Trong thời đại ngành công nghiệp giải trí dần có vai trò nhất định trong xã hội, cũng như sự lên ngôi của các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là sau đợt dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 vô cùng căng thẳng, anime và văn hóa Nhật Bản, vốn đã có một tầm ảnh hưởng nhất định, lại có cơ hội tiến sâu hơn và mở rộng hơn phổ hiểu biết và tiếp cận trong xã hội.
Đồng thời, theo Lan Phương (2021) đăng tải thông tin trên tờ VOV2, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về số người học tiếng Nhật. Có nhiều diễn đàn dành cho giáo viên tiếng Nhật, không chỉ ở cấp bậc đại học mà còn ở tiểu học và trung học, đã được tổ chức dưới sự hỗ trợ của Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ – Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Số cơ sở đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam cũng tăng lên 26 lần sau 20 năm, tính từ 1998 đến năm 2018.
Theo một nghiên cứu của Hội đồng Ngôn ngữ Hiện đại (UCML), trong giai đoạn 2020-2021, tỉ lệ các trường đại học đưa tiếng Nhật vào giảng dạy đã tăng lên 39%, so với năm 2018 là 19%. Lý do cho sự gia tăng người học ngôn ngữ Nhật cũng rất đa dạng: từ sở thích cá nhân như hứng thú với một nền văn hóa mới, văn hóa thần tượng, cho đến những cơ hội đang nở rộ với những người có khả năng sử dụng tốt tiếng Nhật trong thời kỳ toàn cầu hóa nền kinh tế. Đặc biệt là nhu cầu về du học Nhật Bản, làm việc tại Nhật. Xét dưới góc độ kinh tế, đây là cơ hội cho cả hai quốc gia có thể hợp tác cùng phát triển. Và trong điều kiện muốn đi du học, sinh sống hay làm việc với một quốc gia, việc thấu hiểu văn hóa là vô cùng cần thiết. Cùng với đó, tiếng Nhật cũng xuất hiện thêm nhiều “đối thủ cạnh tranh” là các ngôn ngữ khác như tiếng Hàn, tiếng Trung, … và khả năng thu hút được người học các ngôn ngữ đó thông qua các sản phẩm văn hóa là không hề nhỏ.
Chính vì vậy, nhu cầu học tập về văn hóa cũng như về ngôn ngữ, thông qua một công cụ là sản phẩm văn hóa của quốc gia đó nghiễm nhiên đã trở thành một trong những cách thức hiệu quả và gần gũi hơn, ít khô khan và học thuật hơn. Mặc dù chưa thực sự có thể nhắm đến phục vụ cho mục đích kinh tế, nhưng đây là một biện pháp khi độ tuổi của người học tiếng Nhật đang được mở rộng ra ở cả cấp Tiểu học, Trung học Cơ sở hay Trung học Phổ thông.
Bản thân là một sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, người viết nhận thấy rõ rằng việc nghiên cứu, học tập ngôn ngữ và văn hóa là song hành với nhau. Để bổ trợ cho điều đó, việc tiếp xúc với anime cũng mang đến cho tôi những cảm hứng và động lực nhất định để khám phá sâu hơn về văn hóa và những giá trị xã hội trong bối cảnh học đường Nhật Bản.
Bộ anime Assassination Classroom phần nào phản ánh được những ảnh hưởng của văn hóa học đường đến cuộc sống, giáo dục, con người Nhật Bản. Nghiên cứu thông qua anime cũng giúp người viết có thể hiểu được phần nào tầm quan trọng của văn hóa học đường trong xã hội Nhật Bản, một đất nước phát triển với nhiều thành tựu, luôn coi trọng giáo dục. Không chỉ tạo được động lực và cảm hứng mới cho người học, bộ anime còn truyền tải đến rất nhiều thông điệp, bài học, cách xử lý tình huống vừa quen vừa lạ trong xã hội.
Bên cạnh những nội dung trực tiếp thu nhận được về nghiên cứu văn hóa học đường, cá nhân tôi cũng cảm thấy rằng việc sử dụng từ ngữ, khả năng nghe hiểu và niềm yêu thích riêng với tiếng Nhật cũng tăng lên đáng kể.
Qua tìm hiểu các tài liệu nghiên cứu, người viết nhận thấy chưa có công trình nào đi cụ thể vào tác phẩm là bộ anime “Assassination Classroom” để tìm hiểu về văn hóa học đường Nhật Bản. Vậy nên mong muốn thực hiện công trình này, với mong muốn thử nghiệm tìm hiểu, tiếp cận tri thức bằng một công cụ thú vị hơn, mang tính giải trí lớn đậm chất Nhật Bản.