Nghiên cứu nhu cầu bảo vệ tiếng Nùng trong một bộ phận giới trẻ ở Lạng Sơn

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Ngôn ngữ là một đặc trưng quan trọng để phân định các dân tộc, đồng thời là một thành tố trong văn hóa tộc người. Ngôn ngữ là một cấu phần của văn hóa, ngôn ngữ truyền tải văn hóa, các loại hình văn hóa nghệ thuật, những giá trị, những nét đặc thù văn hóa được thể hiện thông qua ngôn ngữ và bằng ngôn ngữ. Bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số là gìn giữ kho báu vô giá của văn hóa các dân tộc thiểu số, của quốc gia, và cũng là giữ gìn di sản của văn hóa nhân loại. Trong một quốc gia đa dân tộc như Việt Nam (54 dân tộc), vấn đề ngôn ngữ các dân tộc thiểu số cần được đặc biệt quan tâm. Yêu cầu đặt ra là cần bảo tồn và phát triển tiếng mẹ đẻ của mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số nhưng vẫn nắm vững cả tiếng Việt – tiếng phổ thông, để hòa vào nhịp phát triển chung thống nhất toàn quốc về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục…Trong đó, giới trẻ là đặc biệt quan trọng trong công cuộc bảo vệ tương lai của các ngôn ngữ người dân các dân tộc thiểu số, vậy họ có nhận thức thế nào về vấn đề này?

Đặc điểm cảnh huống ngôn ngữ hay trạng thái đa ngữ được gặp ở hầu hết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đây được xem như cơ sở để hoạch định một chính sách ngôn ngữ thích hợp, khả thi trong hoàn cảnh cụ thể ở nước ta. Vì vậy, nghiên cứu tình hình sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ các dân tộc thiểu số và tìm hiểu về nhu cầu của giới trẻ là một việc làm thiết thực và ý nghĩa. Dân tộc Nùng có tỷ lệ 42,9% dân số tỉnh Lạng Sơn, là dân tộc có tỷ lệ cao nhất, sinh sống khắp tỉnh. Hữu Lũng là huyện của ngõ phía nam của tỉnh Lạng Sơn, toàn huyện có 25 xã và 1 thị trấn với 213 thôn, khu phố, trong đó có 8 xã vùng III và 35 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II. Dân số hơn 120.000 người, có 07 dân tộc, gồm dân tộc Nùng chiếm 51,6%, Kinh 38,4%, Tày 7,6%, Cao Lan 1,27%; Dao 0,54%; Hoa 0,11%, các dân tộc khác là 0,48%. Những năm qua đồng bào các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết, gắn bó tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế xãhội tại địa phương. Sinh ra và lớn lên tại huyện Hữu Lũng, cũng như là một người Nùng đã sinh sống và học tập ở Hữu Lũng, tự cảm thấy bản thân dần mất đi tiếng nói của dân tộc mình. Bài không chỉ tạo điều kiện để tác giả đề tài này làm quen với các phương pháp nghiên cứu khoa học, nâng cao khả năng tự học và nghiên cứu khoa học, mà còn thực sự mong muốn, qua đề tài này, góp phần nhỏ nâng cao khả năng nhận thức về ngôn ngữ dân tộc thiểu số của giới trẻ nước nhà. Từ những lí do trên, “Giới trẻ có nhu cầu bảo vệ tiếng Nùng không?” đã được tác giả chọn làm hướng nghiên cứu khoa học trong môn này.