1. Nhu cầu thực tiễn
Đề tài nghiên cứu về cấu tạo từ lóng tiếng Anh được thực hiện dựa trên những nhu cầu thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục và khoa học, đặc biệt là các ngành ngôn ngữ.
Về giáo dục, nghiên cứu tiếng lóng được sử dụng bởi sinh viên sẽ giúp cải tiến quy trình giảng dạy và học tập trong môi trường giáo dục. Bằng việc làm sáng tỏ những xu hướng, phong cách và văn hóa sử dụng ngôn ngữ của những người trẻ, bài nghiên cứu có thể hỗ trợ các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu trong việc hiểu và tương tác hiệu quả với sinh viên, qua đó cải thiện quy trình giảng dạy và học tập. Giảng viên có thể tích hợp việc sử dụng từ lóng để làm cho bài giảng sinh động, phong phú, đồng thời sinh viên cũng sẽ có cơ hội được nắm bắt ngôn ngữ thực tế và sử dụng phương thức giao tiếp hiệu quả hơn.
Về khoa học, bài nghiên cứu sẽ tạo ra nguồn tài liệu tham khảo dồi dào cho người đọc và người nghiên cứu. Thông qua việc nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng qua 5 phần, chúng tôi đưa ra một góc nhìn đa chiều giúp cho sinh viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là nhóm đối tượng học và nghiên cứu tiếng Anh có thể hiểu sâu hơn về chủ đề này.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
2.1. Đề tài nghiên cứu “Cấu tạo từ trong Tiếng Anh” của Ingo Plag (2002)
Nghiên cứu này tập trung vào việc nghiên cứu cấu trúc và sự hình thành của các từ trong tiếng Anh, đặc biệt là các quy trình được nghiên cứu trong hình thái phân từ (cắt ngắn hoặc kết hợp) và việc rút gọn. Các cơ chế ngôn ngữ này ban đầu được nhận định là khó để dự đoán vì thiếu tính chất thường xuyên, nhưng sau đó qua các phân loại và phân tích sâu hơn của Plag thì những hiện tượng từ này đã được tác giả hệ thống lại và có thể dự đoán được dựa trên phân loại mà Plag đã nêu.
2.2. Nghiên cứu về “Tiếng lóng” của Sheryllia (2019), Agha (2015) và Yanchung and Yanhong (2019)
Nghiên cứu này tập trung vào việc nghiên cứu sự hình thành của tiếng lóng, phạm vi sử dụng tiếng lóng. Các tác giả đã chỉ ra rằng tiếng lóng được hình thành bằng cách tạo ra những từ mới và chuẩn mực xã hội cụ thể chứ không chỉ đơn thuần là một tập hợp các từ với cách diễn đạt thường ngày, chúng vượt ngoài khuôn khổ của ngôn ngữ thông thường và được sử dụng với phạm vi cụ thể. Tuy nhiên, những lý do sử dụng tiếng lóng thay vì sử dụng ngôn ngữ thông thường chưa được làm rõ trong các bài nghiên cứu trước kia. Bởi vậy, quy tắc cấu tạo nên một từ của tiếng lóng và lý do người dùng sử dụng chúng sẽ được nêu bật trong bài nghiên cứu này.
2.3. Sách “Tiếng Anh: Từ âm thanh đến ngữ nghĩa” của Delahunty và Garvey (2010)
Trong cuốn sách này, tác giả Delahunty và Garvey đã chia quy trình cấu tạo từ thành 4 dạng, trong đó chỉ ra 04 nhóm cấu tạo từ bao gồm từ mới (coinage); từ chuyển đổi (conversion); từ viết tắt chữ cái đầu (acronym) và từ mượn (borrowing). Đây là tài liệu tiền đề cho quá trình tìm kiếm và chọn lọc đề tài, khoanh vùng đối tượng và phân tích. Tuy nhiên, các dạng cấu tạo từ mà Delahunty và Garvey chỉ ra mới đang là 1 phần trong tổng số các dạng cấu tạo nên từ mới mà chúng tôi đã thu thập được từ các nghiên cứu khác.
