Thành viên nhóm nghiên cứu: Lã Hoàng Hà, Cao Đỗ Bảo Châu, Nguyễn Hoàng Khánh Chi, Bùi Việt Linh, Đỗ Kiều Oanh
Nghiên cứu đề cập đến sự giao tiếp giữa người từ nền văn hóa khác nhau. Khi 2 người từ 2 nền văn hóa khác nhau giao tiếp, có khả năng xảy ra hiểu lầm bởi họ là những người xuất phát từ bối cảnh văn hóa khác nhau. Người học tiếng Nhật đến từ nước có nền văn hóa khác Nhật Bản khi giao tiếp cũng có khả năng sẽ có những hiểu nhầm như vậy. Người nước ngoài nói chung và người nước ngoài sống tại Nhật, sinh viên nước ngoài học tiếng Nhật nói riêng gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng tiếng Nhật và cảm thấy khó có thể hiểu hoàn toàn lời người Nhật nói do việc sử dụng hành vi nói gián tiếp mang nhiều nghĩa của người Nhật bản xứ (“Tatemae”).
Nghiên cứu đã trình bày rõ khái niệm “Honne” và “Tatemae” trong đó: “Honne” là cảm xúc thật của một người, “Tatemae” là hành vi thông thường được thực hiện nhằm che dấu những cảm xúc đó. Khái niệm “Honne” và “Tatemae” có mối liên quan mật thiết đến khái niệm “Uchi” và “Soto”. “Uchi” có nghĩa là bên trong, cá nhân, đề cập đến gia đình, trường học hoặc công ty nơi một người cư trú, học tập, làm việc tại đó. Khái niệm “Soto” có nghĩa là bên ngoài, cái chung, thông thường, đề cập đến môi trường bên ngoài đối với một người. Khi đối diện với những người thuộc “Soto”, người Nhật sẽ sử dụng lối nói lịch sự hơn, tế nhị hơn, hay nói cách khác, sử dụng “Tatemae”. Kết quả của nghiên cứu cho thấy người bản ngữ có xu hướng thể hiện kiểu từ chối gián tiếp đối với “Tatemae”. Hơn nữa, trong các tình huống từ chối trực tiếp, những lời từ chối bổ sung chẳng hạn như lời cảm ơn hoặc xin lỗi được sử dụng như một “Tatemae”. Những lời đó được nói trước và sau khi bày tỏ từ chối trực tiếp. Tóm lại, dù từ chối theo cách nào thì cũng có “Tatemae”. Ngoài ra, người Nhật sẽ điều chỉnh cách nói từ chối dựa trên mối quan hệ “Uchi”và “Soto”.