1. Nhu cầu thực tiễn
Với sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa và sự giao thoa văn hóa, các nghiên cứu ngôn ngữ học và ngữ dụng học giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong bối cảnh quan hệ ngoại giao tích cực đã trở thành một chủ đề chính được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học khai thác trong những năm gần đây. Hiểu được sự tinh tế và đặc trưng của ngôn ngữ và phong cách giao tiếp là điều quan trọng để giao tiếp hiệu quả xuyên văn hóa và duy trì mối quan hệ tích cực giữa các quốc gia. Các nghiên cứu trước đây tập trung nhiều về nghiên cứu ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp mà chưa có nhiều nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực ngữ dụng học. Một khía cạnh quan trọng của giao tiếp là nghiên cứu về hành vi ngôn ngữ, bao gồm các loại hành vi ngôn ngữ khác nhau mà người nói thực hiện để truyền tải ý định của mình và tương tác với người khác.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng hành vi ngôn ngữ là những hành động được thực hiện thông qua ngôn ngữ, nơi người nói có ý định đạt được một mục tiêu giao tiếp cụ thể. Những hành động này có thể được phân loại thành các nhóm khác nhau, chẳng hạn như yêu cầu, xin lỗi, khen ngợi và từ chối.
Việc nghiên cứu các hành vi từ chối gián tiếp đặc biệt có ý nghĩa trong văn hóa Hàn Quốc, nơi nhấn mạnh việc duy trì sự hòa hợp, thứ bậc và mối quan hệ xã hội. Với sự gia tăng phổ biến của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc như “Hậu duệ mặt trời” và “Hạ cánh nơi anh”, những sắc thái và đặc điểm văn hóa này đang được phơi bày rộng rãi đến nhiều khán giả, bao gồm cả khán giả Việt Nam. Trong thời đại quan hệ Việt-Hàn đang phát triển, với số lượng ngày càng tăng của người Việt học tiếng Hàn và người Hàn học tiếng Việt, việc hiểu biết những sắc thái này ngày càng trở nên quan trọng.
Nghiên cứu trong lĩnh vực này không chỉ đóng góp kiến thức cho tài liệu học thuật mà còn hỗ trợ phát triển các chiến lược giao tiếp hiệu quả hơn, thúc đẩy hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn hóa. Việc nghiên cứu các hành vi từ chối gián tiếp thông qua lăng kính của phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là các bộ phim truyền hình như “Hậu duệ mặt trời”, cung cấp một bối cảnh giao tiếp thực tế của người bản ngữ và là điểm khởi đầu cho hành trình khám phá này.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
Nghiên cứu hành động từ chối đã được thực hiện khá nhiều ở những nước trên thế giới. Becbe, Takahashi, và Uliss (1990) đã đưa ra các công thức ngữ nghĩa (semantic formula) để cấu tạo nên hành động từ chối. Nhận thức được tính quan trọng của hành động từ chối trong giáo dục tiếng Hàn, đến nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về hành động từ chối. Các nghiên cứu của Lee Hai-young (2003), Kim Hwa-jin (2005), Kim In-gyu (2012) về hành động từ chối như nghiên cứu về hành động từ chối của sinh viên Nhật Bản – đất nước thuộc cùng một nền văn hóa mang tính ngữ cảnh cao; nghiên cứu so sánh về hành động từ chối mang tính văn hóa giữa Hàn Quốc và Nhật Bản … những nghiên cứu này chỉ ra rằng có sự khác biệt trong các chiến lược từ chối và cách diễn đạt, tùy theo các yếu tố khác nhau, đặc biệt là khoảng cách xã hội, độ thân thiết giữa những người nói và các tình huống dẫn đến hành động từ chối này. Còn Kim Yu-hyang (2009) đã phân tích các chiến lược từ chối của người Trung Quốc học tiếng Hàn so sánh với chiến lược từ chối của người Hàn, kết quả cho thấy cả hai nhóm đều cố gắng giảm thiểu đe dọa thể diện của đối phương. Tuy nhiên, so với người Hàn, người Trung Quốc có xu hướng nêu ra ý kiến của mình và từ chối trực tiếp nhiều hơn. Các nghiên cứu về hành động từ chối với đối tượng là người học Việt Nam có thể kể đến Choi Yeon Seon (2015), Dương Thị Thanh Phương (2021). Choi Yeon Seon (2015) nghiên cứu các dạng thức chiến lược tử chối của cô dâu Việt Nam học tiếng Hàn. Kết quả nghiên cứu cho thấy người Hàn có xu hướng sử dụng phương thức từ chối giản tiếp nhiều hơn cô dâu Việt Nam. Người Hàn Quốc có xu hương sử dụng nhiều chiến lược từ chối hơn khi cảm thấy mức độ áp đặt lớn. Cả cô dâu Việt Nam và người Hàn Quốc đều sử dụng nhiều chiến lược trong mối quan hệ thân thiết hơn là mối quan hệ có khoảng cách xã hội. Dương Thị Thanh Phương (2021) nghiên cứu chiến lược từ chối và đề nghị của người Hàn Quốc và người Việt học tiếng Hàn trên quan điểm liên văn hóa và đưa ra phương án giáo dục để nâng cao năng lực ngữ dụng cho người Việt học
Các nghiên cứu trước đây về hành vi từ chối nói chung và từ chối gián tiếp nói riêng chưa có nhiều nghiên cứu so sánh đối chiếu với tiếng Việt, bên cạnh đó còn thiếu sự phân tích sâu về giao tiếp ngôn ngữ từ góc độ văn hóa và tương tác liên văn hóa. Nghiên cứu này nhằm lấp đầy khoảng trống đó bằng cách tập trung vào phân tích các hành vi từ chối gián tiếp phổ biến trong tiếng Hàn ở những bối cảnh cụ thể. Đồng thời, nghiên cứu sẽ làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt giữa tiếng Hàn và tiếng Việt về hình thức tổ chức và ý nghĩa ngữ dụng, cung cấp lời giải thích từ quan điểm ngôn ngữ và văn hóa.
3. Ý nghĩa khoa học
Về ý nghĩa lý luận, nghiên cứu góp phần làm rõ những tương đồng và khác biệt của cùng một hành vi từ chối gián tiếp trong tiếng Hàn – tiếng Việt ở cả hai mặt hình ở thức tổ chức và ngữ nghĩa ngữ dụng, bước đầu giải thích những tương đồng, khác biệt đó từ góc độ ngôn ngữ và văn hoá.
Về ý nghĩa thực tiễn, chúng tôi mong muốn góp phần nghiên cứu sâu hơn vềgiao tiếp ngôn ngữ dưới góc độ văn hoá và giao thoa văn hoá thuộc phạm vi hành vi từ chối gián tiếo. Những kết quả nghiên cứu sẽ có tác dụng tích cực trong việc dạy và học ngoại ngữ, đồng thời trong lĩnh vực dịch thuật, góp phần tăng sự hiểu biết về văn hoá ngôn từ giữa tiếng Anh và tiếng Việt.