Cùng với sự phát triển của xã hội nói chung và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin nói riêng, giáo dục hiện đại đã và đang có những bước thay đổi đáng kể theo chiều hướng lấy người học làm trung tâm. Nguyễn Trọng Hoàn (2017) cho rằng, giáo dục vần “phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học cập nhật và đổi mới tri thức, kĩ năng, phát triển năng lực”. Jim Scrivener (2005) nhận định vai trò chủ đạo của giáo viên là “giúp cho việc học diễn ra”, bao gồm việc “đặt” sinh viên vào những gì đang xảy ra “bằng cách làm cho chúng học tập ở tốc độ của chính chúng; bằng cách không giải thích quá dài và bằng cách khuyến khích chúng nói chuyện, tương tác và thực hành,…” Trên thực tế dạy học ở các trường đại học vẫn chưa thay đổi hoàn toàn lối dạy một chiều để phục vụ cho việc thi cử, việc tiếp thu kiến thức của sinh viên trở nên thụ động và nhàm chán, giáo viên chú trọng việc dạy kiến thức mới mà chưa chú trọng việc phát triển năng lực cho sinh viên. Do đó, sinh viên không biết vận dụng kiến thức vào thực hành, không kết nối những kiến thức liên quan… mặc dù đã nắm rất chắc kiến thức nền. Ngoài ra, sinh viên không có và không được hướng dẫn phương pháp chủ động tra cứu thông tin liên quan đến nội dung mặc dù những thông tin đó rất phổ biến trên các phương tiện, nền tảng công nghệ, dẫn đến học tập không hiệu quả. Từ thực trạng này, nếu giáo viên có thể thay đổi cách dạy học của mình theo hướng đồng hành, hướng dẫn sinh viên, sử dụng những phương pháp học tập hiện đại thì người học sẽ thêm hứng thú học tập và xây dựng được phương pháp học tập đúng đắn, có lợi ích lâu dài. Trong bối cảnh đó, mô hình lớp học đảo ngược đã được nhiều nhà giáo dục nghiên cứu và áp dụng vào giảng dạy và trở thành một chủ đề nghiên cứu được chú trọng. Mô hình lớp học đảo ngược được cho là có thể giúp người học nắm chắc kiến thức của bài giảng, tạo hứng thú cho bài giảng và tăng khả năng ghi nhớ của người học. Phương pháp này giúp cho người học chủ động tiếp cận, tìm hiểu và ghi nhớ kiến thức, biến người học thành trung tâm của lớp học thay vì giảng viên như trong lớp học truyền thống. Trên thực tế, trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN cũng chú trọng đến việc giảng dạy đặt người học làm trung tâm và liên tục thay đổi phương pháp giảng dạy để phù hợp với nhu cầu của xã hội. Thực hiện chủ trương đó, giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản cũng đã đổi mới phương pháp giảng dạy và đã có giảng viên áp dụng mô hình lớp học đảo ngược ở một số môn học. Qua thực tế học tập của bản thân, tôi nhận thấy môn học “Ngôn ngữ học tiếng Nhật 2” là môn chuyên ngành tương đối khó, nhưng do được học tập bằng mô hình “Lớp học đảo ngược”, tôi cảm thấy, nhờ sự đồng hành của giảng viên, sinh viên có thể chủ động đi sâu nghiên cứu và tìm tòi kiến thức mới. Liên quan đến mô hình này, Thân Thị Mỹ Bình và Đỗ Bích Ngọc (2022) cũng đã nghiên cứu về tính hiệu quả của mô hình này áp dụng tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Nghiên cứu đã chỉ rõ hiệu quả và một số mặt tồn tại của mô hình, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu tính hiệu quả của mô hình khi áp dụng vào các môn thực hành tiếng dành cho sinh viên năm 2 với quy mô 13 sinh viên. Ngoài ra, nghiên cứu là kết quả của quá trình quan sát, nhận xét và có cảm nhận từ góc nhìn của giáo viên.