Tổng quan
1. Nhu cầu thực tiễn
Trải qua hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt
Nam (VN) và Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên
mọi lĩnh vực với với sự tin cậy chính trị cao. Nhật Bản hiện là Nhật Bản là đối tác kinh tế
quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA)
lớn nhất, đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương
mại. Hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân ngày càng được tăng cường, góp phần làm sâu
sắc hơn sự hiểu biết và tình cảm hữu nghị giữa người dân hai nước. Cộng đồng người Việt
Nam tại Nhật Bản thời gian qua phát triển nhanh chóng, đạt 520.000 người, là cộng đồng
người nước ngoài lớn thứ hai, giữ vị trí là lực lượng lao động người nước ngoài lớn nhất tại
Nhật Bản, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Nhật Bản và là cầu nối
quan trọng cho quan hệ hai nước. Đánh dấu những thành tựu hợp tác trong 50 năm, vào ngày
27/11/2023, hai nước đã ra Tuyên bố chung thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam- Nhật
Bản lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế
giới”, mở ra cơ hội hợp tác toàn diện, sâu sắc hơn, trong đó có lĩnh vực lao động, giao lưu
nhân dân.
Từ năm 2019, để đối phó với vấn đề già hóa dân số, giảm tỷ lệ sinh trầm trọng dẫn đến
thiếu hụt nguồn lao động, chính phủ Nhật Bản đã điều chỉnh chính sách thu hút lao động
nước ngoài (LĐNN). Tuy nhiên, trước tình trạng thiếu hụt lao động vẫn tiếp diễn và dự kiến
còn kéo dài, Nhật Bản đã tiếp tục điều chỉnh các chính sách liên quan đến lao động, tiền
lương, chế độ cư trú,… Trong đó, đặc biệt là việc sửa đổi Luật quản lý xuất nhập cảnh và
cư trú để đưa ra loại thị thực mới – Kỹ năng đặc định (2019) và thay đổi chương trình thực
tập sinh (2023), nới lỏng thị thực đối với sinh viên nước ngoài, bổ sung ngành nghề cho thị
thực lao động để nâng cao khả năng tiếp nhận LĐNN cả về số lượng và chất lượng. Mặc dù
lực lượng lao động VN tại Nhật Bản khá đông đảo (trong đó tập trung vào số thực tập sinh,
du học sinh, lao động kỹ năng đặc định loại 1), một bộ phận lao động người Việt bị đánh giá
hạn chế về ngoại ngữ, năng lực chuyên môn, ứng xử văn hóa, thậm chí là vi phạm pháp luật
nước sở tại,… Thực trạng trên vừa mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu lao động, đồng thời đặt
ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động VN sang Nhật Bản
một thị trường được đánh giá là “khắt khe” và có tiềm năng lớn.
Xuất phát từ các lý do trên, em mạnh dạn lựa chọn Đề tài “Nhật Bản đẩy mạnh thu hút
lao động nước ngoài và một số vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về xuất
khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản trong giai đoạn hiện nay” để nghiên cứu nhằm
rút ra một số vấn đề ý nghĩa về lý luận và thực tiễn liên quan.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
Liên quan đến việc điều chỉnh chính sách lao động của Nhật Bản cũng như công tác quản
lý nhà nước về xuất khẩu lao động sang thị trường Đông Bắc Á nói chung, sang Nhật Bản
nói riêng trong thời gian từ năm 2019 tới nay có một số công trình nghiên cứu, ở các cấp,
lĩnh vực khác nhau. Điển hình, tại trường ĐHNN – ĐHQG Hà Nội đã tiến hành nhiều nghiên
cứu khoa học ở cấp trường, cấp ĐHQG Hà Nội, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD & ĐT), và cả
quy mô quốc tế. Gần đây, trường đã tổ chức thành công Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ
đề “Giáo dục ngoại ngữ trong thời đại 4.0” (Foreign Language Education 4.0: Good
practices to share) (Hà Nội, ngày 18/12/2021), hay trong Hội thảo Nghiên cứu và giảng dạy
ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam năm 2022 (UNC 2022) “Bàn về dạy và
học tiếng Nhật tại Việt Nam từ cách nhìn đa chiều” – Hướng tới tuyển dụng và duy trì ổn
định nguồn nhân lực người nước ngoài ở châu Á và Nhật Bản” (Hà Nội, tháng 9/2022) với
