Mối quan hệ giữa lòng tự trắc ẩn với bản thân và sự chấp nhận hình ảnh cơ thể của sinh viên trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

1. Nhu cầu thực tiễn 

Trong xã hội hiện đại, áp lực về ngoại hình và tiêu chuẩn sắc đẹp ngày càng trở nên khắt khe, đặc biệt là đối với giới trẻ. Sinh viên, một nhóm tuổi đầy nhạy cảm và đang trong quá trình hình thành bản sắc cá nhân, thường phải đối mặt với những yêu cầu xã hội về việc có một ngoại hình “chuẩn mực”. Những áp lực này có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm lý như lo âu, trầm cảm, và rối loạn ăn uống, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và kết quả học tập của họ. 

Trong bối cảnh này, các nghiên cứu về lòng tự trắc ẩn đã chỉ ra rằng những người có mức độ tự trắc ẩn cao thường có khả năng đối phó tốt hơn với các thách thức về tâm lý và xã hội, bao gồm việc chấp nhận hình ảnh cơ thể của mình. Lòng tự trắc ẩn đã được chứng minh là một yếu tố bảo vệ hiệu quả, giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực từ áp lực xã hội và cải thiện sự tự chấp nhận hình ảnh cơ thể, từ đó tăng cường sự tự tin và hài lòng với bản thân. 

Mặc dù lòng tự trắc ẩn đã được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, đặc biệt là trong nhóm sinh viên, vẫn còn ít nghiên cứu tập trung vào mối quan hệ giữa lòng tự trắc ẩn và sự chấp nhận hình ảnh cơ thể. Điều này làm cho việc nghiên cứu đề tài này trở nên cần thiết và cấp thiết để đóng góp vào sự hiểu biết chung và đưa ra các biện pháp can thiệp phù hợp. 

Do đó, việc nghiên cứu và phát hiện mối quan hệ giữa lòng tự trắc ẩn với bản thân và hình ảnh cơ thể của sinh viên trường ĐHNN – ĐHQGHN không chỉ mang lại cái nhìn sâu hơn về tâm trạng và cảm xúc của sinh viên mà còn đem đến những thông tin hữu ích để xây dựng các chương trình giáo dục, bổ trợ cho sinh viên, giúp họ tự tin hơn và có một tinh thần tích cực hơn trong học tập và làm việc. Từ những lý do nêu trên, chúng tôi lựa chọn và nghiên cứu đề tài: “Mối quan hệ giữa lòng tự trắc ẩn với bản thân và sự chấp nhận hình ảnh cơ thể của sinh viên trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội”

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan 

Lòng tự trắc ẩn (Self- compassion) được định nghĩa là khả năng đối xử với bản thân bằng sự tử tế, thấu hiểu, và chánh niệm trong những thời điểm khó khăn, thay vì tự chỉ trích hay cảm thấy cô độc (Neff, 2003). Sự chấp nhận hình ảnh cơ thể (Body Image Acceptance) phản ánh mức độ mà một người cảm thấy hài lòng, thoải mái và tự tin với cơ thể của mình, bao gồm cả sự nhận thức về vẻ bề ngoài và những đặc điểm thể chất (Cash & Pruzinsky, 2002). 

Các nghiên cứu trước đây đã làm rõ rằng lòng tự trắc ẩn có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu cảm giác tiêu cực liên quan đến hình ảnh cơ thể. Cụ thể, lòng tự trắc ẩn có thể giúp giảm bớt những cảm xúc như lo âu và xấu hổ về ngoại hình, đồng thời thúc đẩy sự hài lòng và chấp nhận cơ thể một cách tích cực hơn (Neff & Vonk, 2009; Sirois & Kitner, 2015). Những phát hiện này cho thấy rằng người có lòng tự trắc ẩn cao thường ít bị ảnh hưởng bởi những tiêu chuẩn ngoại hình khắt khe, từ đó giảm bớt áp lực và tăng cường sự tự chấp nhận về ngoại hình của họ (Neff, 2003; Cash, 2004). 

Mặc dù có nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên phạm vi quốc tế, nhưng vẫn chưa có đủ nghiên cứu đặc thù về cách lòng tự trắc ẩn ảnh hưởng đến sự chấp nhận hình ảnh cơ thể trong bối cảnh sinh viên đại học tại Việt Nam. Việc nghiên cứu mối quan hệ này trong môi trường đại học Việt Nam là cần thiết để hiểu rõ hơn về các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến nhận thức và thái độ của sinh viên đối với cơ thể mình. 

3. Ý nghĩa khoa học 

Đề tài “Mối quan hệ giữa lòng tự trắc ẩn và sự chấp nhận hình ảnh cơ thể của sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội” mang tính tiên phong khi khám phá một lĩnh vực còn ít được nghiên cứu trong bối cảnh giáo dục đại học tại Việt Nam. Các nghiên cứu quốc tế trước đây đã chỉ ra sự liên kết tích cực giữa lòng tự trắc ẩn và sự chấp nhận hình ảnh cơ thể. Tuy nhiên, việc áp dụng và tìm hiểu mối quan hệ này trong môi trường văn hóa và giáo dục đặc thù của Việt Nam là một bước tiến mới, đóng góp vào việc mở rộng kiến thức về sức khỏe tâm lý của sinh viên trong nước. 

Đề tài này không chỉ dựa vào các lý thuyết hiện đại về tâm lý học mà còn sử dụng các công cụ đo lường đã được kiểm chứng quốc tế như Self- Compassion Scale (SCS) và Body Image Acceptance and Action Questionnaire (BI – AAQ). Việc áp dụng những công cụ này trong nghiên cứu tại Việt Nam sẽ giúp kiểm tra tính chính xác và độ tin cậy của chúng trong ngữ cảnh địa phương. Đồng thời, nghiên cứu này cũng có thể cung cấp những dữ liệu so sánh hữu ích cho các nghiên cứu quốc tế về cùng lĩnh vực. 

Ngoài ra, kết quả của nghiên cứu còn có thể ứng dụng trong việc xây dựng các chương trình giáo dục và hỗ trợ tâm lý cho sinh viên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại các trường đại học. Việc phát triển lòng tự trắc ẩn được kỳ vọng sẽ là một công cụ hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức tích cực về bản thân và giảm thiểu các vấn đề tâm lý liên quan đến hình ảnh cơ thể. 

Tóm lại, đề tài này không chỉ góp phần vào việc làm sáng tỏ hơn về tâm lý sinh viên trong bối cảnh xã hội hiện đại mà còn mang lại những giá trị thực tiễn rõ ràng trong việc cải thiện sức khỏe tâm lý và đời sống xã hội trong môi trường giáo dục.