“Những điều chỉnh trong chính sách an ninh – quốc phòng của Nhật Bản thời gian gần đây và một số tác động đến cấu trúc an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Tổng quan

1.Nhu cầu thực tiễn

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương (CÁ – TBD) đang đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của toàn thế giới trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, trong khu vực cũng tồn tại và xuất hiện những thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống, có tác động sâu sắc đến hòa bình, ổn định và an ninh chung của mỗi quốc gia, khu vực. Những năm gần đây, xu thế đa cực hóa cấu trúc an ninh (CTAN) toàn cầu nói chung, khu vực CÁ – TBD nói riêng đang chuyển từ định hướng sang định hình. Trong đó, các liên minh song phương, đa phương do Mỹ chi phối vẫn tồn tại; các thể chế đa phương khu vực ASEAN tiếp tục phát triển; sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, Ấn Độ, tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, biển Hoa Đông, sự phát triển của chương trình hạt nhân/tên lửa Triều Tiên, vấn đề eo biển Đài Loan, và vai trò “nước lớn quân sự” của Nhật Bản là những vấn đề đã và đang chi phối sự hình thành, phát triển của CTAN khu vực Châu Á – TBD.

Thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Hiến pháp Nhật Bản không cho phép tổ chức quân đội. Điều 9 trong Hiến pháp của Nhật Bản nêu rõ, “Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hòa bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe dọa bằng vũ lực. Để thực hiện mục đích ghi ở trên, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận”. Tuy nhiên, một phần của Hiến pháp đã được bổ sung rằng, nước này có thể xây dựng và duy trì quyền tự vệ vốn có. Vì vậy, với hiệp ước an ninh mà Nhật Bản ký với Mỹ vào năm 1951 cho phép nước này duy trì một lực lượng đóng quân nhằm đối phó với sự xâm lược từ bên ngoài, cũng như các mối đe dọa bên trong và thiên tai.

Tuy nhiên, những năm đầu thế kỷ XXI, tình hình an ninh, chính trị trong khu vực có nhiều diễn biến mau lẹ, nổi lên là sự trỗi dậy về quân sự của các nước, đặc biệt là Trung Quốc và Triều Tiên, đồng thời với xu thế liên minh, hợp tác về quân sự, quốc phòng ngày càng phổ biến của các nước lớn nhằm tham vọng làm chủ, hoặc chiếm vị trí nhất định tại khu vực CÁ – TBD, Nhật Bản ngày càng tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao vai trò của quân đội. Đặc biệt, năm 2013, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua hơn 10 dự luật an ninh nhằm tăng thêm quyền hạn cho Lực lượng Phòng vệ (SDF) và đưa lực lượng này tham chiến ở nước ngoài. Chính phủ Nhật Bản, đặc biệt là Nội các của cố Thủ tướng Abe Shinzo và đảng Dân chủ Tự Do (LDP) không ngừng thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp “Hòa bình” nhằm xây dựng quân đội tương xứng với tiềm lực của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Đồng thời, trong các văn bản về an ninh – quốc phòng (ANQP) và Sách trắng quốc phòng thường niên cũng thể hiện rõ quan điểm Nhật Bản muốn xây dựng và đầu tư cho quân đội.

Trong một diễn biến đặc biệt, ngày 16/12/2022, Nội các Nhật Bản đã thông qua dự thảo sửa đội 3 văn bản quan trọng trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng bao gồm Chiến lược An ninh Quốc gia (ANQG) sửa đổi, Đại cương Kế hoạch phòng vệ và Chương trình Phòng vệ Trung hạn. Sau đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản (7/2023) công bố Sách Trắng quốc phòng, công khai hóa và nhấn mạnh chương trình gia tăng sức mạnh quân sự của quốc gia này.

Cả bốn văn kiện này đều mở đường cho việc hiện đại hoá và tăng cường rõ rệt tiềm lực quân sự và quốc phòng của Nhật Bản để đảm bảo ANQG và nâng cao vai trò, ảnh hưởng về chính trị – an ninh khu vực, châu lục và thế giới cho nước này. Chúng đều xoay quanh ba nội dung chủ chốt hàm chứa bước chuyển quyết định từ hiến pháp hiện hành sang cách tiếp cận và tinh thần hoàn toàn khác.

