Nghiên cứu khó khăn của sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Hàn trong việc nghe hiểu phương ngữ Jeolla thông qua trích đoạn bộ phim Tài xế Taxi

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Hiện nay quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, đồng nghĩa với đó các vùng miền trên thế giới có thể dễ dàng giao lưu về kinh tế, văn hóa,…Trong đó Việt Nam và Hàn Quốc kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, hai nước đã luôn có mối quan hệ hợp tác hữu hảo trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt năm 2022 hai nước đã nâng cấp quan hệ lên “Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện”. Sự kiện này đã đánh dấu bước phát triển mạnh của quan hệ giữa 2 quốc gia Châu Á. Theo đó giao lưu giữa nhân dân 2 nước cũng đang được đẩy mạnh, đặc biệt là công tác giáo dục tiếng Hàn tại Việt Nam. Tuy nhiên các giáo dục tiếng Hàn hiện tại chỉ tập trung vào việc giảng dạy tiếng Hàn theo phương ngữ Gyeonggido (còn được gọi là “phương ngữ Seoul” – được coi là “ngôn ngữ chuẩn” (표준어). Trong khi đó Hàn Quốc có tới 6 vùng phương ngữ (phương ngữ Đông Nam ( phương ngữ Gyeongsangdo), phương ngữ Tây Nam (phương ngữ Jeollado), phương ngữ Đông Bắc (phương ngữ Hamgyongdo), phương ngữ Tây Bắc (phương ngữ Pyeongando), phương ngữ Trung Bộ (phương ngữ Chungcheongdo, phương ngữ Gyeonggido, phương ngữ Gangwondo), phương ngữ Jejudo) và mỗi một vùng phương ngữ lại có những đặc điểm về từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm khác nhau thể hiện văn hóa, đặc điểm của vùng đó. Vì thế ngoài việc tiếp thu ngôn ngữ chuẩn, việc nghiên cứu về các vùng ngôn ngữ khác của Hàn Quốc sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về từng vùng miền và có cái nhìn sâu sắc, đa dạng hơn về tiếng Hàn. Ngoài ra việc nghiên cứu về phương ngữ cũng giúp ích cho việc giao lưu, kết nối giữa các vùng miền của Việt Nam và Hàn Quốc. Đặc biệt đối với du học sinh, người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc việc nghiên cứu, tìm hiểu về phương ngữ của vùng miền mà bản thân sẽ học tập, làm việc sẽ giúp cho việc hòa nhập, giao tiếp, sinh hoạt diễn ra suôn sẻ hơn.