2.4. Đề tài nghiên cứu về “Quy trình cấu tạo từ tiếng lóng tiếng Anh trong từ điển Oxford” của tác giả Ratih, E., & Gusdian, R. I. (2018)
Nghiên cứu này tập trung vào việc phân tích các quy trình hình thành từ vựng mới trong tiếng Anh, đặc biệt là việc tạo ra các từ mới được thêm vào từ điển Oxford. Trong nghiên cứu của mình, tác giả chỉ ra một số phương pháp cấu thành một từ vựng tiếng Anh mới, ví dụ như thêm hậu tố, tiền tố, tạo ra từ đồng nghĩa bằng cách thay đổi hình thức hoặc ý nghĩa của từ đã tồn tại, và các quy trình khác liên quan đến việc sáng tạo và mở rộng ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Anh. Cũng theo Ratih (2018), quy trình cấu tạo từ được chia thành 04 nhóm, kể tên như sau: từ ghép (compounding); từ viết tắt (abbreviation); từ trộn (blending) và phụ tố (af ixation). Đề tài này là một nguồn tài liệu đáng tin cậy khi cung cấp cho người đọc một cái nhìn toàn diện, trực quan hơn về cách mà ngôn ngữ tiếng Anh phát triển và mở rộng theo thời gian, thông qua việc hình thành từ mới. Đề tài nghiên cứu trên của Ratih và đồng tác giả đã giúp nhóm nghiên cứu hiểu rõ hơn về cách mà ngôn ngữ phản ánh lại các xu hướng xã hội, văn hóa và công nghệ trong xã hội hiện đại.
2.5. Bài báo khoa học “Một nghiên cứu ngôn ngữ xã hội về tiếng lóng tiếng Anh Mỹ” của tác giả Zhou, Y., & Fan, Y. (2013).
Đây là một đề tài nghiên cứu của tác giả Zhou, Y,. & Fan, Y. được đăng tải trên tạp chí khoa học “Theory and Practice in Language Studies” (2013). Bài báo này tập trung đi sâu vào nghiên cứu các yếu tố xã hội và văn hóa đứng sau sự phát triển của từ lóng tiếng Anh Mỹ, bao gồm cả nguồn gốc, tiến trình phát triển cũng như vai trò của ngôn ngữ mới này đối với một nhóm người nhất định trong xã hội. Thông qua bài báo, người đọc có được cái nhìn sâu sắc hơn về tiếng Anh lóng cũng như cách thức mà ngôn ngữ phản ánh và tương tác với yếu tố xã hội, văn hóa và lịch sử. Trong suốt bài nghiên cứu của mình, Zhou và Fan cũng chỉ ra lý do tại sao từ lóng xuất hiện, phát triển và trở thành một phần quan trọng của ngôn ngữ hàng ngày, đồng thời cũng đưa ra những phân tích về vai trò và ý nghĩa của từ lóng trong các cộng đồng ngôn ngữ.
Bài báo khoa học này có thể được coi là một công cụ tham khảo hữu ích cho nhóm nghiên cứu chúng tôi trong quá trình tìm hiểu cặn kẽ về nền văn hóa của các nước nói tiếng Anh cũng như ngôn ngữ hàng ngày của họ, để từ đó đi sâu hơn vào các vấn đề mà ngôn ngữ phản ánh và thể hiện các giá trị, quan điểm và sự thay đổi trong xã hội ngày nay.
2.6. Nghiên cứu “Quá trình hình thành các từ lóng trong bài hát “Dat Stick” của Rich Brian” của Teo Mujibul Hidayat (2020)
Ở khung lý thuyết của nghiên cứu này, tác giả đã phân tích 10 dạng cấu tạo từ mới trong tiếng Anh, đồng thời chỉ ra mối liên kết giữa quá trình hình thành từ mới và từ lóng trong cuộc sống. Tác giả đã chỉ ra 5 dạng hình thành từ cốt lõi tạo nên từ lóng tiếng Anh. Qua kết luận đó, chúng tôi có cơ sở để tiến hành thực hiện phân loại các từ lóng mà phạm vi đối tượng của bài nghiên cứu chúng tôi thực hiện. Đề tài trên đã cung cấp cách thức phân tích chi tiết hiện tượng từ lóng được sử dụng, là tài liệu tham khảo về cách trình bày đề tài cho chúng tôi.
Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu của đề tài này là bài hát, khác với phạm vi nghiên cứu của chúng tôi là thông qua phương thức giao tiếp trên mạng xã hội, vậy nên cũng có nhiều điểm khác nhau giữa hình thái và ý đồ của tác giả khi sử dụng từ lóng. Điều này đã khiến chúng tôi gặp trở ngại để xác định đúng đắn nét nghĩa của các từ lóng được sử dụng.
2.7. Nghiên cứu “Tiếng lóng: tốt hay xấu? Sử dụng tiếng lóng trên mạng Internet vào các quảng cáo mang tính thuyết phục” của Shixiong Liu, Dan-Yang Gui, Yafei Zuo, Yu Dai (2019)
Trong bài nghiên cứu này, tác giả đi sâu vào tìm hiểu tác động của việc sử dụng các từ lóng thông dụng trên mạng Internet vào các quảng cáo có làm gia tăng nhu cầu mua sắm của khách hàng hay không. Tác giả đã thử nghiệm bằng nhiều cách khác nhau như phỏng vấn khách hàng, thu thập ý kiến từ những người tham gia ở trường Đại học Shenzhen, Trung Quốc và đo lường thái độ của họ cũng như nhu cầu mua sắm sau đó đối với các quảng cáo lồng ghép các từ lóng thông dụng trên mạng Internet và các quảng cáo sử dụng ngôn ngữ thông thường. Kết quả của bài nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng từ lóng phổ biến trên mạng có giúp tăng độ nhận diện cho nhãn hàng với khách hàng, đồng thời giúp khách hàng hiểu hơn về sự sáng tạo trong việc dùng từ ngữ. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu cũng cho thấy đối với một số mặt hàng đặc thù như đồ xa xỉ, việc sử dụng từ lóng trong quảng cáo là không cần thiết và các nhãn hàng nên cân nhắc sử dụng từ lóng một khi họ đã xác định được phương thức quảng cáo cho sản phẩm của mình.
Tuy nghiên cứu này cũng tìm hiểu về từ lóng trên không gian mạng, mục đích bài viết nghiêng về phục vụ cho lĩnh vực quảng cáo, không thực sự liên quan đến mục đích nghiên cứu của nhóm chúng tôi, nhưng cũng có thể coi là một nguồn tham khảo cho tìm hiểu thái độ của người dùng khi tiếp xúc với các từ lóng xuất hiện trên Internet.
3. Ý nghĩa khoa học
Bài nghiên cứu được thực hiện với mong muốn góp phần mang lại nhiều ý nghĩa khoa học không chỉ đối với sinh viên ngành ngôn ngữ mà còn đối với những người có sứ mệnh nghiên cứu và phát triển ngành ngôn ngữ. Bằng việc thực hiện nghiên cứu về tiếng lóng tiếng Anh, nhóm nghiên cứu có cơ hội được tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về cấu trúc ngôn ngữ và cách thức hoạt động của ngôn ngữ trong đời sống hàng ngày, từ việc sử dụng từ ngữ đến cách mà người sử dụng ngôn ngữ tương tác với nhau.
Hơn nữa, bài nghiên cứu của chúng tôi cũng mong muốn được đóng góp như một phần ghi chép lại những biến thể ngôn ngữ đặc biệt của một nhóm đối tượng trong xã hội (sinh viên – là những người trẻ, có nhiều sự tiếp xúc với các yếu tố ngoại lai). Điều này có thể góp phần làm cho kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa xã hội không bị thoái lui theo thời gian.
Cuối cùng, chúng tôi hi vọng bài nghiên cứu này có thể sẽ phát hiện ra những xu hướng biến đổi của ngôn ngữ theo thời gian. Từ đó, bài viết có thể cung cấp những thông tin quan trọng cho các nhà ngôn ngữ học, các cá nhân có nhu cầu tìm hiểu về ngôn ngữ học để có thể có một cái nhìn toàn diện, tổng quan hơn về sự phát triển của ngôn ngữ hoặc thậm chí ứng dụng vào một số lĩnh vực khác nhau như giáo dục, truyền thông, …