Quan hệ Trong (uchi) – Ngoài (soto) trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Tổng quan

1. Nhu cầu thực tiễn

Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của mọi doanh nghiệp. Việc xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài, tạo sự khác biệt trong hoạt động kinh doanh. Uchi – Soto là một trong những nét văn hóa độc đáo của Nhật Bản. Khái niệm Uchi – Soto đã vượt qua ý nghĩa về mặt ngôn ngữ, trở thành một văn hóa đặc trưng có tầm ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực: kiến trúc, kinh doanh, quan hệ xã hội…

Một số nghiên cứu về Uchi – Soto đã được thực hiện từ những năm 1950 cho tới nay. Đặc biệt, các nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của Uchi – Soto trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản đều chỉ ra rằng Uchi – Soto có ảnh hưởng lớn tới quyết định kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong văn hóa công sở Nhật Bản, ta dễ dàng thấy được biểu hiện mối quan hệ Uchi – Soto thông qua sự khác biệt về cách giao tiếp và ứng xử của những người thuộc nhóm Uchi và những người thuộc nhóm Soto. Sự hiểu biết về quan hệ Uchi – Soto vô cùng quan trọng đối với những người lao động, đặc biệt là người lao động nước ngoài muốn làm việc lâu dài tại Nhật. Việc nghiên cứu về chủ đề này sẽ cung cấp một cái nhìn rõ ràng hơn về những đặc trưng, biểu hiện, ảnh hưởng tốt và những tác động xấu của quan hệ Uchi – Soto trong doanh nghiệp Nhật Bản.

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan

Ba công trình dưới đây có tính ảnh hưởng lớn nhất đến nghiên cứu của tác giả:

· “The Hidden Dimension” E.T.Hall (1950)

Vào những năm 1950, tác giả E.T. Hall đã sử dụng khái nghiệm “uchi-soto” để mô tả sự khác biệt giữa các vùng không gian trong ngôi nhà và bên ngoài ngôi nhà trong đề tài nghiên cứu “The Hidden Dimension”. Nghiên cứu đã đề cập tới cách mà quan hệ Uchi-Soto ảnh hưởng tới văn hóa ứng xử của người Nhật. Đây chính là nghiên cứu tiên phong, mở ra cánh cửa mới cho việc nghiên cứu và hiểu văn hóa Nhật Bản sau này.

Tuy nhiên, nghiên cứu được thực hiện từ những năm 1950 trong khi đó yếu tố về văn hóa xã hội đã liên tục thay đổi. Hơn 70 năm trôi qua, kết quả nghiên cứu không còn theo kịp thời đại. Do vậy, cần thiết phải cập nhật, mở rộng nghiên cứu sao cho phù hợp với thực tế hiện tại.

· “Uchi – Soto (inside – outside) language and culture in context for the Japanese as a foreign language learner” (2010)

Nghiên cứu “Uchi – Soto (inside – outside) language and culture in context for the Japanese as a foreign language learner” của tác giả Jamie Louise Goekler thực hiện vào năm 2010 đã nhận định sự thiếu sót của hầu hết sách tiếng Nhật: thiếu những diễn giải chi tiết về bối cảnh sử dụng ngữ pháp, từ vựng… do quá tập trung vào cung cấp, giải thích các kiến thức ngôn ngữ. Trong khi đó, việc hiểu quan hệ Uchi – Soto và vận dụng vào giao tiếp là cũng một phần quan trọng trong việc dạy và học tiếng Nhật.

Nghiên cứu đã đề xuất một số phương pháp để cải thiện việc dạy và học tiếng Nhật. Tuy nhiên, những phương pháp được đề xuất chưa được kiểm chứng tính hiệu quả trong hoạt động dạy và học. Đồng thời, đây là nghiên cứu phân tích mối quan hệ Uchi-Soto trong bối cảnh giao tiếp phù hợp với người học ngoại ngữ, chưa phải nghiên về ảnh hưởng của quan hệ Uchi – Soto trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản.

· “The impact of Uchi-Soto on Japanese business practices” (2013)

“The impact of Uchi-Soto on Japanese business practices” (2013) do nhóm tác giả Naomi Tamura và Tadao Kagono thực hiện. Nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp phỏng vấn và điều tra tại một số doanh nghiệp để làm rõ sự tác động của quan hệ Uchi-Soto đến các hoạt động kinh doanh và quản lý. Kết quả nghiên cứu cho thấy quan hệ Uchi-Soto có ảnh hưởng rất lớn tới các quyết định kinh doanh, quản lý doanh nghiệp và cách thức đào tạo nhân viên của các doanh nghiệp.

Nghiên cứu tập trung vào ảnh hưởng của Uchi-Soto đặt trong mối quan hệ một chiều với hoạt động kinh doanh và quản lý doanh nghiệp. Cần thiết phải mở rộng nghiên cứu, phân tích đa chiều, kết hợp với các yếu tố khác để có cái nhìn toàn cảnh hơn về văn hóa kinh doanh Nhật Bản.

3. Ý nghĩa khoa học

Hầu hết các đề tài nghiên cứu đi trước là những đề tài phân tích quan hệ Uchi – Soto lên một phần chính sách của doanh nghiệp, hoặc nghiên cứu về ảnh hưởng của Uchi – Soto để cải thiện phương pháp giảng dạy tiếng Nhật. Chưa có đề tài nào thực sự đi sâu vào phân tích quan hệ Uchi – Soto trong văn hóa doanh nghiệp. Vì vậy, nghiên cứu này sẽ đi sâu vào phân tích những đặc trưng, biểu hiện, ảnh hưởng tốt và tác động xấu của quan hệ Uchi – Soto lên văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản.