng
có các chiêm nghiệm về nhận thức từ người cung cấp thông tin như truyền thông, nhà
báo, phóng viên đưa tin,… Kusno and Bety (2017) từng kết luận rằng nhận thức chủ
quan trong quá trình đưa tin của nhà báo có thể khiến khán giả tiếp thu sự kiện từ một
góc độ nhất định, góc độ này có thể tương đối khách quan, đa phần liệt kê thông tin sự
kiện; cũng có thể mang một phần tư tưởng và ý kiến trong quá trình nhìn nhận thông tin
của người viết. Trong khi đó Tuchman (1978) tập trung hơn vào khía cạnh định hướng
dư luận của báo chí, học giả này đặt tên cho việc lựa chọn một phần của sự thật, sự kiện
để cung cấp cho người đọc của báo chí là “đóng khung nhận thức” (framing), được định
nghĩa là hành động giới hạn lượng thông tin được cung cấp trong bản tin và nhận thức
của người đọc về sự kiện, thường được biểu hiện bằng việc bản tin chỉ tập trung khai
thác về một khía cạnh cụ thể nào đó của vấn đề và nhấn mạnh khía cạnh đó thay vì cung
cấp thông tin tổng quát chung về sự kiện. Đồng quan điểm với Tuchman, White (2006)
cũng phát biểu rằng sự tồn tại của “khung nhận thức” trong việc đưa tin là do bản tin bị
ảnh hưởng bởi tư tưởng và quan điểm chủ quan của người viết, có khả năng tác động
lên nhận thức của khán giả, định hướng dư luận về sự kiện khách quan.
Khi bàn tới quan hệ của ngôn ngữ báo chí và mục tiêu định hướng dư luận, Ghannam (2011) cho rằng ngôn ngữ có thể được sử dụng theo nhiều mục đích và phương pháp khách nhau trong quá trình truyền tải thông điệp, thông tin về sự kiện. Bởi lẽ đó, ngôn ngữ trong các bài báo có thể được coi như nguồn thông tin được cung cấp từ nhiều góc độ khác nhau bởi những người viết khác nhau, với mục đích chung là đưa thông tin về sự kiện cho độc giả.
Ngay cả khi người viết cố gắng giữ cho thông tin mình cung cấp khách quan nhất có thể và không hề có ý định định hướng dư luận, họ vẫn phần nào vô thức truyền tải một phần quan điểm cá nhân về sự kiện trong bài viết, không chỉ thông qua ý nghĩa của các từ ngữ được lựa chọn trong bản tin, mà còn có thể thông qua sự lựa chọn về các khía cạnh cụ thể của sự kiện để truyền tải tin tức,… Những phần thông tin mang vẻ ngoài tương đối khách quan này có thể sẽ không được độc giả chú ý về tính chính xác. Để chứng minh quan điểm này, Mineshima (2009) từng đưa lập luận rằng ngay cả khi bản tin đưa ra những thông tin và ý kiến vô cùng chủ quan từ góc nhìn của người viết cũng có thể trở nên thuyết phục, ảnh hưởng tới quan điểm đánh giá của người đọc về sự kiện và khiến người đọc tin tưởng nếu bản tin được áp dụng các chiến lược thuyết phục hợp lý và xử lí thỏa đáng các chi tiết khiến người đọc nghi ngờ và tranh cãi.
Taiwo (2004) cho rằng việc sử dụng ngôn ngữ để cung cấp thông tin từ một sự kiện nhất định thông qua lăng kính tri nhận của người viết với một tệp khán giả mục tiêu cụ thể khiến ngôn ngữ không chỉ là phương tiện phản ánh thế giới khách quan, mà còn trở thành công cụ hỗ trợ trực tiếp hình thành và định hình quan điểm cũng như ấn tượng của người tiếp nhận đối với thông tin sự kiện. Ngôn ngữ không chỉ được sử dụng để phản ánh hiện thực khách quan tiếp nhận bởi con người mà còn từ những tri nhận và phản ứng của con người tác động ngược lại tới thế giới bên ngoài. Đối với các vấn đề về môi trường, trên cơ sở cung cấp thông tin khách quan nhất có thể về các sự kiện ảnh hưởng tới môi trường cũng phần nào tác động lên ý thức của một bộ phận dân cư toàn cầu về việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần thúc đẩy hành động cải thiện môi trường.
Thảo luận về phong cách và mục đích sử dụng ngôn ngữ trong các bài đưa tin,
Chen and Wang (2019) chỉ ra rằng mặc dù đa số người dân có yêu cầu nhận được thông
tin công bằng và không phiến diện từ ngành truyền thông, nhưng các phóng viên và nhà
báo vẫn có quan điểm cá nhân của họ, dẫn đến sự đa dạng về nội dung và tính khách
quan của tin tức. Zhou (2023) đưa ra nhận định rằng việc nghiên cứu và khai thác giá
trị ngôn ngữ đem lại thông qua quá trình đưa tin về các sự kiện nói chung và các sự kiện môi trường nói riêng có thể góp phần nâng cao nhận thức của con người về tình trạng
của môi trường và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
3. Ý nghĩa khoa học
Bài nghiên cứu về việc phân tích hệ thống chuyển tác trong bản đưa tin tường
thuật trực tiếp vào ngày Nhật Bản chính thức xả nước thải đã qua xử lí ra biển mang lại
một vài ý nghĩa khoa học khác nhau dựa trên nhóm đối tượng tiếp cận bài nghiên cứu.
Đối với người có nhu cầu sử dụng tiếng Anh để tìm kiếm thông tin trong công
việc và cuộc sống, hay những người có hứng thú tìm hiểu về các sự kiện về môi trường,
hoặc là những người có nhu cầu đọc và nghe các thông tin từ các nguồn khác nhau, bài
nghiên cứu giúp họ có thêm góc nhìn mới về sự kiện Nhật Bản xả thải được trình bày
trên báo chí thông qua góc nhìn của ngôn ngữ học. Việc hiểu thêm về cách sử dụng
ngôn ngữ trong các bài tường thuật hay bản tin có thể giúp người đọc nắm bắt thông tin
rõ ràng hơn, đồng thời giúp họ đánh giá độ chính xác và tin cậy của các nguồn thông
tin khác nhau. Nghiên cứu này phần nào giúp họ nhận biết chủ đích và nhận định cá
nhân của người cung cấp tin tức, ví dụ như nhà báo, phóng viên, biên tập viên,… về sự
kiện được báo cáo trong bản tin; điều này cho phép độc giả có cái nhìn tổng quan hơn
về các nét nghĩa ngôn ngữ trong bản tin và các bài báo cáo.
Đối với sinh viên chuyên ngữ, giáo viên, hay các nhà nghiên cứu ngôn ngữ,
nghiên cứu này góp phần làm sáng tỏ hơn các nhận định về đặc điểm của diễn ngôn báo
chí. Nghiên cứu này tập trung phân tích diễn ngôn báo chí của bản tin tường thuật trực
tiếp thông qua hệ thống chuyển tác thuộc lý thuyết Ngôn ngữ học chức năng hệ thống
để xác định quy trình nhận diện thông điệp được truyền tải thông qua các thành tố
chuyển tác. Kết quả phân tích hệ thống chuyển tác có thể hỗ trợ quá trình đánh giá sự
ảnh hưởng của những lựa chọn về ngôn ngữ đến chất lượng của nội dung thông điệp về
sự kiện truyền tải trong các bài báo. Nhận thức về việc mọi lựa chọn ngôn ngữ trong
diễn đạt đều có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình tiếp nhận và xử thông tin của
người đọc có thể phát triển khả năng nhạy cảm ngôn ngữ của người sử dụng tiếng Anh
tốt hơn trong quá trình học tập, giảng dạy, dịch thuật, nghiên cứu cũng như hoạt động
làm việc liên quan tới quá trình sử dụng tiếng Anh nói riêng và quả trình sử dụng ngoại
ngữ nói chung.
Đối với cá nhân người nghiên cứu là sinh viên thuộc khoa Sư phạm Tiếng
Anh, thông qua việc triển khai nghiên cứu này, người nghiên cứu có cơ hội rèn lueyenj
để hình thành được khả năng lựa chọn ngôn ngữ tiếng Anh thể hiện đúng chủ đích giao
tiếp, nâng cao khả năng phân tích diễn ngôn với khung Ngôn ngữ học chức năng hệ
thống, hình thành thói quen thu nhận và xử lý thông tin có suy xét, đa chiều, từ đó có
những phản hồi, đánh giá và định hướng phù hợp trong học tập và cuộc sống. Các kỹ
năng phân tích diễn ngôn và đánh giá hiệu quả lựa chọn ngôn ngữ trong việc truyền tải
thông điệp được rèn luyện qua nghiên cứu này có vai trò hỗ trợ hữu hiệu trong các công
việc liên quan đến truyền thông, báo chí và sáng tạo nội dung bằng tiếng Anh mà SV
ngành tiếng Anh có thể đảm nhận trong tương lai.
Ngoài ra, do Ngôn ngữ học chức năng hệ thống chưa thực sự phổ biến ở Việt
Nam, bởi vậy, bài nghiên cứu góp phần đưa ra một góc nhìn khác về việc phân tích văn
bản, bên cạnh các phương pháp phân tích ngôn ngữ theo cấu trúc ngữ pháp học truyền
thống. Bài nghiên cứu có thể phần nào trở thành tư liệu tham khảo đối với những người
học và có mong muốn tìm hiểu về cách ngôn ngữ hoạt động trong các ngôn ngữ khác
thông qua khung phân tích hệ thống chuyển tác.