Văn học, với khả năng vẽ nên bức tranh sinh động và đa dạng về cuộc sống từ những nỗi đau thầm lặng đến những khát vọng tươi sáng– không chỉ đơn thuần cung cấp trải nghiệm mà còn dẫn dắt chúng ta vào hành trình khám phá những giá trị nhân văn sâu sắc, trong đó lòng từ bi nổi bật như một biểu hiện cao đẹp của nhân tính. Lòng từ bi, được chiết xuất từ trí tuệ Phật học, không chỉ là sự cảm thông với nỗi khổ đau mà còn là động lực nội tại thúc đẩy con người hướng tới hành động nhân văn, mong muốn xoa dịu nỗi đau cho kẻ khác. Lòng từ bi là giá trị cơ bản và nền tảng của đạo Phật (Đặng Thị Lan, 2006), không chỉ là một tri thức mà còn là cách thức mà con người xây dựng mối quan hệ, tạo nên sợi dây kết nối giữa các cá nhân trong xã hội. Qua những trang văn, tác phẩm văn học mời gọi chúng ta khám phá chiều sâu của sự tử tế, lòng tha thứ và tình yêu thương, khắc sâu vào tâm thức rằng trong bối cảnh một thế giới đầy biến động, lòng từ bi chính là nhân tố gắn kết những tâm hồn, đem lại ánh sáng và hy vọng cho những ai đang lạc lối.
Tình tiết câu chuyện (hay tình huống truyện) đóng vai trò quan trọng, là hạt nhân của cấu trúc thể loại (Phạm Nguyễn Mỹ Tiên, 2016). Vai trò này không chỉ nằm ở việc xây dựng một mạch truyện liền mạch mà còn giúp khắc họa sâu sắc bản chất của nhân vật và sự phát triển của cốt truyện. Tình tiết câu chuyện thường được hiểu là một trạng thái, hoàn cảnh có tính chất riêng được tạo nên bởi sự kiện đặc biệt, và những sự kiện này chính là những mảnh ghép tinh tế, góp phần làm nổi bật chiều sâu cảm xúc cũng như đặc điểm tính cách của các nhân vật. Vì thế khi lựa chọn được một tình huống đắc ý và đặc sắc thì xem như tác giả đã có được một bộ khung lí tưởng để từ đó triển khai toàn bộ tác phẩm. Nghệ thuật xây dựng tình tiết trong văn học không chỉ là một kỹ thuật đơn thuần mà còn là một nghệ thuật cao quý, thể hiện khả năng của tác giả trong việc tạo ra những tình huống có thể chạm đến trái tim và lý trí của người đọc, khơi dậy những suy tư và cảm xúc sâu xa, đồng thời phản ánh chân thực bản chất của con người trong bối cảnh xã hội mà họ đang sống.
“Tây Du Ký” là một trong những tác phẩm lớn của văn học cổ đại Trung Quốc, đã được chuyển thể thành phim và vượt ra khỏi bờ cõi đất nước, trở nên vô cùng quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả, khán giả trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tiểu thuyết “Tây Du Ký,” một tác phẩm lãng mạn trường thiên nổi tiếng, gồm 100 hồi, không chỉ là một kiệt tác văn học Trung Quốc mà còn đã được chuyển thể thành nhiều bộ phim đầy thành công, góp phần đưa nó trở thành một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tác phẩm xoay quanh cuộc hành trình của thầy trò Đường Tăng đến Tây Trúc để thỉnh kinh, từ đó khắc họa một bức tranh sinh động về các nhân vật mang đậm tính biểu tượng. Chính sự đa dạng và sâu sắc trong đặc tính các nhân vật không chỉ làm phong phú tác phẩm mà còn phản ánh chân thực các khía cạnh của con người, từ sự tu dưỡng tâm linh đến những yếu đuối thường tình, diễn giải các bài học cuộc sống trong hành trình tìm kiếm chân lý. Các chi tiết trong tiểu thuyết Tây Du Ký được Ngô Thừa Ân sắp xếp hợp tình hợp lý, phù hợp với cảm xúc, tình cảm của nhân vật, hơn nữa tác phẩm có thể coi là sự kết tinh của hoà hợp giữa Tôn giáo và Văn học.
Tại môi trường học tập của khoa NN&VH Trung Quốc, trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN- nơi đào tạo những sinh viên năng động, sáng tạo, có thể vận dụng ngoại ngữ chuyên ngành vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có văn học. Đáng tiếc rằng, hiện nay đa số sinh viên đã không còn quá chú trọng vào các nghiên cứu mang tính học thuật cao, chỉ tìm kiếm những thứ xa vời mà bỏ qua những giá trị căn bản mà những giá trị sâu sắc ấy đều xuất phát từ Văn học. Nhóm nghiên cứu lựa chọn nghiên cứu về lòng từ bi của Phật giáo trong tác phẩm Tây Du Ký, trong đó phát hiện hai điểm mới sâu sắc của nghiên cứu: Trong con người nhân vật Tôn Ngộ Không tồn tại lòng từ bi, vạn vật đều có thể được từ bi cảm hoá; thứ hai, nhìn nhận về sự mơ hồ trong ranh giới thiện- ác trong tác phẩm dưới góc nhìn Phật học và góc nhìn Văn học. Nhóm nghiên cứu hy vọng từ nghiên cứu này có thể cổ vũ tinh thần nghiên cứu về Văn học đối với sinh viên khoa NN&VH Trung Quốc.
Từ những vấn đề cấp thiết đặt ra đối với nghiên cứu về văn học nói chung, với tác phẩm Tây Du Ký nói riêng, nhóm chúng tôi lựa chọn đề tài “Lòng từ bi của Phật giáo trong nghệ thuật xây dựng tình tiết câu chuyện được sử dụng trong tác phẩm Tây Du Kỳ của Ngô Thừa Ân” để tiến hành nghiên cứu.