Những yếu tố tác động đến động lực học tiếng Pháp của Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Pháp – Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Trước ngưỡng cửa đại học, mỗi sinh viên đều có những mục tiêu và lựa chọn riêng. Chúng tôi nhận thấy đại đa số các sinh viên đã lựa chọn học tiếng Pháp tại Khoa Pháp – ĐHNN – ĐHQGHN đều nỗ lực cố gắng hoàn thành quá trình học đại học để có thể tốt nghiệp. Vậy động lực nào đã giữ chân họ tại khoa Pháp? Điều gì đã khiến một số sinh viên lựa chọn dừng học hoặc bảo lưu thay vì tiếp tục học tiếng Pháp ở khoa Pháp?

Trước thực tế về việc dạy và học tiếng Pháp tại Việt Nam nói chung và tại ĐHNN – ĐHQGHN nói riêng trong những năm gần đây có nhiều thay đổi, chúng tôi thấy chưa có nghiên cứu nào về động lực học tiếng Pháp của sinh viên khoa Pháp được thực hiện. Do đó, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu này với mong muốn hiểu rõ các yếu tố tác động đến động lực học tiếng Pháp của sinh viên khoa tiếng Pháp – Đại học Ngoại ngữ – Đại học quốc gia Hà Nội. Lí do nào giúp đại đa số sinh viên kiên trì theo học tại đây, nguyên nhân nào dẫn đến một bộ phận sinh viên quyết định bảo lưu, nghỉ học?

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chắc chắn sẽ có ích và giúp trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để duy trì và tăng động lực học tiếng Pháp của sinh viên Khoa Pháp – ĐHNN – ĐHQGHN?”

Năm 2007, Karolina AXELL (Axel, 2007) đã có một nghiên cứu về Tầm quan trọng của động lực trong việc học ngoại ngữ (tiếng Pháp). Nghiên cứu này nhằm mục đích tìm hiểu các loại động lực học tập và đâu là động lực quan trọng nhất. Trong bài nghiên cứu, tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống (étude de cas qualitative) thông qua bảng hỏi và phỏng vấn trên 28 học sinh và 2 giáo viên ở một trường Trung học Phổ thông ở Thụy Điển. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tồn tại 2 loại động cơ chính: “động cơ thực dụng” (motivation instrumentale) và “động cơ thâm nhập” (motivation intégrée). Trong đó động cơ thực dụng có ảnh hưởng lớn đến động lực học tiếng Pháp của học sinh. Tuy nhiên, những học sinh có động cơ thâm nhập lớn hơn thì đạt kết quả học tập tốt hơn. Đồng thời, theo tác giả, để học sinh có thêm hứng thú học tập, việc giảng dạy ngoại ngữ nên hướng đến mục tiêu giao tiếp. Ngoài ra, học sinh sẽ có động lực học hơn nếu được tham gia vào quá trình tổ chức lớp học, xây dựng bài giảng.

  • Công trình nghiên cứu của nhóm sinh viên khoa tiếng Anh (Chi T. M. Nguyen; Linh T. P. Dang; Nga T. T. Dang and Thao M. Tran, 2021). Motivation in Learning English of English-Majored Freshmen at ULIS chỉ ra rằng  động lực là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của người học ngôn ngữ. Mục đích của nghiên cứu này là khám phá những động lực học tiếng Anh của sinh viên năm nhất Khoa Sư phạm Tiếng Anh (FELTE), ULIS, cũng như tìm ra loại động lực nổi trội để học tiếng Anh của những người tham gia nghiên cứu, động cơ thực dụng (instrumental motivation) hay động cơ thâm nhập (integrative motivation). Nghiên cứu này sử dụng phương pháp phân tích định lượng mô tả. Biện pháp được sử dụng để thu thập dữ liệu là sử dụng phiếu khảo sát. Bảng khảo sát gồm 20 mục liên quan đến động lực được điều chỉnh từ Bài Kiểm tra Thái độ / Động lực của Gardner (AMTB) đã được sử dụng trong quá trình thu thập dữ liệu. Dữ liệu được trình bày thống kê bằng cách sử dụng tỷ lệ phần trăm, tần suất, giá trị trung bình số học (mean) và độ lệch chuẩn (standard deviation). Kết quả của nghiên cứu này chỉ ra rằng sinh viên sở hữu cả hai loại động lực; đặc biệt, động lực thâm nhập là động lực chủ yếu. Dựa trên kết quả của nghiên cứu này, một số tác động của động lực trong việc học ngôn ngữ và ảnh hưởng đến việc tiếp thu ngôn ngữ được cung cấp để thúc đẩy hiệu quả của việc dạy và học ngôn ngữ tiếng Anh.
  • Nhiều nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới cũng chỉ ra rằng động lực học có vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động học và ảnh hưởng đến kết quả học tập của người học. Tại Khoa Pháp – ĐHNN – ĐHQGHN, chưa có nghiên cứu sâu nào về động lực học tập tiếng Pháp của sinh viên Khoa Pháp. Trước thực tế là trong những năm gần đây số lượng tuyển sinh của Chương trình đào tạo Tiếng Pháp không tăng và mỗi năm đều có một số lượng sinh viên bảo lưu hoặc bỏ học, tuy số lượng này không lớn nhưng chúng tôi thiết nghĩ cần thực hiện nghiên cứu về động lực học của sinh viên nhằm tìm hiểu động cơ học tập của sinh viên tiếng Pháp hiện nay và tìm ra các lí do “giữ chân người học” cũng như giúp họ duy trì và tăng hứng thú trong học tập tại trường ĐHNN-ĐHQGHN.