1. Nhu cầu thực tiễn
Theo thuật ngữ triết học xã hội, vật hoá là hành vi đối xử với một người như đồ vật. Trong phạm trù tình dục, chủ thể thực hiện hành vi vật hóa biến đối phương thành vật thể nhằm thỏa mãn ham muốn tình dục của chính mình. Tuy không được công nhận rộng rãi, hiện tượng vật hóa tình dục đã và đang tồn tại ở nhiều khía cạnh xã hội, với đối tượng bị vật hóa chủ yếu là phụ nữ và chủ thế vật hóa chính là nam giới (Fredrickson và Roberts, 1997; Barber, 2022).
Với sự bùng nổ của nền tảng mạng xã hội trong thời đại toàn cầu hóa, hiện tượng vật hóa tình dục xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông đại chúng (Brown, 2002), nơi mà phụ nữ trẻ được coi là “cần câu cơm” trong lối truyền thông “sex sells” – dựa vào tình dục để gây thu hút với khách hàng tiềm năng (Huber và Lindgren, 2018). Trong truyền thông in ấn, 51,8% quảng cáo có sự hình ảnh phái nữ biến họ thành vật thể tình dục, và con số này tăng lên 76% khi đối tượng khán giả của quảng cáo là đàn ông (Swift và Gould, 2021).
Âm nhạc đại chúng Hoa Kỳ, nền âm nhạc phổ biến nhất thế giới hiện nay, cũng chính là một phương tiện truyền thông đa văn hóa đóng góp mạnh mẽ cho xu thế vật hóa nữ giới. Có thể kể đến những nghệ sĩ nam tiên phong như The Weeknd với bài hát “The Hills” hay Justin Timberlake với “Suit and Tie”. Phong trào này còn có sự góp mặt của những nghệ sĩ nữ, khi họ tự vật hóa chính mình, ví dụ như Rihanna trong bài hát “S&M”, khi cô bày tỏ sự thích thú với việc trở thành đồ chơi tình dục cho bạn tình. Lối suy nghĩ phóng khoáng về tình dục đã góp phần cải thiện thái độ của dân chúng về tình dục – vấn đề xưa nay vốn nhạy cảm trong nhiều nền văn hóa. Tuy vậy, hiện tượng vật hóa phụ nữ trong nhạc đại chúng cũng đồng thời đặt ra những câu hỏi khó lường cho bài toán tiếp cận tình dục một cách lành mạnh, đặc biệt khi khán giả mục tiêu của nền âm nhạc này chính là thế hệ trẻ (Brown, 2002).
Các nghiên cứu đề cập vấn đề tình dục trong âm nhạc trước đây đã chỉ ra tác động tiêu cực đến khán giả trẻ, nhưng chưa đi sâu vào hiện tượng vật hóa tình dục nữ giới và tác hại của nó tới phụ nữ. Tại Việt Nam, nghiên cứu về tình dục trong truyền thông quốc tế nói chung và ảnh hưởng đối với nữ giới nói riêng còn nhiều hạn chế, dẫn đến thực trạng thanh thiếu niên tiếp xúc không chọn lọc với văn hóa phẩm nước ngoài, có khả năng hình thành lối suy nghĩ và hành vi tình dục không lành mạnh.
Xem xét những lý do trên, nhóm nghiên cứu chúng tôi nhận thấy sự cần thiết của một nghiên cứu phân tích diễn ngôn xu hướng vật hóa phụ nữ trong âm nhạc đại chúng. Cân nhắc tầm ảnh hưởng xuất chúng của nghệ sĩ trong thế kỷ XXI, cũng như nội dung lời nhạc hướng đến tình dục và phụ nữ, chúng tôi đã chọn những bài hát của The Weeknd là đối tượng nghiên cứu chính. Đề tài này được thực hiện nhằm giúp người đọc nhìn nhận rõ tác hại khôn lường của hiện tượng vật hóa tình dục nữ giới tiềm ẩn trong truyền thông đại chúng. Đồng thời, nghiên cứu cũng sẽ giúp người nghe ý thức được tầm quan trọng của việc tiếp cận có chọn lọc những tác phẩm văn hóa nước ngoài. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu chúng tôi mong muốn nâng cao nhận thức của khán giả trẻ, đặc biệt là nữ giới, khi tiếp xúc với chủ đề tình dục, trong thời đại bão hòa thông tin như ngày nay.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
Hiện tượng vật hóa nữ giới trong xã hội từ lâu đã trở thành một đề tài nghiên cứu quen thuộc trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, những nghiên cứu về hiện tượng này vẫn chưa thực sự phổ biến trong lĩnh vực âm nhạc.
