Hội chứng sợ bỏ lỡ (FoMO) khi sử dụng mạng xã hội: Đánh giá trường hợp của sinh viên trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Trang chủ / Ngân hàng ý tưởng

1. Nhu cầu thực tiễn 

Sự phát triển công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra các nền tảng công nghệ số mới cho phép định hình tương tác xã hội giữa các cá nhân. Trong khi trở thành phương tiện giao tiếp và duy trì các mối quan hệ, nó đã tạo ra xu hướng cộng đồng ảo hoạt động khác biệt so với phương pháp giao tiếp truyền thống với nhiều ảnh hưởng tiêu cực mới (Alrobai và cộng sự, 2016). Một trong số đó là hội chứng Fear of Missing Out (FoMO). Trong trường hợp này, người dùng mạng xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, lo ngại rằng việc họ ngoại tuyến trong một khoảng thời gian cụ thể có thể dẫn đến việc bỏ lỡ thông tin hoặc cơ hội xuất hiện trên mạng xã hội. Từ đó, họ hình thành tâm lý lo lắng, bồn chồn, bất an, thậm chí thúc đẩy thời gian sử dụng mạng xã hội với tần suất cao (Blackwell và cộng sự, 2017; Alutaybi và cộng sự, 2019), ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần, chẳng hạn như thiếu ngủ, suy nhược cơ thể, căng thẳng và thiếu kiểm soát cảm xúc (Altuwairiqi và cộng sự, 2019; James và Meredith, 2020). Hơn thế, Bergman (2023) còn chỉ ra rằng xu hướng thiếu tự tin cũng như thiếu sự hài lòng với xã hội có thể dễ dàng bắt gặp ở giới trẻ mắc hội chứng FoMO. 

Trước đây đã có một số nghiên cứu về thực trạng FoMO của sinh viên trong việc sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, các nghiên cứu đề cập đến ảnh hưởng của hội chứng FOMO trong việc sử dụng mạng xã hội ở nhóm đối tượng sinh viên, đặc biệt tại Việt Nam còn hạn chế. Hơn thế, đánh giá và phân tích về trường hợp của sinh viên trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ là nghiên cứu đầu tiên và có thể là nghiên cứu tiên phong cho những công trình tiềm năng sau này. 

Vì vậy, nghiên cứu “Hội chứng sợ bỏ lỡ (FoMO) khi sử dụng mạng xã hội: Đánh giá trường hợp của sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội” là cần thiết. Kết quả của nghiên cứu là cơ sở để xây dựng các chương trình can thiệp hiệu quả, lối sống lành mạnh, tích cực và phát triển toàn diện ở sinh viên Đại học Quốc gia nói chung và trường Đại học Ngoại ngữ nói riêng. Việc phân tích, đánh giá thực trạng sinh viên tại trường mắc hội chứng FoMO khi sử dụng mạng xã hội cũng giúp sinh viên phát hiện và cải thiện tình trạng sử dụng mạng xã hội thái độ học tập tiêu cực, phát huy thái độ tích cực trong học tập. Từ đó nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy tại trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Nghiên cứu này được thực hiện để trả lời câu hỏi: “Tầm ảnh hưởng của hội chứng FOMO trong việc sử dụng mạng xã hội của sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội như thế nào?”. Bài nghiên cứu này sẽ khảo sát các yếu tố dẫn đến hội chứng FoMO, các tác động của FOMO đến sức khỏe và tâm lý của người dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đó, nghiên cứu sẽ đề xuất các giải pháp nhằm giúp người dùng nâng cao nhận thức, giảm thiểu tác động tiêu cực của FOMO và sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh. 