một số công trình tiêu biểu:
“Giới thiệu chương trình điều dưỡng hỗ trợ sinh hoạt tại Nhật Bản, chính sách tiếp nhận
và điểm khác biệt với chương trình hộ lí”, tác giả: GS. Kodaira Megumi (Khoa Sau đại học,
ĐH Phúc lợi y tế quốc tế, Nhật Bản) và GS. Kohara Hisami (ĐH Bunkyo Hiroshima, Nhật
Bản);
“Thực trạng và thách thức trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài – nhìn từ quan
điểm của doanh nghiệp Nhật Bản, người lao động nước ngoài và giáo viên tiếng Nhật”, tác
giả Ichiro Asami (Công ty Cổ phần Bridge), GS. Yuka Kurihara (ĐH Kobe, Nhật Bản) và
Keiko Horii (ĐH Musashino, Nhật Bản);
“Thực trạng nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ lí người nước ngoài nhìn từ quan điểm của
tổ chức phái cử, tiếp nhận và cơ quan đào tạo tiếng Nhật”, TS. Hatsumi Kamimura (ĐH
Việt Nhật Hà Nội, Việt Nam), Shu Nimonjiya (Network AHP – tổ chức NPO), Mai Anh
(công ty CICS) VÀ Tomoyuki Okada (Tập đoàn Bệnh viện Nara Higashi);
“Thực trạng về đối tượng điều dưỡng chăm sóc sức khỏe (Kaigo) người Việt Nam tại
Nhật và một số giải pháp”, tác giả Phạm Thị Thu Hà, Hoàng Thị Mai Hồng (ĐHNN – ĐHQG
Hà Nội);
“Vấn đề sử dụng tiếng Nhật giao tiếp của thực tập sinh điều dưỡng”, tác giả Hoàng Thị
Mai Hồng, Phạm Thị Thu Hà (ĐHNN – ĐHQG Hà Nội);
“Những khó khăn trong xây dựng chương trình đào tạo tiếng Nhật cho thực tập sinh kỹ
năng và một số giải pháp”, tác giả Hoàng Thu Trang (ĐHNN – ĐHQG Hà Nội).
Bên cạnh đó, một số công trình nghiên cứu bên ngoài cũng đã bổ khuyết, làm rõ một số
khía cạnh liên quan đến công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động xuất khẩu sang thị
trường Nhật Bản:
“Tác động của sự điều chỉnh chính sách của Nhật Bản đối với lĩnh vực đào tạo nguồn
nhân lực đến năm 2020”, tác giả Hoàng Minh Lợi, tháng 07-2013, Viện Nghiên cứu Đông
Bắc Á (Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia).
“Phát triển nguồn nhân lực lao động ở doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị
trường Nhật Bản”, tác giả Phạm Chí Nghĩa (Học viện Quốc phòng, 2021).
“Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước”, tác giả Tống Hải
Nam (Cục Quản lý lao động ngoài nước, 2024).
“Các giải pháp đổi mới quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động ở Việt Nam trong giai
đoạn 1995-2010”, tác giả Trần Văn Hằng (luận án Tiến sĩ kinh tế,1996);
“Một số giải pháp đổi mới quản lý tài chính về xuất khẩu lao động Việt Nam theo cơ
chế thị trường”, tác giả Nguyễn Thị Phương Linh (luận án Tiến sĩ kinh tế, 2004);
“Một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động
của nước ta trong giai đoạn hiện nay”, tác giả Bùi Sỹ Tuấn (luận văn Thạc sỹ, 2006).
“Quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động Việt Nam sang thị trường
Nhật Bản”, tác giả Vũ Thị Thanh Hà (luận văn Thạc sĩ, Đại học Kinh tế – ĐHQG Hà Nội,
2016).
Các công trình trên cơ bản đã khái quát được lý luận và tình hình triển khai công tác quản
lý nhà nước về xuất khẩu lao động; một số vấn đề liên quan đến nguồn lao động VN tại địa
bàn Nhật Bản và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2019, đặc
biệt là trong vòng 02 năm trở lại đây, khi chính phủ Nhật Bản có nhưng thay đổi chính sách
nhằm thu hút lao động nước ngoài kèm theo những ngụ ý, điều kiện, tiêu chí cụ thể thì chưa
có đề tài nào đi sâu nghiên cứu, làm rõ vấn đề trên nhằm đưa ra những ý tưởng tăng cường
hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản nhằm
đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
3. Ý nghĩa khoa học
Việc nghiên cứu đề tài góp phần nêu bật, làm rõ những thay đổi trong chính sách tiếp
nhận LĐNN của Nhật Bản, vấn đề liên quan đến lao động VN những năm gần đây, nhằm
rút ra một số vấn đề ý nghĩa về lý luận và thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả
công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản đáp ứng yêu cầu
thực tiễn trong thời gian tới.