Nghiên cứu từ chỉ màu đen trong tiếng Trung (So sánh với các thành ngữ, tục ngữ, ca dao tiếng Việt)

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

1. Nhu cầu thực tiễn 

Thành ngữ là một đơn vị ngôn ngữ đặc biệt, là tinh hoa của ngôn ngữ. Thành ngữ chứa đựng nhiều ý nghĩa về cả mặt ngôn ngữ và văn hóa, đóng vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần, hình thành nội hàm ngôn ngữ, văn hóa sâu đậm và chứa đựng bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Vì vậy, hướng đi đúng đắn, cần thiết và hiệu quả trong nghiên cứu thành ngữ là kết hợp các yếu tố ngôn ngữ và văn hóa. 

Bên cạnh đó, màu sắc luôn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người, không chỉ trong đời sống hàng ngày mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa và ngôn ngữ. Mỗi dân tộc trên thế giới tri nhận và chia cắt thế giới khách quan theo một cách riêng, vì vậy cũng cảm nhận màu sắc trong tự nhiên và đánh dấu cho chúng bằng một hệ thống chỉ màu sắc riêng biệt. 

Trong đó, màu đen một trong các màu cơ bản và mang ý nghĩa phong phú. Từ chỉ màu đen trong tiếng Hán không chỉ có từ 黑, đồng thời từ chỉ màu đen trong thành ngữ không chỉ mang ý nghĩa chỉ màu sắc mà còn mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ đa dạng và phong phú. 

Từ sự đa dạng của từ chỉ màu đen và sự phong phú về ngữ nghĩa của từ chỉ màu đen trong thành ngữ tiếng Trung, cũng như thấy được những điểm tương đồng và khác biệt trong văn hóa 2 nước Trung Quốc và Việt Nam ảnh hưởng đến ngữ nghĩa của từ màu đen, nhóm tác giả quyết định chọn đề tài: Nghiên cứu từ chỉ màu đen trong tiếng Trung (So sánh với các thành ngữ, tục ngữ, ca dao tiếng Việt). 

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan 

2.1. Nghiên cứu từ chỉ màu sắc 

2.1.1. Nghiên cứu từ chỉ màu sắc tại Việt Nam 

Lê Thị Vy với đề tài “Vài nét đặc trưng văn hóa dân tộc thể hiện qua các từ chỉ màu sắc” (Ngôn ngữ và Đời sống, số 6, 2006), từ việc khẳng định từ vựng của một ngôn ngữ là nơi bộc lộ rõ nét nhất bản sắc văn hóa dân tộc, tác giả đã bước đầu chứng minh đặc trưng văn hóa dân tộc được thể hiện rõ nét trong việc chọn ý nghĩa biểu trưng của màu sắc trong từng nền văn hóa. Từ đó tác giả nêu lên mối quan hệ giữa ngôn ngữ và thực tại khách quan, ngôn ngữ và văn hóa. 

Hà Thị Thu Hoài với đề tài “Từ chỉ màu sắc để miêu tả thiên nhiên trong tác phẩm Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài” ( Ngôn ngữ và Đời sống, số 8, 2006), tác giả bài viết đã phân tích nét đặc sắc sáng tạo trong việc tạo ra nhiều sắc độ của màu trắng, đỏ, vàng trên những trang văn Tô Hoài. 

Trong bài luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học “Tính biểu trưng của từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt (dựa trên ngữ liệu là những văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ văn chương)” (2009) tác giả Trịnh Thị Minh Hương đã nêu bật được ý nghĩa biểu trưng của từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt.

Trong “Ý nghĩa biểu trưng của tính từ chỉ màu sắc cơ bản nhất trong Tiếng Việt và Tiếng Hán” (2010), tác giả Mông Lâm đã phân tích và so sánh ý nghĩa biểu trưng của những tính từ chỉ màu sắc cơ bản nhất (xanh lá cây, trắng, đỏ, đen, vàng). Qua đó, tác giả cho rằng, những tính từ chỉ màu sắc nói riêng, và từ vựng tiếng Việt và tiếng Trung nói chung, đã thể hiện rõ ràng đặc trưng văn hóa của hai nước Trung – Việt, và ngược lại, chính nền văn hóa phong phú của hai nước lại tác động lớn đến từ vựng tiếng Việt và tiếng Trung, làm cho ý nghĩa biểu trưng của những tính từ chỉ màu sắc ngày càng phong phú và đa dạng hơn. 

2.1.2. Nghiên cứu từ chỉ màu sắc tại Trung Quốc 

夏俐萍的《汉语方言颜色词构词初探》(2007) thảo luận về Cấu tạo và cơ sở lý luận của các từ màu sắc trong phương ngữ Trung Quốc từ nhiều góc độ dựa trên lý thuyết từ màu sắc cơ bản và nhận thức của con người về thế giới tự nhiên có một tầm quan trọng ảnh hưởng đến cấu tạo từ chỉ màu sắc trong phương ngữ tiếng Hán. 潘峰的《现代汉语基本颜色词素仿词造词法探微》tóm tắt bốn phương pháp tạo từ của các từ màu sắc hiện đại trong tiếng Trung Quốc. Tác giả tin rằng các phương pháp tạo từ này có sự giao thoa hoặc lặp lại, có tính bắc cầu cao, và thường tạo thành một chuỗi từ hoặc họ từ. Ngoài ra 潘峰的《现代汉语颜色词语义研究》nghiên cứu các từ màu sắc tiếng Trung hiện đại dựa trên các lý thuyết tiên tiến và kết quả nghiên cứu về vật lý, tâm lý học và các ngành khác, đồng thời bài viết thảo luận một cách toàn diện về nghĩa gốc của từ, ý nghĩa hình thái, ý nghĩa tu từ của các từ màu sắc trong ngôn ngữ tiếng Trung hiện đại. 

Bài nghiên cứu 《汉语颜色词“黑”的使用及其文化内涵》của 杨丽娜 và 赵东 月 nghiên cứu về từ chỉ màu đen trong tiếng Trung trên các phương diện cách sử dụng trong chữ Hán, nghĩa của từ, đặc điểm ngữ nghĩa và trường ngữ nghĩa. Bài nghiên cứu này không chỉ cho thấy sự thay đổi ý nghĩa của “đen” trong quá trình tiến hóa ngôn ngữ và vai trò của nó trong tiếng Trung mà còn cho thấy những đặc điểm riêng biệt của nó trong quá trình tiến hóa và phát triển của ngôn ngữ xã hội. Bài nghiên cứu này vô cùng chi tiết và đầy tính chuyên môn, nhưng cũng chỉ tập trung vào họ từ chỉ màu đen 黑, vậy nên chúng tôi quyết định sẽ nghiên cứu thêm về những từ cũng chỉ màu đen khác. 

Trong bài nghiên cứu 《从原型理论看“黑色”在英汉文化中的语义对比》 (2016) 彭舒舒 khẳng định: Các giác quan giống nhau của chúng ta chứng minh rằng chúng ta có sự hiểu biết giống nhau hoặc tương tự về cùng một sự vật, những chủng tộc, lịch sử, thẩm mỹ, hệ thống giá trị và nền tảng văn hóa khác nhau tạo ra các ngôn ngữ khác nhau. Việc so sánh ý nghĩa của từ chỉ màu sắc 黑 trong tiếng Anh và tiếng Trung trong bài viết đã khẳng định quan điểm này. Thông qua phân tích so sánh, những điểm tương đồng và khác biệt về ý nghĩa của từ 黑 trong tiếng Anh và tiếng Trung được trình bày. Phân tích sự tương đồng và khác biệt sẽ giúp chúng ta tháo gỡ một số trở ngại trong giao tiếp xuyên văn hóa, giúp những người có ngôn ngữ và nền

văn hóa khác nhau có thể giao tiếp một cách suôn sẻ, đồng thời mang lại nguồn cảm hứng cho nghiên cứu và giảng dạy. 

Trong 《颜色词“黑”的语义研究》 tác giả 周美玲 thực hiện phân tích ngữ nghĩa của từ “黑” trong tiếng Trung, từ đó khám phá đặc điểm ngữ nghĩa của nó, tìm ra các ý nghĩa mở rộng của từ “黑” trong tiếng Trung. 