2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan 

Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) trong bối cảnh sử dụng mạng xã hội Mạng xã hội xuất hiện rất sớm, từ những năm 2000 với trang mạng xã hội đầu tiên là MySpace (Esteban Ortiz-Ospina, 2019). Đến nay, đã có những sự thay đổi lớn về các trang mạng xã hội khi dần dần xuất hiện những ứng dụng như Facebook, Instagram, Tiktok,.. tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác giữa người dùng bằng cách cung cấp cho họ cơ hội chia sẻ thông tin, ý kiến và sở thích (Khan và cộng sự, 2014). 

Theo Digital 2024, có khoảng 5,61 tỷ người đang dùng mạng xã hội, chiếm khoảng 69,4% dân số thế giới và tăng khoảng 2,5% so với đầu năm 2023. Ở Việt Nam, người dùng mạng xã hội là khoảng 72,70 triệu người tính trong tháng 1 năm 2024, chiếm khoảng 73,3% dân số (Simon Kemp, 2024). 

Với sự bùng nổ của các trang mạng xã hội, chúng đã mang đến cho mọi người rất nhiều lợi ích. Trước hết là tăng sự kết nối xã hội, chúng giúp mọi người tương tác với nhau tốt hơn, làm quen được với nhiều người bạn mới hoặc thông qua mạng xã hội sẽ thúc đẩy quá trình hòa nhập xã hội lành mạnh ở thanh thiếu niên, đặc biệt khi họ đang gặp căng thẳng hoặc bị cô lập với xã hội. Hay mạng xã hội cũng giúp mọi người năm bắt được nhiều thông tin bổ ích và không bỏ lỡ những sự kiện, tin tức quan trọng đang diễn ra trong và ngoài nước (Kirsten Weir, 2023). Bên cạnh đó, mạng xã hội còn đem lại nhiều lợi ích trên các phương diện như chính trị, xã hội, môi trường, kinh tế,…(Simplilearn, 2024). 

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng gây ra rất nhiều tiêu cực cho người sử dụng. Ngoài những nguy hiểm do mạng xã hội mang lại như bị phát tán thông tin cá nhân, khó kiểm soát chất lượng tin tức, bị lừa đảo,… thì việc sử dụng mạng xã hội trong một thời gian này hình thành thói quen nghiện kiểm tra xem người khác đang làm gì, có những tin tức gì mới lạ. Và FoMO ( nỗi sợ bị bỏ lỡ) là hội chứng trầm trọng hơn khi được giải thích là sự bận tâm khi người khác có thể có trải nghiệm tốt khi bản thân vắng mặt và do đó bản thân muốn ở lại mạng xã hội liên tục để tránh bỏ sót điều gì ( Ali Erdoğan và cộng sự, 2021), đó cũng là tuyên bố rằng FoMO có liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội không lành mạnh (Riordan và cộng sự, 2021). Hiện tượng ‘sợ bị bỏ lỡ’ (FoMO) trên phương diện mạng xã hội được thể hiện qua việc có những trải nghiệm tệ trong cuộc sống và cảm xúc như thiếu ngủ, giảm năng lực sống, căng thẳng cảm xúc, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, trở nên lo lắng và thiếu kiểm soát cảm xúc (Alutaybi và cộng sự, 2020). 

