Nét văn hoá tương đồng và khác biệt trong đồ gốm của Hàn Quốc và Việt Nam thời kì hoàng kim

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

Kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, tình hữu nghị giữa hai nước ngày càng khăng khít, cùng nhau hợp tác, phát triển ở rất nhiều phương diện.Có thể nói rằng, làn sóng văn hóa Hàn Quốc đang là một hiện tượng đặc biệt, gây ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống văn hóa xã hội của Việt Nam. Ngày càng có nhiều người Việt Nam quan tâm và tìm hiểu về Hàn Quốc, đặc biệt ở lĩnh vực văn hóa. 

Văn hóa là phạm trù quan trọng giúp hiểu rõ tâm tư tình cảm, đặc tính dân tộc của một xã hội. Việc hiểu rõ các yếu tố này lại góp phần tăng cường sự thấu hiểu trong quá trình giao lưu, hợp tác giữa các quốc gia. Do vậy, nghiên cứu học thuật về lĩnh vực văn hóa luôn mang tính cần thiết ở mọi thời đại. Đặc biệt, các nghiên cứu so sánh đối chiếu văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam là xu hướng cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm tăng cường sự thấu hiểu và giúp làm bền chặt mối quan hệ giao lưu giữa hai dân tộc. 

Tuy nhiên, văn hóa là một phạm trù rộng lớn. Trong quá trình học tập và tiếp cận các kiến thức đa dạng về văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam, nhóm tác giả nhận thấy đồ gốm là một trong những nét văn hóa độc đáo của cả Hàn Quốc và Việt Nam. Có nguồn gốc từ thời kỳ đồ đá mới, đồ gốm đã trở thành một trong những phát minh lâu đời nhất của loài người. Đặc biệt, đồ gốm còn là sản phẩm của sự sáng tạo, tỉ mỉ, tài hoa của các nghệ nhân và là nơi để họ truyền tải những tư duy dân tộc, văn hóa đời sống sinh hoạt cùng nhiều thông điệp thời thế, xã hội. 

Nắm được tính cần thiết của nghiên cứu văn hóa nói chung và nghiên cứu văn hóa đồ gốm nói riêng, đồng thời xuất phát từ tình yêu sâu sắc với văn hóa gốm của hai dân tộc Hàn, Việt, nhóm tác giả quyết định lựa chọn đề tài:“Nét văn hóa tương đồng và khác biệt trong đồ gốm của Hàn Quốc và Việt Nam thời kì hoàng kim 

Ở Việt Nam cũng đã những bài nghiên cứu về gốm nhưng số lượng còn rất hạn chế và mới chỉ tập trung vào việc giới thiệu nguồn gốc ra đời, quá trình hình thành và phát triển của gốm. Hơn nữa các tài liệu về gốm của Việt Nam cũng không nhiều, và tài liệu về gốm của Hàn Quốc được dịch sang tiếng Việt cũng rất ít nên sự truyền tải kiến thức, thông tin về gốm không được lan rộng. 

Bài nghiên cứu này sẽ góp phần bổ sung hoàn thiện khung nội dung nghiên cứu về đồ gốm của Hàn Quốc và Việt Nam thông qua việc tập trung làm rõ các nét tương đồng và khác biệt trong văn hóa gốm của hai dân tộc ở thời kỳ rực rỡ nhất mà các nghiên cứu đi trước chưa bàn luận nhiều và sâu. Đồng thời cũng qua việc đi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và thực nghiệm tại làng gốm Bát Tràng và phỏng vấn những nghệ nhân làm gốm ở nơi đây, bài nghiên cứu này sẽ có cái nhìn chân thực và tinh tế nhất về sản phẩm gốm của Việt Nam.

Nghiên cứu này cũng góp phần cung cấp cho người đọc sự hiểu biết về những sản phẩm gốm nổi tiếng nhất của hai nước và quan trọng hơn là biết được những giá trị văn hóa được kết tinh trong sản phẩm độc đáo này. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng góp phần đóng góp vào công trình nghiên cứu khoa học nói chung và sẽ là nguồn tài liệu cơ sở hữu ích cho các nghiên cứu đi sau có cùng hướng quan tâm về chủ đề gốm của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.