Công trình “Quan điểm nữ quyền về sự vật thể hóa” (Feminist Perspectives on Objectification) của Papaki (2014) đã tổng hợp các khung lý thuyết về hiện tượng vật thể hóa con người. Nussbaum (1995) lần đầu tiên công bố bảy đặc điểm cấu thành nên hiện tượng này, bao gồm tính công cụ hóa, sự chối bỏ quyền tự chủ, tính trơ, khả năng thay thế, tính dễ bị xâm phạm, quyền sở hữu và sự phủ nhận tính chủ thể. Sau hơn một thập kỷ, Langton (2009) tiếp tục bổ sung thêm ba đặc điểm quy giản về cơ thể, quy giản về ngoại hình và sự im lặng.
Heflick và Goldenberg (2014) đã nhận định trong nghiên cứu “Chứng kiến tận mắt: Vật hóa nữ giới theo nghĩa đen” (Seeing Eye to Body: The Literal Objectification of Women) về sự biến chuyển trong góc nhìn về hiện tượng vật thể hóa nữ giới. Nếu như hiện tượng này ban đầu được nghiên cứu tập trung vào sự tự vật hóa bản thân của phụ nữ thì ngày nay đã tồn tại những minh chứng rõ ràng cho sự vật thể hóa nữ giới đến từ những chủ thể khách quan.
Nghiên cứu “Thái độ chấp nhận của xã hội đối với ngôn từ phân biệt giới và vật hóa phụ nữ ở những bối cảnh khác nhau” (Social acceptability of sexist derogatory and sexist objectifying slurs across contexts) được Fasoli et al. (2015) tiến hành nhằm đánh giá khả năng chấp nhận những lời lẽ mang tính phân biệt giới và vật hóa phụ nữ trong đa dạng bối cảnh văn hóa và mối quan hệ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ thường là đối tượng hướng đến của những ngôn từ được sử dụng dưới hình thức bình luận đề cập đến định kiến và khuôn mẫu truyền thống về giới tính, nhận xét bình phẩm, hạ thấp và tình dụng hóa.
Trong công trình nghiên cứu “Video nhạc Pop phản cảm về tình dục, sự tự vật hóa của thế hệ phụ nữ trẻ và sự tiếp xúc có chọn lọc: Một mô hình hòa giải được kiểm duyệt” (Sexually Objectifying Pop Music Videos, Young Women’s Self-Objectification, and Selective Exposure: A Moderated Mediation Model), Karsay và Matthes (2016) khẳng định việc tiếp xúc với những sản phẩm truyền thông mang tính tình dục hóa làm tăng tính vật thể hóa chủ quan của nữ giới trẻ. Nghiên cứu này đã mở ra cánh cửa cho việc đào sâu vào tìm hiểu về tác động của video nhạc Pop phản cảm đối với xã hội, đặc biệt là đối với cách mà phụ nữ thế hệ trẻ hiểu về bản thân và quan hệ tình dục.
Dựa trên cơ sở những công trình nghiên cứu trước đây, nghiên cứu này sẽ tiếp tục khai thác những khía cạnh của hiện tượng vật thể hóa phụ nữ, cụ thể là trong miêu tả tình dục thông qua các bài hát của nam ca sĩ The Weeknd.
3. Ý nghĩa khoa học
Dựa trên tìm hiểu của nhóm nghiên cứu, cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào phân tích hiện tượng vật hoá phụ nữ trong lời bài hát của một nghệ sĩ cụ thể trên thế giới. Có thể nói, với việc tập trung nghiên cứu một nghệ sĩ, bài nghiên cứu có tính riêng biệt và có thể khai thác, tiếp cận vấn đề một cách chi tiết hơn so với các nghiên cứu cùng chủ đề nhưng đi khai thác nhiều đối tượng khác nhau.
Ngoài ra, qua việc tiếp cận một nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn đối với thế hệ trẻ như The Weeknd, nghiên cứu có thể tăng độ nhận diện của vấn đề và sự quan tâm của giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung tới xu hướng vật hoá phụ nữ trong xã hội hiện nay, từ đó có thể khuyến khích thêm nhiều nghiên cứu cùng chủ đề tại Việt Nam.
Cuối cùng, nghiên cứu có thể làm tiền đề cho những nghiên cứu khác với một hoặc một nhóm đối tượng khác, trong những lĩnh vực khác ngoài âm nhạc như văn học và báo chí.