Sự ảnh hưởng của hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) lên sinh viên đại học Những nghiên cứu về hiện tượng FoMO ở học viên, đặc biệt là sinh viên đại học nên được coi trọng và tiến hành nhiều hơn, vì lứa tuổi thanh niên có xu hướng trực tuyến trong khoảng thời gian dài hơn các nhóm tuổi khác (Andone và cộng sự, 2016). Các nghiên cứu về sự ảnh hưởng của hội chứng sợ bỏ lỡ (FoMO) lên sinh viên đại học đã được các nhà nghiên cứu tiến hành theo nhiều phương pháp, cách tiếp cận khác nhau. Rozgonjuk và cộng sự (2019) đã tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng của FoMO và các thông báo gián đoạn đến hoạt động học tập của 316 sinh viên tâm lý học từ một trường đại học Trung Tây Mỹ. Các sinh viên tham gia nghiên cứu bằng cách làm một cuộc khảo sát trực tuyến bao gồm các bảng câu hỏi về nhân khẩu học xã hội; thang đo nỗi sợ bỏ lỡ (FoMO scale; Przybylski và cộng sự., 2013); thang đo phụ phản ánh phương pháp học bề mặt (R-SPQ-2F; Biggs và cộng sự., 2001); thang đo tần suất thông báo gián đoạn được điều chỉnh từ thang tần số sử dụng điện thoại thông minh (SUFS) (Elhai và cộng sự., 2016). Trong bảng câu hỏi, thang đo nỗi sợ bỏ lỡ (FoMO scale) đo lường mức độ sinh viên sợ bỏ lỡ những sự kiện, hoạt động diễn ra trên không gian mạng, bao gồm 10 mục với thang điểm từ 1 là “hoàn toàn không đúng” đến 5 là “hoàn toàn đúng”. Các mục phản ánh những nỗi sợ hãi, lo lắng và căng thẳng mà sinh viên có thể có liên quan đến việc được kết nối (hoặc không được kết nối) với các tin tức, các trải nghiệm và những cuộc trò chuyện diễn ra trong môi trường mạng xã hội mở rộng. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng, những sinh viên trải qua nỗi sợ bỏ lỡ ở mức độ cao hơn có xu hướng bỏ ngang nhiệm vụ học thuật vì sinh viên có khuynh hướng tương tác ngay lập tức với các thông báo khi nhận được. Từ đó, việc sinh viên áp dụng phương pháp học bề mặt trở nên phổ biến hơn trong quá trình học tập, tức sinh viên sẽ chỉ học một cách bao quát mà không học sâu, không hiểu sâu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập. Tuy nhiên nhóm tác giả cũng nhấn mạnh, nỗi sợ bỏ lỡ không liên quan đến tần suất sinh viên nhận được các thông báo gián đoạn nhưng FoMO có sự tương quan ở mức độ trung bình với tần suất trì hoãn hoặc làm gián đoạn các hoạt động thường ngày của sinh viên. 

Cũng theo hướng nghiên cứu này, Hawi và Samaha (2016) đã tiến hành nghiên cứu để xác minh khả năng đạt được thành tích học thuật tốt của những sinh viên có nguy cơ nghiện điện thoại thông minh cao hoặc mắc chứng sợ bỏ lỡ. Kết quả của nghiên cứu này nhất quán với kết luận của Rozgonjuk và cộng sự (2019), khi nhận được các thông báo gián đoạn, các cá nhân có xu hướng bỏ ngỏ việc đang làm hoặc tiếp tục công việc nhưng vẫn tương tác với các thông báo này. Nghiên cứu cũng cho thấy việc chuyển đổi giữa các hoạt động hay cố gắng đa tác vụ có ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên một cách tiêu cực. Cũng sử dụng thang đo nỗi sợ bỏ lỡ, nghiên cứu của Alt và Boniel-Nissim (2018) đã chỉ ra rằng FoMO đóng vai trò trung gian một phần mối quan hệ giữa phương pháp học bề mặt và việc sử dụng internet quá đà. Kết quả của nghiên cứu này đã giải thích lý do phương pháp học tập bề mặt được sinh viên áp dụng thường xuyên. Nguyên nhân chủ yếu là sự lạm dụng internet, dẫn đến nỗi sợ bỏ lỡ của sinh viên trở nên nghiêm trọng hơn, từ đó tăng cường độ và tần suất sinh viên truy cập vào mạng xã hội để bắt kịp với những tin tức mới nhất, thậm chí trong giờ học. Thường xuyên truy cập phương tiện truyền thông xã hội là một sự phân tâm rất lớn, có thể là thách thức đối với các sinh viên dễ mất tập trung và khả năng tự kiểm soát bản thân thấp (Beyens và nnk., 2016), vì họ cho rằng những gì đang xảy ra trên phương tiện truyền thông xã hội đáng chú ý hơn là các bài giảng trong giờ học. 

