Ông bà ta thường nói: “Vợ chồng như đũa có đôi” để chỉ sự gắn bó keo sơn, dùng câu “Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi” để nhấn mạnh tầm quan trọng của cha hay “Đầu măng ngã gục vào tre, nương nhờ vào mẹ kẻo e bão gào” để khẳng định sự chở che của mẹ với con cái,… Kho tàng tục ngữ Việt Nam chứa đựng số lượng đồ sộ các câu nói vận dụng những hình ảnh ví von để đưa ra quan niệm về các mối quan hệ trong gia đình. Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị; về ngôn ngữ và văn hóa, cả hai nước có nhiều điểm gặp gỡ; tục ngữ tiếng Hán và tiếng Việt cũng vậy. Là công dân Việt Nam muốn tìm hiểu về văn hóa Trung Hoa, chúng tôi tự hỏi: khi nhắc đến các mối quan hệ trong gia đình, người Trung Quốc đã dùng những hình ảnh gì để ví von, liên tưởng? Có những điểm tương đồng và khác biệt nào trong nhận thức của người xưa về các mối quan hệ trong gia đình? Mặt khác, đề tài về đối chiếu tục ngữ ví von trong tiếng Hán và tiếng Việt vẫn chưa được nhiều học giả và nghiên cứu sinh khai thác. Đây chính là động lực thôi thúc chúng tôi tiến hành nghiên cứu này.