Các vấn đề liên quan đến xu hướng tính dục hiện nay đang được quan tâm và chú ý hơn cả do đây là vấn đề gắn liền trực tiếp đến vấn đề con người “Tôi là ai?”. Đối với một người, khi hiểu được bản thân, biết bản thân là ai, họ sẽ thể hiện ra được những gì tốt nhất của bản thân họ. Trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu về nhận thức và thái độ của sinh viên đại học đối với cộng đồng LGBTQ+ như nghiên cứu của Herek (1988)1 đã chỉ ra rằng sinh viên đại học thường có thái độ tiêu cực hơn đối với người đồng tính so với những nhóm dân số khác. Hay nghiên cứu của Tetreault, 2013 tại Mỹ cho thấy sinh viên có kiến thức về LGBTQ+ nhiều hơn có thái độ tích cực hơn đối với cộng đồng này. Tại Việt Nam, một số nghiên cứu đã khám phá những khía cạnh khác nhau của cộng đồng LGBTQ+, chẳng hạn như nghiên cứu của ICS (2014) về nhu cầu và quyền của người chuyển giới, nghiên cứu của Phạm Thu Hoa, Đồng Thị Yến (2015)2 về định kiến, kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người đồng tính và chuyển giới ở Việt Nam, nghiên cứu của Dương Quang Ngọc (2021)3 về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong môn Sinh học cấp Trung học phổ thông hay một nghiên cứu có quy mô trên cả nước của Lương Thế Huy, Phạm Quỳnh Phương (2015)4 về phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu tập trung tìm hiểu nhận thức và ứng xử của sinh viên đại học đối với xu hướng tính dục, đặc biệt trong môi trường đa dạng như trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHNN-ĐHQGHN).
Nghiên cứu “Nhận thức và ứng xử của sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội về xu hướng tính dục” giúp ta có được cái nhìn khách quan về mức độ nhận thức về vấn đề, cách mà nhận thức này ảnh hưởng đến hành vi và tương tác của sinh viên trong xã hội. Thông qua kết quả nghiên cứu về quan điểm, hành vi của sinh viên đối với các xu hướng tính dục khác nhau, chúng ta có thể xác định được những điểm cần cải thiện và đề xuất các biện pháp giáo dục giúp cải thiện nhận thức và cách ứng xử về xu hướng tính dục của sinh viên.