Theo Al-Furaih và Al-Awidi (2021), FoMO có mối tương quan chặt chẽ với sự buông thả trong học tập và sự mất tập trung của sinh viên trong các bài giảng. Sinh viên có nhiều khả năng không tham gia lớp học hoặc mất tập trung trong giờ học, đặc biệt là khi họ nhận thức được rằng kiến thức đã có sẵn trên trực tuyến và họ có thể truy cập sau, điều đó có nghĩa là sinh viên không cảm thấy lo lắng cho việc học tập của bản thân khi không chú ý trong lớp và không nhớ được thông tin bài giảng (Milyavskaya và nnk., 2018). Li và cộng sự (2020) đã tìm hiểu về nỗi sợ bỏ lỡ và chứng nghiện điện thoại của 1164 sinh viên đại học tại Trung Quốc, từ đó xem xét liệu hai yếu tố này có trung hòa mối quan hệ giữa ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của chứng sợ bỏ lỡ và chất lượng giấc ngủ. Trong nghiên cứu, nhóm tác giả đã chia nỗi sợ bỏ lỡ (FoMO) thành hai nhóm bao gồm tính sợ bỏ lỡ (trait-FoMO) và trạng thái sợ bỏ lỡ (state-FoMO). Kết quả cho thấy, những cá nhân bị ảnh hưởng tiêu cực cao dễ có khả năng mắc chứng nghiện điện thoại thông minh cũng như có chất lượng giấc ngủ kém. Tác giả cũng cho biết ở trạng thái sợ bỏ lỡ (State-FoMO), việc sinh viên sử dụng điện thoại thông minh có thể mang lại cảm giác thích thú và phấn khích trong giai đoạn đầu khi giao tiếp với người khác hoặc tham gia vào hoạt động nào đó để chia sẻ lại trải nghiệm của mình (cảm xúc tích cực). Tuy nhiên, đối với một số ít cá nhân khác, việc sử dụng điện thoại quá mức có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến cảm xúc như cáu kỉnh, lo lắng và trầm cảm, điều mà dẫn đến chứng nghiện điện thoại thông minh và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của sinh viên, từ đó hình thành tính sợ bỏ lỡ (trait-FoMO). 

Ngoài việc làm giảm sức khỏe thể chất và tinh thần của sinh viên (Adams và cộng sự, 2020), nỗi sợ bỏ lỡ còn được chứng minh có liên quan đến chứng rối loạn giao tiếp internet (Wegmann và nnk., 2017). Giả định của nhóm tác giả dựa trên nghiên cứu của Oberst và cộng sự (2017) cho thấy FoMO là trung gian giữa các triệu chứng tâm thần và hậu quả tiêu cực của việc sử dụng thiết bị di động. Một mặt, nhóm tác giả nghiên cứu nỗi sợ bỏ lỡ như một khuynh hướng hay nói cách khác là tính sợ bỏ lỡ (trait-FoMO) như trong nghiên cứu của Li và cộng sự (2020). Mặt khác, nỗi sợ bỏ lỡ trực tuyến được đo lường như một trạng thái phát triển trong quá trình sử dụng các ứng dụng truyền thông internet (state-FoMO). Kết quả cho thấy các triệu chứng tâm thần, dự đoán được cả hai yếu tố đó là kỳ vọng của sinh viên được thoát khỏi những vấn đề trong cuộc sống thực qua việc sử dụng các ứng dụng mạng xã hội và nỗi sợ bỏ lỡ trên các trang mạng truyền thông. Hơn nữa, sự liên quan của yếu tố xã hội cũng là một yếu tố quan trọng của việc sử dụng các ứng dụng truyền thông internet. Những cá nhân có các triệu chứng trầm cảm hoặc ám ảnh sợ xã hội bao gồm cảm giác cô đơn có xu hướng thỏa mãn nhu cầu xã hội của mình bằng hình thức trực tuyến (Wegmann & Brand, 2016). Omar và Subramanian (2013) đã chứng minh mối quan hệ giữa sự cô đơn, nỗi lo âu và việc nghiện sử dụng Facebook, đồng thời nghiên cứu của Bhagat (2015) cũng cho thấy việc sử dụng các ứng dụng truyền thông dễ dàng hơn nhiều để kết nối với cộng đồng đối với những cá nhân có khả năng tương tác xã hội kém, năng lực xã hội thấp và sự cô đơn cao. Việc sử dụng mạng xã hội dường như trở thành một chiến lược với những người có chứng sợ xã hội hoặc những cá nhân cô đơn để giữ kết nối với thế giới bên ngoài (Clayton và cộng sự, 2013), điều này dẫn đến hiện tượng sử dụng thiết bị thông minh không kiểm soát để thường xuyên được cập nhật các sự kiện đang diễn ra (King và cộng sự., 2020). Hậu quả là, các cá nhân đã có sẵn nỗi sợ bỏ lỡ khiến chứng này trở nên tệ hơn và những cá nhân vốn không có FoMO cũng dần dần hình thành nỗi sợ này trong tâm lý, dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào điện thoại thông minh và mạng xã hội (Groshevihin và cộng sự, 2021b). 

