Tổng quan
1. Nhu cầu thực tiễn
Ngôn ngữ chính là phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử tồn tại của loài người,
nhờ có ngôn ngữ mà con người có thể phát triển. Vậy nên ngôn ngữ đóng vai
trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội con người. Trong “Giáo trình
ngôn ngữ học” (2008) của tác giả Nguyễn Thiện Giáp đã có giải nghĩa như sau,
“Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu âm thanh đặc biệt, là phương tiện giao tiếp
cơ bản và quan trọng nhất của các thành viên trong một cộng đồng người; ngôn
ngữ đồng thời cũng là phương tiện phát triển tư duy, truyền đạt truyền thống
văn hóa – lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Như vậy nhờ có ngôn ngữ,
con người nguyên thủy mới dần dần tiến xa hơn trong việc phát triển tư duy, từ
đó hình thành ý thức về các mối quan hệ giữa người với người, tạo ra các mối
liên kết phức tạp và có thể đặt tên cho các mối quan hệ đó. Một trong những kết
quả của hành động này chính là sự xuất hiện của lớp từ xưng hô.
Trong khi học ngoại ngữ, việc hiểu và biết cách vận dụng từ xưng hô là rất
quan trọng. Nếu người học ngoại ngữ không thật sự hiểu cách sử dụng từ xưng
hô của ngôn ngữ họ đang học sẽ dẫn đến các tình huống sử dụng sai trong giao
tiếp và không đạt hiệu quả truyền đạt, ví dụ như về mặt cảm xúc, thái độ.
Đối với người Việt Nam đang học tiếng Nhật vấn đề sử dụng từ xưng hô của
tiếng Nhật vẫn còn đang tồn đọng khá nhiều khó khăn chưa tìm được hướng
giải quyết. Theo Dương Văn Bình (2011), đặc trưng về tính cách ngôn ngữ và
đời sống ngôn ngữ của hai dân tộc Việt Nam-Nhật Bản cũng có sự khác biệt rất
rõ rệt, đặc biệt là cách xưng hô. Trong văn hóa giao tiếp của người Việt, họ có
thói quen sử dụng từ xưng hô thường xuyên và ít khi lược bỏ. Bởi vì theo quan
niệm của người Việt, khi tiến hành giao tiếp với một đối tượng bất kỳ, việc
người nói lược đi những từ xưng hô (xưng bản thân và hô đối tượng giao tiếp)
trong cuộc đối thoại sẽ bị coi là hành động bất lịch sự, thiếu tôn trọng đối với
người nghe (Dương Văn Bình, 2011). Mặt khác, ở tiếng Nhật, nhiều trường hợp
từ nhân xưng sẽ được lược bỏ. Trong bài luận của tác giả Lý Kỳ Nam (2009) ,
tác giả đã đưa ra một nhận định rằng, so với tiếng Trung, tiếng Nhật có xu
hướng tránh sử dụng từ nhân xưng ngôi thứ hai hơn. Tiếng Trung cũng giống
với tiếng Việt, hầu hết tình huống, ngôi thứ hai sẽ được nói ra, còn tiếng Nhật
thì không. Tác giả Lý Kỳ Nam có giải thích thêm, ban đầu tiếng Nhật không có
những từ ngữ chuyên dụng cho từ nhân xưng ngôi thứ hai như tiếng Anh là
(you), thậm chí trong lịch sử những từ từ nhân xưng ngôi thứ hai này có nguồn
gốc là các từ chỉ địa điểm, phương hướng, điều này có thể đã tác động lên tình
trạng hạn chế hoặc lược bỏ từ nhân xưng ngôi thứ hai trong tiếng Nhật. Bên
cạnh đó, người Nhật sẽ biểu thị thái độ lịch sự hay tôn kính chủ yếu dựa vào
động từ. Hơn nữa, theo quan niệm của người Nhật, việc sử dụng liên tục các từ
xưng hô, trong trường hợp tự xưng bản thân quá nhiều sẽ tạo cho người nghe
cảm giác người nói là một người tự cao, trong trường hợp hô đối phương nhiều
sẽ khiến người nghe cảm thấy người nói đang muốn truyền tải một thông điệp
dành cho người nghe.