2.2. Nghiên cứu thành ngữ chứa từ chỉ màu sắc 

2.2.1. Nghiên cứu thành ngữ chứa từ chỉ màu sắc tại Việt Nam 

Trong bài nghiên cứu “Đặc trưng ngôn ngữ – văn hóa Việt qua thành ngữ, tục ngữ có từ chỉ màu sắc (so sánh với tiếng Anh)” (2012), tác giả Trương Thị Sương Mai, đã phân tích đặc trưng ngôn ngữ – văn hoá trong thành ngữ, tục ngữ có từ chỉ màu sắc trong tiếng Việt và tiếng Anh, đồng thời cũng phân tích những ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa, lịch sử, địa lý, tâm lý, xã hội,… đối với các thành ngữ, tục ngữ có từ chỉ màu sắc trong tiếng Việt và tiếng Anh. 

Ngô Thị Khánh Ngọc với hai đề tài “Phân tích đối chiều ý nghĩa ẩn dụ của các từ ngữ chỉ màu sắc trong các thành ngữ tiếng Anh và tiếng Việt” và “Đối chiều ý nghĩa hàm ngôn của các từ ngữ chỉ màu sắc trong thành ngữ tiếng Anh và tiếng Việt” (2015) tập trung nghiên cứu về ý nghĩa ẩn dụ và ý nghĩa hàm ngôn của các từ ngữ chỉ màu sắc trong các thành ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, về mặt ngữ nghĩa, ngữ dụng và văn hoá; phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của các thành ngữ này, cũng như những đặc điểm đối chiếu giữa hai ngôn ngữ. 

Tạp chí Nhân lực Khoa học Xã hội, tác giả Lê Phương Thảo với bài viết “Đối chiếu ngữ nghĩa của thành ngữ có chứa từ chỉ màu ‘trắng’ và ‘đen’ trong tiếng Anh và tiếng Việt” (2018) đã phân tích và đối chiếu ngữ nghĩa của 40 thành ngữ có chứa từ chỉ màu trắng và đen trong tiếng Anh và tiếng Việt; chỉ ra những điểm giống và khác nhau về ngữ nghĩa giữa các thành ngữ trong hai ngôn ngữ, cũng như những yếu tố văn hoá, tâm lý, xã hội, lịch sử, tôn giáo,… ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của các thành ngữ này. 

2.2.2. Nghiên cứu thành ngữ chứa từ chỉ màu sắc tại Trung Quốc

Trong bài nghiên cứu 《汉、越语成语中的基本颜色词对比研究》 (2019), tác giả 范氏秋贤 nghiên cứu về chức năng của màu sắc trong thành ngữ trong ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Trung, tập trung nghiên cứu những điểm tương đồng cũng như khác biệt về nguồn gốc, kết cấu, cách sử dụng và hàm ý văn hóa của các từ chỉ màu sắc cơ bản trong thành ngữ tiếng Trung và tiếng Việt. 

Trong《现代汉语含颜色词成语的文化内涵分析》 (2018), tác giả 杨翠兰 và 高雪菲 có nghiên cứu ý nghĩa văn hoá của thành ngữ tiếng Trung hiện đại có chứa từ chỉ màu sắc, tìm ra mối quan hệ giữa những thành ngữ chỉ màu sắc này với đời sống đời thường, truyền thống văn hoá, văn học nghệ thuật cũng như những nội hàm mà nó chứa đựng. 

Trong《成语颜色词研究》 (2010) tác giả 范诗言 đi nghiên cứu các thành ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Trung, từ đó đi tìm mối quan hệ đan xen của các cảm giác sinh

lý, liên tưởng tâm lý và nhiều hàm ý văn hóa xã hội do màu sắc gây ra, từ đó tìm ra các ý nghĩa và nội hàm phong phú của từ chỉ màu sắc. 

3. Ý nghĩa khoa học 

Trong các bài nghiên cứu trên, tác giả vẫn chưa chỉ ra và phân tích các từ mang nghĩa chỉ màu sắc khác ngoài các từ thông dụng như 白、黑、红、绿. Trong bài nghiên cứu này, ngoài từ 黑, nhóm tác giả đã tìm ra 59 từ dùng để chỉ màu đen và phân tích các thành ngữ chứa các từ chỉ màu đen: 乌 (wū)、缁 (zī)、 皂 (zào). Ngoài ra, nhóm tác giả sẽ tiến hành phân loại các thành ngữ có chứa từ chỉ màu đen theo ý nghĩa ẩn dụ, phân tích cấu trúc, ngữ nghĩa của các thành ngữ.