Nỗi sợ bỏ lỡ của sinh viên có mối liên hệ rất lớn với các triệu chứng tâm lý ở mức độ cao hơn, cả trực tiếp và gián tiếp thông qua mức độ nghiện internet (Orta, 2020). Kết quả từ nghiên cứu của Orta (2020) nhất quán với những nghiên cứu trước đó về sự tham gia vào mạng xã hội (Gil và cộng sự., 2016; Oberst cùng cộng s., 2017; Przybylski cùng cộng sự, 2013) và sự lạm dụng internet (Alt & Boniel-Nissim, 2018a; 2018b; 2018c; Stead & Bibby, 2017) trong số những cá nhân trải qua nỗi sợ bỏ lỡ cao. Một nghiên cứu khác về ảnh hưởng tiêu cực của FoMO đó là trường hợp của các sinh viên đại học ở Trung Đông (O’Connell, 2020). Kết quả của nghiên cứu được nghiệm thu từ 244 sinh viên đại học đến từ các nước khác nhau đang học tập ở Trung Đông và bao gồm một số thang đo khác nhau. Trong đó, tác giả sử dụng thang đo nỗi sợ bỏ lỡ (FoMO scale; Przybylski cùng cộng sự, 2013), thang đo chú ý và nhận thức (Mindful Attention Awareness Scale – MAAS) từ nghiên cứu của Brown và Ryan (2003), đo lường một thành phần của chánh niệm bao gồm 15 mục yêu cầu người tham gia đánh giá mức độ mà họ có thể “Cảm thấy khó tập trung vào những gì đang xảy ra trong hiện tại” hoặc “Cảm thấy mình làm việc một cách mất tập trung”. MASS đã được chứng minh tính cấu trúc hợp lệ qua mối tương quan tích cực của nó với các thang đo về sự cởi mở, nhận thức về trạng thái bên trong, hạnh phúc, ảnh hưởng tích cực và dễ chịu (Park, Reilly-Spong, & Gross, 2013). Ngoài ra phải kể đến thang đo sức khỏe tâm lý (Psychological Well-being – PWB scale) (Ryff, 1989), thang đo này đo lường sức khỏe tâm lý của một cá nhân theo sáu khía cạnh: tự chủ, mối quan hệ với người xung quanh, phát triển cá nhân, làm chủ cuộc sống, mục đích sống và sự chấp nhận bản thân (Ryff & Singer, 1996). Trong nghiên cứu, FoMO được khái niệm hóa như động lực thúc đẩy mọi người tìm kiếm sự kết nối với người khác. Đồng thời, tác giả định nghĩa FoMO như một áp lực vô hình mà mọi người tự tạo nên để tránh bị cô lập trong xã hội bởi những người xung quanh, và từ đó tác giả cũng phát hiện được mối tương quan của nỗi sợ bỏ lỡ với sự cô đơn (Barry, cùng cộng sự, 2017). Nghiên cứu của O’Connell (2020) cũng tìm thấy sự tương quan tiêu cực và đáng kể của nỗi sợ bỏ lỡ với chánh niệm theo khuynh hướng và sức khỏe tâm lý. Bên cạnh đó, FoMO có mối tương quan tích cực với các triệu chứng trầm cảm, lo âu và thang đo mức độ nghiện điện thoại thông minh (SAS scale) (Kwon và