Tóm lại, những sự khác biệt trong đặc trưng văn hóa giao tiếp của hai ngôn ngữ
đã tạo cho người Việt học tiếng Nhật một rào cản lớn trong quá trình sử dụng
tiếng Nhật, họ thường hay mắc lỗi sử dụng từ xưng hô khi mới học tiếng Nhật,
đặc biệt là từ nhân xưng ngôi thứ 2 “あなた”.
Từ “あなた” là từ nhân xưng ngôi thứ hai số ít, cụ thể, từ xưng ngôi thứ hai là từ
dùng để chỉ người nghe. Ở tiếng Việt, ta có ví dụ của từ nhân xưng ngôi thứ 2
là những từ như: “bạn, anh, cô, cậu,…”. Ở tiếng Nhật ta có những từ như: “あな
た、きみ、 おまえ、….”. Tuy nhiên ở tiếng Nhật, trong số các từ nhân xưng ngôi
thứ hai, do ảnh hưởng của đặc trưng về ngôn ngữ mà người Việt mới học tiếng
Nhật thường sử dụng “あなた” trong những cuộc hội thoại có hai người trở lên
để hô đối phương. Dẫn đến tình trạng, giáo viên dạy tiếng Nhật nào ít nhất một
lần trong sự nghiệp giảng dạy cũng phải nhắc nhở học trò của mình là “không
nên sử dụng “あなた” trong trường hợp này”, hoặc “あなた” chỉ nên sử dụng ở
lần đầu gặp”,… Từ đó người học tiếng Nhật sẽ hạn chế hoặc hầu như không sử
dụng từ “あなた” trong khi vẫn chưa thực sự hiểu rõ vấn đề. Một mặt khác là
việc các giáo trình dạy tiếng Nhật ở Việt Nam thường chỉ dịch từ “あなた”
thành một nghĩa chung chung là “bạn,…” mà không giải thích về cách sử dụng
của nó như bối cảnh, tình huống, trong mối quan hệ nào thì nên sử dụng. Dẫn
đến trường hợp những người tự học tiếng Nhật không thông qua trường lớp sẽ
gặp nhầm lẫn, sử dụng sai trong một khoảng thời gian nhất định.
Về mặt nghiên cứu về cách sử dụng ngôi thứ hai trong tiếng Nhật đã có những
tác giả trong nước tiến hành như Hoàng Anh Thi (2001), Trần Lan Phương
(2019), Dương Văn Bình (2011) nhưng phần lớn các nghiên cứu này mới chỉ
nói ra sự khác biệt trong cách sử dụng từ nhân xưng ngôi thứ hai nói chung
giữa tiếng Nhật và tiếng Việt, họ cũng đã chỉ ra trong bối cảnh, tình huống hoặc
mối quan hệ nào thì dùng từ nhân xưng sao cho phù hợp. Tuy nhiên chưa có bài
nghiên cứu nào xoáy sâu vào vấn đề hướng dẫn cách sử dụng nó sao cho chính
xác, tự nhiên trong tiếng Nhật cho người Việt học tiếng Nhật ở trình độ đầu
Trung cấp hoặc Trung cấp dễ tiếp thu.
Vì vậy, bài nghiên cứu này của tôi sẽ làm rõ cách sử dụng từ nhân xưng ngôi
thứ hai “あなた”, để người nói có thể dùng nó một cách tự nhiên, thành công
trong việc truyền đạt ý tưởng, tình cảm.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
2.1. Ở nước ngoài
Ở Nhật Bản, đã có khá nhiều nghiên cứu tập trung vào từ nhân xưng ngôi thứ
hai “あなた” từ nhiều năm về trước. Mỗi bài nghiên cứu có quan điểm chung
cũng như quan điểm về từ “あなた”. Theo Suzuki (1973), Takubo (1997) thì “あ
なた” không phải là một từ nhân xưng theo quy chuẩn của tiếng Anh, họ chỉ coi
“あなた” là một danh từ riêng trong lớp từ xưng hô.
