Viết là một trong những kỹ năng ngôn ngữ quan trọng và là công cụ giao tiếp. Để viết tốt, người học không chỉ có một nền tảng ngôn ngữ vững chắc về các khía cạnh như ngữ pháp, từ vựng, cách diễn đạt, mà cần phải được thực hành thường xuyên, có cơ hội học được từ những lỗi sai của người khác để rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Tuy nhiên, việc học và giảng dạy về kỹ năng viết tiếng Anh tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Một mặt, người học không thành thạo với cách triển khai ý của mình bằng tiếng Anh, vẫn còn vướng mắc trong việc chuyển ý từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Anh, hay người học chỉ cảm thấy thích thú khi viết về những chủ đề thân quen, theo đúng sở thích của mình. Mặt khác, về phía giáo viên giảng dạy, họ thường chỉ tập trung vào việc xây dựng cho học sinh, sinh viên một cấu trúc, dàn ý bài viết có sẵn mà ít khi hướng dẫn người cách tư duy và triển khai ý. Điều này khiến học sinh, sinh viên bị máy móc trong việc viết tiếng Anh và khó có thể tự cải thiện được.
Trong việc giảng dạy kỹ năng viết tiếng Anh, cụ thể là tại trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, các giảng viên đã và đang đưa vào môn thực hành tiếng trong năm nhất và năm hai hoạt động “Peer check” – “Phản hồi bài viết từ bạn học” để sinh viên có thêm những hoạt động thực hành nhằm cải thiện kỹ năng viết tiếng Anh. Việc áp dụng hoạt động này trong quá trình giảng dạy kỹ năng viết nhằm giúp sinh viên có cơ hội được học hỏi và rút kinh nghiệm từ những bài viết của bạn học. Bởi lẽ việc nhìn nhận ra được lỗi sai hay những điểm nổi bật trong bài viết của bạn mình sẽ giúp sinh viên hiểu được bản chất và nhớ được lâu hơn.
Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng hoạt động “Phản hồi bài viết từ bạn học” chưa thật sự phát huy được tính hiệu quả mà nó vốn có. Nhiều sinh viên thực hiện hoạt động này chỉ mang tính chất đối phó, làm cho có bằng việc nhận xét bài viết của bạn học một cách chung chung, không có sự đầu tư trong khâu nhận xét. Mặt khác, sinh viên vẫn chưa hiểu được giá trị cốt lõi của việc nhận xét bài viết của bạn mình rằng là mình sẽ nhận xét bài viết của bạn dưới phương diện là người đọc, thay vì với vai trò là một giáo viên. Điều này khiến cho sinh viên cảm thấy lúng túng và chưa thực sự tự tin trong quá trình nhận xét bài viết của bạn học.
Chính vì vậy, nhóm chúng tôi thực hiện đề tài này với mục đích mong muốn góp phần cải thiện chất lượng và hiệu quả của hoạt động này đối với các khóa sinh viên sau này. Là những sinh viên đã được trải nghiệm và thực hành, nên chúng tôi phần nào hiểu được vấn đề mà sinh viên hiện nay đang mắc phải, hay cách thức mà nhiều sinh viên đang thực hiện là gì để từ đó có những giải pháp cải thiện và phát huy tối đa tính hiệu quả của hoạt động “Phản hồi bài viết từ bạn học” trong quá trình học các môn thực hành tiếng với kỹ năng viết tiếng Anh tại trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ý nghĩa khoa học
Những nghiên cứu mà chúng tôi đã phân tích ở trên đều chung một mục đích đó là đánh giá sự hiệu quả của phương pháp đánh giá bạn học trên các trường hợp khác nhau. Tuy nhiên các nhóm không đồng nhất, đồng thời đối tượng riêng biệt. Vì vậy, chúng tôi muốn thực hiện nghiên cứu để đánh giá mức độ hiệu quả của phương pháp này trong môn thực hành tiếng tại trường Đại học Ngoại ngữ, với các đối tượng sinh viên năm nhất và sinh viên năm hai.
Điểm mới của đề tài nghiên cứu so với các nghiên cứu trước đó là chúng tôi tiếp cận với vai trò là sinh viên đã có sự trải nghiệm với hoạt động “Phản hồi bài viết từ bạn học”. Do vậy, các khía cạnh sẽ được đánh giá và nhận xét một cách chân thực nhất, dưới góc nhìn từ hai phía là giảng viên và sinh viên. Vấn đề mà nhóm chúng tôi lựa chọn để nghiên cứu đó chính là tính hiệu quả của hoạt động “Peer check – Phản hồi bài viết từ bạn học” trong kỹ năng viết của môn thực hành tiếng dành cho sinh viên khoa Sư phạm Tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN.