Hiện nay, ở Hàn Quốc cũng như Việt Nam, có rất nhiều trẻ em sinh ra trong những gia đình “đa văn hóa”. Trong số các quốc gia có công dân Việt Nam kết hôn, Đài Loan, Hàn Quốc là những quốc gia có đông cô dâu Việt Nam nhất, bất chấp những chính sách thắt chặt về nhập cư. Xét theo độ tuổi và tỷ trọng thì trẻ em trong gia đình đa văn hóa Hàn – Việt đang chiếm tỷ lệ cao nhất so với gia đình đa văn hóa với các quốc gia khác mà độ tuổi phổ biến nhất là khoảng 0 – 8 tuổi.
Trẻ em ở độ tuổi này đa số là các em học sinh ở bậc tiểu học hiện đang sinh sống cùng với bố mẹ tại Hàn Quốc. Các em có thể nghe hiểu cả hai thứ tiếng Hàn và tiếng Việt nhưng do cơ hội tiếp xúc và sử dụng tiếng Hàn nhiều hơn nên khả năng nghe, nói, đọc, hiểu tiếng Việt có phần hạn chế. Tùy theo khả năng và mức độ giáo dục của người mẹ mà khả năng nói tiếng Việt của trẻ em ở mỗi gia đình cũng khác nhau. Nếu người mẹ có nhiều thời gian bên cạnh con cái, có trình độ học vấn khá cao và nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục – truyền đạt văn hóa dân tộc thì con cái trong những gia đình này sẽ nghe – hiểu tiếng Việt được tốt hơn những trẻ em ở các gia đình khác.
Phần lớn những trẻ em này đang gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ về vấn đề ngôn ngữ mà chúng còn là nạn phân của phân biệt chủng tộc, phân biệt chủng tộc ở trường học. Việc các em bị phân biệt bắt nguồn chủ yếu từ việc các em bị coi là “những đứa trẻ phi thuần chủng” và các em chưa hoàn toàn thông thạo tiếng Hàn – thứ ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày trong gia đình hoặc nơi trường học. Với tính tự tôn có sẵn trong nhận thức và tư tưởng của người Hàn, những trẻ em lai (một cách gọi khác cho những trẻ em có ba mẹ đến từ hai dân tộc khác nhau) thường bị xem là phi thuần chủng. Các trẻ em trong gia đình đa văn hóa Việt – Hàn cũng không ngoại lệ.
Mặc dù đã có một số bài viết về những khó khăn mà trẻ em trong gia đình “đa văn hóa” gặp phải, tuy nhiên, các bài viết vẫn còn khá chung chung và chưa có một bài nghiên cứu nào chỉ rõ hướng khắc phục cũng như hiệu quả hỗ trợ các em và giảm thiểu đáng kể những khó khăn kể trên. Xuất phát từ những lý do đó, chúng tôi quyết định nghiên cứu đề tài: “Hướng giải quyết những vấn đề của trẻ em trong gia đình đa văn hoá Hàn – Việt”.