Tác giả Shimotani Maki (2012) đã nghiên cứu từ nhân xưng “あなた” trên
phương diện nhận thức của người nói và rút ra nhiều kết luận thú vị như hiệu
quả sử dụng mà từ “あなた” đem lại giúp người nói thể hiện sự vượt trội về
nhận thức hoặc quyền lực so với người nghe, cụ thể như người nói đang đóng
vai trò là một người đưa ra lời khuyên, hiểu biết về tình hình hoặc một lĩnh vực
nào đó hơn người nghe, vì vậy họ sẽ có nhận thức cao hơn người nghe và có
thể sử dụng “あなた” để ám chỉ người nghe. Nhìn chung, Shimotani Maki đã
xem xét sự đa dạng trong cách sử dụng từ “あなた”, trong đó có cả trường hợp “
あなた” được dùng để xưng hô với người nghe và trường hợp “あなた” không
dùng để ám chỉ người nghe, đồng thời chỉ ra người Nhật sẽ có xu hướng sử
dụng “あなた” trong các các phát ngôn mà thể hiện tính ưu việt về mặt nhận
thức của người nói. Qua đó, tài liệu này có thể giúp tôi hiểu sâu về nhận thức
của người bản địa khi lựa chọn sử dụng “あなた” và khai thác nó để giúp người
Việt học tiếng Nhật có thể tiếp cận lối tư duy của người bản địa khi sử dụng “あ
なた” một cách dễ dàng hơn.
Tác giả Muramatsu Keiko và Tạ Mẫn Hoa (2015) đã dựa vào mối quan hệ và
hệ thống phân phân tầng xã hội giữa những người tham gia hội thoại, tập trung
phân tích những cuộc hội thoại giữa người dưới và người trên và xem xét từng
trường hợp sử dụng “あなた”. Bên cạnh đó tác giả cũng so sánh cách sử dụng “
あなた” với một số từ nhân xưng khác như “あんた、きみ、おまえ”. Qua đó các
tác giả khẳng định rằng, nếu trong một bối cảnh mà người nói và người nghe
không rõ ràng về mặt thứ bậc, chức danh, mối quan hệ, hay thân phận thì cả
người nói và người nghe có thể hô đối phương là “あなた”, sử dụng tương tự
như “you” trong tiếng Anh. Ở phần kết luận, hai tác giả cũng đã đưa ra một
nhận định khá thú vị về sự thay đổi trong cách sử dụng “あなた” của người bản
địa trong tương lai vì nhiều nước ngoài, đặc biệt là người ở những nước nói
tiếng Anh và người Trung Quốc vẫn có thói quen sử dụng “あなた” như “you”
và “你” trong hội thoại hằng ngày, dẫn đến người bản địa có thể bị chịu ảnh
hưởng bởi lối sử dụng này.
Tác giả Yonezawa Yoko (2016) đã thực hiện cuộc khảo sát liên quan đến từ
nhân xưng ngôi thứ hai “あなた” đối với dân bản xứ. Cuộc khảo sát đã cho ra
nhiều kết quả thú vị về tình trạng sử dụng từ “あなた” của người Nhật hiện nay.
Trong đó, kết quả khảo sát cho thấy “あなた” hiếm khi được sử dụng khi người
nghe có địa vị xã hội cao hơn. Việc sử dụng “あなた” phụ thuộc nhiều vào tình
huống và hoàn cảnh hơn là vào mối quan hệ xã hội với người khác. Đặc biệt,
tác giả cũng lý giải cho vấn đề mà ở những nghiên cứu trước đó cũng đã nhắc
tới, đó là “あなた” không được coi là một từ ngôi thứ hai chuẩn mực. Tóm lại,
tác giả đã xem xét chức năng thiết yếu của từ “あなた” trong tiếng Nhật hiện đại
và vai trò của nó trong bối cảnh văn hóa xã hội hiện nay, cùng với đó là cách
nhìn nhận của mọi người với “あなた”.
Nhóm tác giả Lưu Ngọc Cầm, Thạch Xuân Huy, Gehrtz, Misumi Tomoko
(2016) đã khảo sát cách sử dụng thực tế của “あなた” trong hội thoại tiếng Nhật
hiện đại thông qua các bộ phim truyền hình. Từ đó, các tác giả đã chỉ ra người
nói có thể sử dụng “あなた” trong những trường hợp nào sau khi xem xét các
khía cạnh như tuổi tác, mối quan hệ gia đình, mối quan hệ xã hội của người nói
với người nghe. Hơn nữa, các tác giả còn so sánh sự khác biệt trong cách sử
dụng “あなた” giữa người nam và người nữ trong hội thoại tiếng Nhật hiện đại.
