1. Nhu cầu thực tiễn
Thế giới đang bước vào thời đại hội nhập mạnh mẽ, với sự kết nối sâu rộng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, nghệ thuật…Cùng với sự mở rộng giao lưu và tiếp xúc văn hoá, ngôn ngữ cũng ngày càng phong phú và đa dạng, không chỉ gói gọn phạm vi sử dụng trong từ ngữ thuần túy của một dân tộc, một quốc gia,.. mà còn dung nạp, kết hợp với rất nhiều yếu tố ngoại lai bên ngoài. Trong đó, không thể không kể tới hiện tượng vay mượn các đơn vị từ vựng nước ngoài và tạo ra một lớp từ mới: từ ngoại lai. Hiện nay, từ ngoại lai đang chiếm một vị trí nhất định trong hầu hết các ngôn ngữ và ngày càng khẳng định vị trí của nó thông qua việc gia tăng không ngừng về số lượng trong những thập kỷ gần đây.
Việt Nam và Hàn Quốc đều là những quốc gia trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước. Vì thế, do nhiều nguyên nhân, cả tiếng Hàn và tiếng Việt đều sở hữu một số lượng khá lớn từ ngoại lai, đặc biệt là từ ngoại lai có nguồn gốc từ tiếng Anh. Là những sinh viên thuộc khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, nhận thấy tầm quan trọng của từ ngoại lai cũng như hiểu được những trở ngại trong quá trình học từ ngoại lai tiếng Hàn có nguồn gốc từ tiếng Anh của sinh viên, nhóm chúng tôi đã quyết định lựa chọn và thực hiện đề tài nghiên cứu về từ ngoại lai có nguồn gốc tiếng Anh trong tiếng Hàn và tiếng Việt.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
– Bài luận “Từ ngoại lai có nguồn gốc tiếng Anh trong tiếng Hàn”(1993) của Rod Tyson đã nghiên cứu cụ thể về nguồn gốc, đặc điểm của từ ngoại lai tiếng Anh trong tiếng Hàn cùng một số lĩnh vực mà việc sử dụng từ ngoại lai phổ biến.
– Trong luận văn “Nghiên cứu sự hình thành từ tiếng Hàn có yếu tố ngoại lai”(2008), Kang Natalia đã tập trung nghiên cứu các cách hình thành từ vựng tiếng Hàn với sự tham gia của các yếu tố ngoại lai.
– Trong luận văn “Nghiên cứu về từ ngoại lai có nguồn gốc tiếng Anh trong tiếng Hàn”(2009), Seong Hee Yu đã nghiên cứu từ ngoại lai trong tiếng Hàn có nguồn gốc tiếng Anh trên 3 khía cạnh âm vị học, hình thái học, ngữ nghĩa học.
– Nghiên cứu “Phương thức cấu tạo từ ngoại lai trong tiếng Hàn và hiện tượng biến đổi ngữ nghĩa”(2013) của Jung Ji Hye chủ yếu xoay quanh cách tạo lập từ ngoại lai trong tiếng Hàn, phân loại từ ngoại lai và các hiện tượng thay đổi ý nghĩa của từ ngoại lai.
– Bài viết “Nghiên cứu về tính hữu dụng của từ mượn để mở rộng từ vựng hiệu quả”(2014) của Hwang Eun Ha đã tập trung làm rõ việc học từ vựng tiếng Hàn thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Anh, từ đó rút ra kết luận về sự gia tăng
đáng kể về số lượng từ vựng có thể hiểu thông qua suy đoán từ vựng. – Trong cuốn “Dẫn luận ngôn ngữ học”(1998), Nguyễn Thiện Giáp đã tập trung đi sâu vào nghiên cứu về từ bản ngữ và từ ngoại lai trong tiếng Việt cùng những vấn đề trong việc sử dụng từ ngoại lai.
– Trong cuốn “Từ ngoại lai trong tiếng Việt”(2007), Nguyễn Văn Khang đã trình bày đặc điểm của các từ ngoại lai tiếng Anh được sử dụng trong tiếng Việt, từ ngoại lai với việc bảo vệ và phát triển tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay.
– Trong bài báo “Tiếng Việt trước sự thâm nhập của tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập và nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”(2022), Lương Bá Phương đã đặt vấn đề về việc tiếng Anh thâm nhập vào tiếng Việt như thế nào từ đó đề xuất phương án đa chiều để đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt.
Có thể nói, các nghiên cứu so sánh về từ ngoại lai có nguồn gốc tiếng Anh trong tiếng Hàn và tiếng Việt vẫn chưa có quá nhiều mà mới chỉ tập trung vào nghiên cứu từ ngoại lai của riêng mỗi nước. Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi sẽ so sánh về từ ngoại lai có nguồn gốc tiếng Anh của 2 nước Hàn Quốc và Việt Nam, đưa ra thực trạng sử dụng từ ngoại lai hiện nay, từ đó nêu đề xuất ứng dụng cho việc giảng dạy tiếng Hàn.
3. Ý nghĩa khoa học
Bài nghiên cứu này sẽ làm rõ những điểm đặc trưng của từ ngoại lai có nguồn gốc tiếng Anh trong cả tiếng Hàn và tiếng Việt. Bên cạnh đó, việc so sánh giữa từ ngoại lai có nguồn gốc từ tiếng Anh trong tiếng Hàn và tiếng Việt hướng tới mục đích tìm ra những điểm tương đồng cũng như khác biệt sẽ giúp người học có cái nhìn hệ thống, sâu sắc hơn, khắc phục được phần nào khó khăn của người học khi tiếp cận với nhóm từ ngoại lai này.
Chúng tôi hy vọng rằng bài nghiên cứu này sẽ trở thành một tư liệu tham khảo hữu ích trong việc giảng dạy và học tập tại trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN nói riêng, những người đang có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về ngôn ngữ Hàn Quốc cũng như các bạn sinh viên Việt Nam đã, đang và sẽ làm việc trong môi trường công sở Hàn Quốc nói chung.