Khảo sát điển cố gốc Hán và tình hình chú thích điển cố trong SGK Ngữ văn bậc Trung học phổ thông

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

  1. Tổng quan
  2. Nhu cầu thực tiễn

SGK Ngữ văn bậc THPT có rất nhiều điển cố, đặc biệt là sách Ngữ văn của lớp 10 và 11, tuy nhiên có nhiều điển cố nếu như không được giải nghĩa cụ thể sẽ rất khó cho học sinh nắm bắt được ý nghĩa của câu thơ hay câu văn từ đó học sinh không cảm nhận được cái hay cái đẹp của văn chương. Ngoài ra việc chú thích điển cố trong SGK vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện, có nhiều chú thích điển cố chưa được đầy đủ, rõ ràng với học sinh, vì vậy chúng tôi một mặt thống kê tương đối toàn diện hệ thống điển cố xuất hiện trong sách, một mặt khảo sát các chú thích của điển tích điển cố trong SGK Ngữ văn từ đó đưa ra một số kiến nghị.,

Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan

Điển cố luôn là một đề tài được các nhà nghiên cứu văn học và các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học quan tâm. Hiện nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về điển cố điển tích, chủ yếu được các học giả tổng hợp và trình bày dưới dạng từ điển hoặc sách hướng dẫn tra cứu như: 常用典故词典 Từ điển điển cố thường dụng (2007) của Vu Thạch (于石); 典故大辞典 Đại từ điển điển cố (1998) của Phương Phúc Nhân (方 福 仁 ), Điển cố truyện và thơ (1954) của Phan Thê Roanh, Điển tích văn học (1998) của Mai Thục, Đỗ Đức Hiếu… Các công trình này rất có ích trong việc tra cứu nguồn gốc và ngữ nghĩa của các điển cố gốc Hán.

Về đặc điểm điển cố và sử dụng điển cố, có các công trình như 用典研究Nghiên cứu dụng điển (2005) của La Tích Dũng ( 罗 积 勇 ) ngoài bàn về định nghĩa dụng điển còn nêu các trường hợp dụng điển và không phải dụng điển; 典故研究三体Ba vấn đề nghiên cứu điển cố (2009) của Giả Tề Hoa ( 贾 齐 华 ) bàn thêm về định nghĩa điển cố và các vấn đề như nguồn gốc, mặt chữ, ý nghĩa điển cố; 文言修辞概要

Đại cương tu từ văn ngôn (1988) của nhóm tác giả Thường Đệ, Thái Kính Hạo (常棣、蔡镜浩) khái quát và phân tích đặc điểm dụng điển… Ở Việt Nam có công trình “Cơ chế hình thành và giải mã điển cố trong văn học Trung đại Việt Nam” (2016) của Nguyễn Kim Châu; “Điển cố và nghệ thuật sử dụng điển cố” (2003) của Đoàn Ánh Loan. Đây đều là các công trình đồ sộ, có giá trị tham khảo cao trong việc xây dựng lý luận chung về điển cố.

Về việc ứng dụng giảng dạy điển cố văn học trong nhà trường, có Từ điển giải thích điển cố văn học dùng trong nhà trường (2014) của Nguyễn Ngọc San cung cấp tài liệu tham khảo để tra cứu các điển cố có trong chương trình học môn văn, Điển cố điển tích trong chương trình SGK Ngữ Văn ở nhà trường phổ thông hiện nay của Nguyễn Thị Hải (2021) đưa ra một số kiến nghị và giải pháp trong việc học tập và giảng dạy điển cố, Dạy học điển cố trong tác phẩm văn học (2017) của Đoàn Thị Tâm,…

Tuy không phải là một đề tài mới nhưng các nghiên cứu về điển cố vẫn chưa thống nhất về định nghĩa thế nào là điển cố, điều này dẫn đến việc số lượng điển cố thống kê được trong mỗi từ điển hay sách không giống nhau, ngay cả khi thống kê điển cố trong cùng một tác phẩm, mỗi bài nghiên cứu lại có lượng điển cố khác nhau mà các học giả nêu ra.

Hiện nay, chưa có bài nghiên cứu nào thống kê, phân tích cụ thể, toàn diện hệ thống điển cố gốc Hán trong SGK Ngữ văn THPT cũng như chưa có bài nghiên cứu hoàn chỉnh nào bàn về tình hình chú thích các điển cố đó. Chính vì vậy, bài nghiên cứu của chúng tôi sẽ đi thống kê một cách đầy đủ các điển cố trong SGK văn, giải thích ý nghĩa, nguồn gốc, phân loại theo đặc điểm,… Ngoài ra tìm hiểu tình hình chú thích trong SGK ngữ văn THPT. .

3.Ý nghĩa khoa học

Thông qua đối tượng nghiên cứu là các điển tích gốc Hán xuất hiện trong SGK Ngữ văn học ở THPT và chú thích của các điển cố đó, chúng tôi thống kê một cách đầy đủ có hệ thống các điển cố trong SGK Ngữ văn THPT theo định nghĩa đã được nêu ra, từ đó tìm hiểu các đặc điểm liên quan, đồng thời làm rõ các vấn đề chú thích của các điển cố đó.