Hằng ngày chúng ta phải giao tiếp với bạn bè, người thân, đồng nghiệp,… trong những hoàn cảnh và tình huống rất khác nhau, vì những mục đích cũng rất khác nhau (trao đổi thông tin, giải quyết vấn đề, thuyết phục…). Hiểu được tầm quan trọng của cách giao tiếp là một chuyện, nhưng làm thế nào để trở thành người giao tiếp hiệu quả lại là chuyện khác. Khó khăn lớn nhất khi giao tiếp đó là “rào cản ngôn ngữ”, không chỉ xảy ra giữa hai ngôn ngữ khác nhau mà ngay cả những người sử dụng cùng một ngôn ngữ cũng phải “vật lộn” trước phương ngữ (hay còn gọi là tiếng địa phương) của quốc gia mình. Chính sự đa dạng trong ngôn ngữ đã dẫn đến việc hình thành các dạng thức phương ngữ khác nhau, ở các địa phương khác nhau. Đó là lý do khiến tiếng nói của người dân ở các khu vực khác nhau có những điểm khác biệt. Nhóm đã chọn đề tài “Phương ngữ trong tiếng Hàn” để nghiên cứu xuất phát từ lý do rất đặc biệt đó là Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới chỉ có một dân tộc và sử dụng cùng một ngôn ngữ, chữ viết. Vậy nguyên nhân do đâu mà phương ngữ trong tiếng Hàn lại đa dạng như vậy? Những biểu hiện phương ngữ đó có khác gì nhiều so với quốc ngữ hay không? Bảo tồn phương ngữ như một nét đẹp văn hóa liệu có cần thiết?… Chắc chắn chúng ta sẽ bắt gặp phương ngữ tiếng Hàn đâu đó trong các tác phẩm văn học Hàn Quốc, trong các cuộc hội thoại với người địa phương. Chính vì lẽ đó, hiểu và nắm rõ được các khía cạnh của phương ngữ sẽ giúp ích rất nhiều cho đối tượng học tiếng Hàn trong học tập, nghiên cứu và công việc.
Mục đích của nghiên cứu này là đi sâu tìm hiểu phương ngữ của một số địa phương tại Hàn Quốc trên các phương diện như: ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng. Từ đây có thể làm khơi gợi sự tò mò khám phá của những người học tiếng Hàn hay những người đam mê tìm hiểu về Hàn Quốc.