+ Nội dung thứ nhất là sự xác định thách thức và mối đe doạ lớn nhất, hiện diện cụ thể cũng như tiềm tàng nhất đối với an ninh của Nhật Bản hiện tại cũng như trong tương lai là Triều Tiên, Trung Quốc và Nga. Vì những thách thức và đe doạ an ninh này mà Nhật Bản phải điều chỉnh chiến lược và vượt qua những hạn chế cương tỏa của Hiến pháp hiện hành.

Triều Tiên, Trung Quốc và Nga cũng là đối tượng đối phó chính mà sự điều chỉnh chiến lược này nhằm tới. Trên phương diện này, Nhật Bản với chiến lược mới không khác biệt cơ bản gì những đồng minh quân sự chiến lược truyền thống quan trọng nhất của Nhật Bản là Mỹ và Hàn Quốc ở khu vực Đông Á.

+ Nội dung thứ hai là tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng hàng năm từ mức độ khoảng 1% GDP hiện tại lên mức 2% GDP – giống như Tổ chức hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thống nhất áp dụng cho các nước thành viên.

Tăng rất mạnh mẽ ngân sách quốc phòng hàng năm theo kế hoạch giúp gia tăng rất đáng kể tiềm lực quân sự và quốc phòng, qua đó nâng cao đáng kể năng lực thực tế của Nhật Bản cho những hoạt động quân sự ở bên trong cũng như bên ngoài phạm vi lãnh thổ.

+ Nội dung thứ ba được khái quát hoá trong cụm từ “phản công quân sự” với hàm ý tiến hành những cuộc tấn công quân sự nhằm vào những mối đe doạ an ninh đối với Nhật Bản ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ, điều chưa có tiền lệ từ sau Chiến tranh tranh thế giới thứ hai.

Đặt những mục tiêu và định hướng này của sự điều chỉnh chiến lược của Nhật Bản vào bối cảnh tình hình chính trị an ninh và quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Á cũng như trên thế giới có thể thấy được rất rõ tác động rất quyết định của sự trỗi dậy và mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa, vấn đề quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, tranh chấp lãnh thổ giữa giữa Nhật Bản với Trung Quốc (Senkaku/Điếu Ngư), Nhật Bản với Hàn Quốc (Takeshima/Dokdo), Nhật Bản với Nga (Vùng lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril). Đồng thời với đó là việc Nhật Bản sẽ thể hiện được vai trò là đồng minh “then chốt” của Mỹ, để giúp Mỹ lan tỏa kiểm soát tại khu vực CA- TBD cũng như tạo tiền đề để Nhật Bản dần tự chủ về quân sự, thoát ra khỏi “ô hạt nhân” của Mỹ.

Tuy nhiên, việc Nhật Bản thúc đẩy mạnh mẽ tiềm lực quân sự, quốc phòng sẽ đưa lại những tác động đáng kể đối với tình hình an ninh tại khu vực CÁ – TBD. Một là, việc tái thiết quân đội dễ đưa Nhật quay trở lại với chủ nghĩa phát xít, vốn đã bị lên án mạnh mẽ trong lịch sử hiện đại; đe dọa đến hòa bình, an ninh của toàn thế giới. Hai là, động thái của Nhật Bản góp phần châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới, cũng như trong khu vực; trong đó các quốc gia sẽ đầu tư ngân sách để hiện đại hóa quân đội, mua sắm thiết bị, vũ khí quân sự, trong đó có khả năng phát triển các loại vũ khí có sức hủy diệt lớn, thậm chí là ngầm phát triển vũ khí hạt nhân. Ba là, việc Nhật Bản mạnh lên về quân sự sẽ khiến cho cấu trúc an ninh trong khu vực thay đổi, Nhật Bản sẽ thể hiện vai trò lớn hơn trong khu vực cũng như trong các hiệp ước, liên minh với Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Ấn, Anh, Canada, Philippines,… Qua đó đưa khu vực CÁ – TBD thành một mảnh đất tranh giành ảnh hưởng ngày càng gay gắt giữa các phe nhóm lợi ích, nếu sự cạnh tranh quá khắc nghiệt hoặc có các sự cố lớn trực tiếp xảy ra sẽ tác động tiêu cực đến môi trường an ninh, trong đó những chủ thể chịu thiệt hại nhất có thể là những nước nhỏ hơn, trong đó có Việt Nam.

Xuất phát từ thực tiễn trên, chúng em mạnh dạn lựa chọn đề tài “Những điều chỉnh trong chính sách an ninh – quốc phòng của Nhật Bản thời gian gần đây và một số tác động đến cấu trúc an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương” làm công trình nghiên cứu khoa học năm 2023, qua đó nhằm rút ra một số vấn đề có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn, góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề này.

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan

Nghiên cứu về việc Nhật Bản thay đổi chính sách an ninh, quốc phòng qua các giai đoạn từ đầu thế kỷ XXI có một số công trình tiêu biểu:

  • Về việc Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng năm 2015”, tác giả Phan Cao Nhật Anh (2015), Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Hà Nội.

– “Những thay đổi trong chính sách an ninh – quốc phòng của Nhật Bản từ Chiến tranh lạnh đến nay dưới cơ chế an ninh chiến lược Nhật – Mỹ”, tác giả Nguyễn Ngọc Dung (2009), Tạp chí phát triển Khoa học và Công nghệ, Hà Nội.

  • Cải cách dân chủ Nhật Bản trong những năm 1945-1951”, tác giả Hoàng Thị Minh Hoa (1999), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
  • Luật An ninh mới của Nhật Bản có từ ngày 29/3/2016”, tác giả Trần Mỹ Hoa (2016), Hà Nội.
  • Chính sách an ninh – quân sự của Nhật Bản những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI”, tác giả Nguyễn Hạnh Trâm (2016), Tạp chí Hội nghị khoa học trẻ, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, Thừa Thiên – Huế.
  • Nhìn lại chính sách an ninh của Nhật Bản thời kỳ chiến tranh lạnh”, tác giả Trương Việt Hà (2015), Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Hà Nội.

Nghiên cứu về tình hình an ninh và cấu trúc an ninh, sự cạnh tranh chiến lược tai khu vực CÁ – TBD có một số công trình tiêu biểu:

  • Tác động của cấu trúc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, tác giả Hoàng Khắc Nam (2020), tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  • Quá trình vận động của cấu trúc khu vực châu Á – Thái Bình Dương và phản ứng chính sách của Việt Nam”, tác giả Trần Nam Tiến (2020), tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  • Quan hệ Mỹ – Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump”, tác giả Nguyễn Ngọc Anh (2017), Tạp chí Nghiên cứu nước ngoài, Hà Nội.
  • Tam giác Mỹ – Nhật – Trung trong quan hệ thế giới hiện nay”, tác giả Hồ Châu (2006), Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Hà Nội.
  • Vài nhận thức về hệ thống quan hệ quốc tế”, tác giả Vũ Dương Huân (2011), Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, Hà Nội.
  • Trật tự thế giới mới thứ hai Những vấn đề Địa – chính trị nan giải” (sách tham khảo), tác giả Zlobin, Nhicolai (2012), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  • Góc nhìn cận cảnh: Thế giới và biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài”, tác giả Trần Nam Tiến (2017), Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ, Hồ Chí Minh.
  • Học thuyết Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tác giả Lê Vĩnh Trương (2018), Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Thừa Thiên – Huế.

Các công trình trên cơ bản đã khái quát được tình hình an ninh, cạnh tranh ảnh hưởng lại khu vực CÁ – TBD cũng như các bước chuyển trong chính sách an ninh- quốc phòng của Nhật Bản, đặc biệt trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện về vấn đề trên từ giai đoạn năm 2013 đến nay, đặc biệt là thời gian gần đây. Những diễn biến mau chóng, công khai trong bối cảnh an ninh, chính trị toàn cầu hiện tại đều là sự hiện thực hóa ý đồ, chủ trương mang tính chiến lược, nền tảng của các nước trong việc tăng cường sức mạnh quốc gia để bảo vệ và mở rộng kiểm soát các lợi ích bên ngoài. Do đó, việc nghiên cứu đề tài có ý nghĩa to lớn.

3. Ý nghĩa khoa học

Việc nghiên cứu những điều chỉnh trong chính sách ANQP của Nhật Bản thời gian gần đây, đặc biệt là những thay đổi trong nội dung Sách trắng quốc phòng và 3 văn bản quan trọng trong lĩnh vực ANQP bao gồm Chiến lược ANQG, Đại cương Kế hoạch phòng vệ và Chương trình Phòng vệ Trung hạn giúp làm rõ ý đồ, mục đích của Nhật Bản và dự báo những bước đi tiếp theo của nước này trong việc hiện đại hóa quân đội, tăng cường tiềm lực an ninh, quân sự. Qua đó sẽ có cơ sở đưa ra các tác động đối với môi trường an ninh trong khu vực CÁ – TBD vốn đang vận động rất mạnh mẽ từng ngày, đồng thời liên hệ một số vấn đề có ý nghĩa đối với việc thực hiện chủ trương về đối ngoại, ANQP của Việt Nam trong thời gian tới.