Tác giả Kato Eri (2019) đã khảo sát tần suất sử dụng các từ nhân xưng như “あ
なた”, “あんた”, “おまえ”, “きみ” của người Nhật. Kết quả cho thấy, “あなた”
được sử dụng nhiều nhất trong số những Từnhân xưng trên và thường là người
phụ nữ sẽ sử dụng. “あなた” cũng xuất hiện nhiều trong cuộc hội thoại giữa
những người trong gia đình, người lớn nói với người bé. Đặc biệt, tác giả còn
nhận ra rằng phạm vi độ tuổi sử dụng “あなた” đã tăng, theo Kobayashi (2016)
phạm vi độ tuổi sử dụng “あなた” chủ yếu là trên 40 tuổi nhưng theo kết quả
khảo sát được của Kato Eri rút ra từ dự án 「CEJC モニター公開版」, là một tài
liệu mở cung cấp nội dung hội thoại hằng ngày, thì phạm vi độ tuổi đã mở rộng
đến từ những người 20 tuổi trở lên cũng hay sử dụng “あなた”. Cuối cùng, tác
giả đã đưa đến kết luận chung của xu hướng sử dụng “あなた” trong tiếng Nhật
hiện đại là mọi người hay dùng nó với những ai trẻ hơn và thân thiết với họ
hơn.
Tác giả Chu Cảnh Kiều (2022) cũng đã tiến hành nghiên cứu từ nhân xưng “あ
なた” và làm rõ chức năng sử dụng nó. Tác giả đã tiến hành khảo sát bản dịch “
あなた” của người Trung học tiếng Nhật, bản dịch của người Nhật học tiếng
Trung về các từ nhân xưng ngôi thứ hai của tiếng Trung và khảo sát lời thoại
trong các bộ phim truyền hình, qua đó, tác giả đã xem xét trên mối quan hệ
giữa ý định phát ngôn của người nói và nhận thức của người nghe. Nhờ vậy, tác
giả đã chỉ ra cách mà người Trung học tiếng Nhật có thể áp dụng để sử dụng từ
nhân xưng “あなた” chính xác. Bên cạnh đó, trong nghiên cứu của tác giả chỉ
tập trung vào “あなた” trong các cuộc trò chuyện giữa một người đàn ông và
một người phụ nữ có mối quan hệ tình cảm. Vậy nên ở phần định hướng phát
triển của đề tài này, tác giả đã đề cập đến việc xem xét cách sử dụng “あなた”
trong mối quan hệ khác và lấy tư liệu từ các bộ phim khác. Vì vậy trong bài
nghiên cứu của mình, tôi muốn khai thác ở những mẫu ngược lại so với tác giả
Chu Cảnh Kiều, đó là từ “あなた” trong cuộc hội thoại giữa những người không
có tình cảm nam nữ.
Cuối cùng, hầu hết các nghiên cứu đều dẫn đến một quan điểm chung, đó là
tính cần thiết trong việc làm rõ cách sử dụng “あなた” trong các đầu sách hoặc
tài liệu dùng để dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài. Từ đó có thể thấy cách
sử dụng từ nhân xưng “あなた” đang không chỉ bị ảnh hưởng bởi người bản địa
mà còn có người nước ngoài khi số lượng người nước ngoài đến sinh sống, học
tập và làm việc tại Nhật Bản đang ngày càng gia tăng.
2. Ở trong nước
Hiện nay, chưa có nhiều bài nghiên cứu về từ nhân xưng ở Việt Nam, đặc biệt
là từ nhân xưng “あなた”.
Tác giả Hoàng Anh Thi (2001), tác giả đã nghiên cứu rất sâu từ xưng hô và
hoạt động hoạt động của chúng trong hai ngôn ngữ Nhật-Việt. Từ đó tác giả đã
phát hiện và cố gắng lý giải những điểm tương đồng và khác biệt giữa từ xưng
hô và cách sử dụng của hai ngôn ngữ bằng văn hóa, xã hội, tâm lý của hai dân
tộc. Sau khi phân tích kỹ càng, ở phần kết luận tác giả đã đề ra hai chiến lược
giao tiếp cơ bản đối với người Nhật là giữ đúng tôn và giữ khoảng cách. Ngược
lại đối với người Việt là giữ tôn ti và cố gắng cận tiến.
Tác giả Dương Văn Bình (2011) đã nghiên cứu về “Bản chất từ xưng hô trong
tiếng Việt và tiếng Nhật”, trong bài nghiên cứu, tác giả đã chỉ ra điểm giống và
khác trong cách xưng hô giữa tiếng Nhật và tiếng Việt. Tác giả đặc biệt nhấn
mạnh sự khác biệt trong vai trò của từ nhân xưng giữa hai ngôn ngữ. Ở tiếng
Việt, từ xưng hô là trọng tâm trong cách thức biểu đạt phép lịch sự, vì vậy
người Việt thường cẩn thận trong việc lựa chọn cặp từ xưng-gọi sao cho phù
hợp. Ngược lại, ở tiếng Nhật, khi giao tiếp với bất kỳ đối tượng nào, người
Nhật không nhất thiết phải hô gọi người đối thoại hay tự xưng bản thân mình.
Tuy nhiên, so với các ngôn ngữ khác, cả tiếng Việt lẫn tiếng Nhật đều có hệ
thống từ xưng hô rất phức tạp, do đó cách sử dụng cũng không hề đơn giản.
Qua đó, tác giả đã khẳng định vai trò của việc phải nắm vững và hiểu rõ những
nét khu biệt về bản chất xưng hô giữa hai ngôn ngữ này để vận dụng vào thực
tiễn nghiên cứu, giảng dạy, học tập sao cho hiệu quả.
Tác giả Trần Lan Phương (2019), tác giả đã thống kê các từ xưng hô trong
tiếng Nhật; so sánh, đối chiếu với với tiếng Việt để tìm ra sự tương đồng và
khác biệt trong cách sử dụng từ xưng hô của hai ngôn ngữ. Vì thế ở phần kết
luận, tác giả đã tổng quan lại cách sử dụng của từ xưng hô là trong cuộc thoại
người nói, cần xác định đúng vị thế của mình, đối tượng giao tiếp, hoàn cảnh
giao tiếp để lựa chọn cách xưng hô, cách sử dụng từ ngữ sao cho phù hợp.
Tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy, Triệu Hồng Nhung (2020) đã thực hiện nghiên
cứu so sánh về ý nghĩa và cách sử dụng của từ nhân xưng ngôi thứ hai, chủ yếu
là “あなた”, trong tiếng Nhật và tiếng Việt dựa trên tài liệu dịch thuật. Bài
nghiên cứu đã so sánh không chỉ về mặt ngôn ngữ mà còn có cả sự khác biệt về
mặt tâm lý, văn hóa giữa hai nước.
2.3. Kết luận
Những bài nghiên cứu này sẽ là cơ sở vững chắc cho những lập luận về cách sử
dụng từ “あなた” trong các tình huống và hoàn cảnh mà tôi sẽ đề ra trong bài
nghiên cứu của mình.
Tuy nhiên, những bài nghiên cứu chưa nghiên cứu sâu đến các vấn đề mà người
học tiếng Nhật trình độ đầu Trung cấp hoặc Trung cấp thường xuyên gặp phải
khi sử dụng từ nhân xưng ngôi thứ hai, đặc biệt là từ nhân xưng “あなた”.
Ngoài ra, cũng chưa có bài nghiên cứu nào chỉ ra cách sử dụng từ nhân xưng “
あなた” cho đối tượng người học tiếng Nhật trình độ đầu Trung cấp hoặc Trung
cấp. Vì vậy trong bài nghiên cứu này, tôi sẽ thực hiện nghiên cứu về những vấn
đề còn chưa được khai thác kể trên.
3. Ý nghĩa khoa học
Nghiên cứu này sẽ tìm ra những khó khăn mà người học tiếng Nhật ở trình độ
đầu Trung cấp hoặc Trung cấp đang gặp phải khi sử dụng từ nhân xưng ngôi
thứ hai trong tiếng Nhật, đặc biệt là từ “あなた”. Qua đó đưa ra các biện pháp,
đề xuất cách sử dụng từ nhân xưng “あなた” sao cho đúng và phù hợp với cách
sử dụng từ năm 2010 đến 2023 từ việc khảo sát cách sử dụng “あなた” trong
cách bộ phim hoạt hình phát hành những năm gần đây.