Xuyên suốt chặng đường lịch sử của nước nhà, có thể nói rằng nhạc cách mạng giống như một “tấm bia đá khắc họa những bước chân bất khuất của các chiến sĩ trong thời chiến”. Các nhạc sĩ đã cho ra đời không ít những tác phẩm âm nhạc có tầm ảnh hưởng
lớn, ghi chép lại dấu ấn của các giai đoạn lịch sử hào hùng, phác họa một cách chân thực các trận đánh, những chiến tích oai hùng, lừng lẫy, vĩ đại mà cả toàn thể quân – dân Việt Nam đã gây dựng.
Giai điệu cách mạng từ xưa đến nay luôn có vai trò quan trọng cả về mặt giá trị nghệ thuật cũng như tinh thần trong cuộc sống của chúng ta. Trong thời chiến, nhạc cách mạng như một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với các chiến sĩ. Họ dùng những lời ca, tiếng hát để hát cho nhau nghe nhằm tiếp thêm sức mạnh tinh thần để tiếp bước trên những trận đấu gian khổ phía trước.
Ngày nay, lời bài hát cách mạng không những phản ánh một cách chân thực về hiện thực khổ cực của một thời chiến đấu anh dũng, những nỗi đau của sự mất mát, sự chia ly, niềm vui của sự đoàn tụ, sự chiến thắng mà còn khơi gợi niềm tự hào về một quãng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc. Nó như một ký sự được phổ trên nền nhạc để lưu giữ lại những thước phim thời chiến. Dựa trên giai điệu, những ký sự ấy đưa chúng ta đến gần hơn với những xúc cảm quá đỗi thiêng liêng, tái hiện lại những thước phim về hình ảnh những người lính áo xanh dũng cảm, những cô gái hậu phương đảm đang, … Từ đó, chúng ta thêm trân trọng, biết ơn những hy sinh, mất mát của các thế hệ đi trước.
Trải qua bao năm tháng, những ca khúc cách mạng vẫn có một chỗ đứng vững chắc trong lòng một lượng lớn thính giả yêu nhạc. Vì vậy, đã từng có một thế hệ nhạc sĩ đồng hành cùng dân tộc trong thời khắc chuyển giao quan trọng đất nước thì thế hệ của ngày hôm nay cần có trách nhiệm lưu giữ, bảo tồn hoặc phát triển theo hướng tích cực những giá trị ấy trong âm nhạc cách mạng. Tuy nhiên, trong thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá của đất nước, những ca khúc bất hủ ấy bị một số bộ phận giới trẻ biến tấu lệch lạc về giai điệu, trang phục biểu diễn hớ hênh, xuyên tạc ý nghĩa của bài hát. Không chỉ vậy, nó tạo nên một trào lưu trên mạng xã hội thu hút nhiều lượt xem của các bạn trẻ khiến cho nét đẹp vốn có của nhạc cách mạng bị lu mờ, thiếu tính duy mỹ, không truyền tải được cái hồn, khí thế hào hùng của nó. Do vậy, sự tuyên truyền lệch lạc nhạc cách mạng như một hồi chuông báo động cho thế hệ trẻ về việc hiểu đúng nội dung của các bài nhạc cách mạng và làm mới chúng. Đây được coi là một vấn đề quan trọng rất đáng quan tâm và nghiên cứu.
Trước đến nay đã có không ít nghiên cứu lựa chọn chủ đề âm nhạc. Có những nghiên cứu đi sâu vào phân tích những tác phẩm cách mạng của riêng một nghệ sĩ như “Tìm hiểu về những ca khúc cách mạng trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên” (Trần Thị Ngọc, 2013), có những nghiên cứu tập trung vào tìm hiểu thị hiếu của thanh niên Việt Nam đối với các loại hình nghệ thuật âm nhạc nói chung. Họ đều chỉ ra được vẻ đẹp, tầm vai trò của các tác phẩm âm nhạc đó đối với người thưởng thức.
Bên cạnh cũng có bài nghiên cứu về mức độ yêu thích nhạc cách mạng trong giới trẻ “Khảo sát mức độ yêu thích nhạc Cách mạng Việt Nam của giới trẻ” (Lê Đức Ngọc, 2011) tuy nhiên chưa cập nhật rõ nét sự phát triển của âm nhạc trong những năm gần đây, cụ thể là ngoài việc thưởng thức âm nhạc, giới trẻ còn sáng tạo, làm mới theo một cách khác.
Hơn nữa, đối với thể loại nhạc cách mạng vẫn chưa được đào sâu phân tích, đặc biệt là làm sáng tỏ ở góc nhìn giới trẻ đối với nền âm nhạc này. Chính vì vậy, bài nghiên cứu sẽ cung cấp một cách tổng quát, chi tiết hơn về việc làm mới nhạc cách mạng của giới trẻ hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
Tìm hiểu về những ca khúc cách mạng trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên
NCKH thị hiếu của thanh niên Việt Nam với các loại hình nghệ thuật âm nhạc Tiểu luận Lý Thuyết Thống Kê “Khảo sát mức độ yêu thích nhạc Cách mạng Việt Nam của giới trẻ”
ly-thuyet-thong-ke-khao-sat-muc-do-yeu-thich-nhac-cach-mang
– Nghiên cứu đã chỉ ra được mặt tiêu cực trong cách làm mới âm nhạc của giới trẻ. Việc này gây nên hệ quả tuyên truyền lệch lạc về nhạc cách mạng và hơn hết đã góp phần tạo nên lãng quên của các thế hệ trẻ về giá trị cốt lõi của nhạc cách mạng; đem nó trở thành thú vui tầm thường. Đồng thời, nghiên cứu còn đưa ra những biện pháp giải quyết phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về giá trị lịch sử của dòng nhạc này. Bên cạnh đó, chúng tôi tin chắc rằng kết quả nghiên cứu của vấn đề này sẽ không chỉ là tài liệu học tham khảo cần thiết, thiết thực cho sinh viên cả nước nói riêng, sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ nói chung mà còn tạo tiền đề cho việc giáo dục lịch sử dân tộc qua các bài nhạc cách mạng.