cộng sự, 2013). Kết quả này cho thấy khi FoMO tăng lên thì các triệu chứng trầm cảm, lo âu và các hành vi liên quan đến nghiện điện thoại cũng tăng theo. Thêm vào đó, cả sáu khía cạnh trong thang đo sức khỏe tâm lý đều có sự liên hệ tiêu cực theo số liệu với thang đo chứng nghiện điện thoại thông minh. Dù “Mục đích sống” và “Phát triển cá nhân” không có mối liên hệ đáng kể theo dữ liệu với FoMO nhưng hai khía cạnh này lại có liên quan đáng chú ý tới chứng nghiện điện thoại. Các kết luận này cho thấy có sự khác biệt trong cách FoMO và chứng nghiện điện thoại gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của sinh viên đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra khác biệt đó hoặc cơ chế giải thích cho sự khác biệt của những kết quả này. Hayran và Anik (2021) đã thực hiện phân tích tương quan về FoMO và sức khỏe của sinh viên đại học trong đại dịch Covid-19, hai tác giả phát hiện ra rằng nỗi sợ bỏ lỡ có thể đe dọa sức khỏe tâm lý và tâm thần của sinh viên. Các biểu hiện trong nghiên cứu của hai tác giả bao gồm mất tập trung, thiếu ngủ và căng thẳng. Qua quá trình phân tích các tài liệu tham khảo, chúng tôi thấy điểm chung của các nghiên cứu này là đều tìm hiểu mối tương quan của FoMO với một hay nhiều triệu chứng khác mà không chỉ tập trung vào thực trạng cũng như sự ảnh hưởng của nỗi sợ bỏ lỡ đến sinh viên đại học. Do đó, trong nghiên cứu của chúng tôi, mức độ FoMO cũng như sự ảnh hưởng của nó sẽ được tìm hiểu sâu sắc, nhằm đưa ra những biện pháp giúp sinh viên Đại học Quốc Gia Hà Nội cải thiện nỗi sợ bỏ lỡ, đẩy lùi những ảnh hưởng tiêu cực. Trong quá trình tham khảo và tìm kiếm các tài liệu đã có sẵn tại Trung tâm thư viện và tri thức số – ĐHQGHN, chúng tôi không tìm thấy có tài liệu hoặc bài báo khoa học liên quan đến chủ đề trên. Vì vậy, nghiên cứu của chúng tôi sẽ là bài nghiên cứu đầu tiên và cũng có thể là nghiên cứu tiên phong cho các công trình nghiên cứu sau này tìm hiểu về FoMO đối với sinh viên ĐHQGHN nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng. 

3. Ý nghĩa khoa học 

– Trên thực tế, đã có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này nhưng mà chưa có đánh giá trên sinh viên trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. – Kết quả nghiên cứu sẽ bổ sung thêm kiến thức và dữ liệu thực nghiệm cho lĩnh vực tâm lý học và xã hội học, giúp hiểu sâu hơn về ảnh hưởng của công nghệ số đối với hành vi và tâm lý con người.