Tổng quan
1. Nhu cầu thực tiễn
Với sự bùng nổ của kỷ nguyên số, việc ứng dụng công nghệ vào đa dạng các
hoạt động giảng dạy được nhiều trường học và các cơ sở giáo dục quan tâm. Trong
những năm trở lại đây, các mô hình học tập tích hợp công nghệ ra đời và ngày càng trở
nên phổ biến, thu hút đông đảo sự tham gia của người học vào quá trình nâng cao kiến thức, kỹ năng. Các mô hình này không chỉ áp dụng kỹ thuật số vào vấn đề giảng dạy,
mà còn trao quyền cho người học, giúp người học chủ động theo dõi quá trình học tập,
thể hiện tính sáng tạo của bản thân.
Tại Việt Nam, trong lĩnh vực giáo dục, các mô hình hoạt động tích hợp công
nghệ được áp dụng rộng rãi nhất trong giảng dạy ngoại ngữ nói chung và giảng dạy
tiếng Anh nói riêng, hướng đến phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ của người học.
Trong bốn kỹ năng tiếng Anh (nghe, nói, đọc, viết), kỹ năng nói rõ ràng là một trong
những kỹ năng quan trọng nhưng khó khăn nhất đối với người học ESL/EFL (Brown,
1994; Tran & Tham, 2015; Ur, 1999). Theo Lê (2011), Ngô (2011) và Izadi (2015),
người học thường có những hạn chế về mặt từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, cách hình thành
câu. Hiện nay, việc sử dụng các mô hình giảng dạy truyền thống trong các lớp học nói
tiếng Anh dần tỏ ra lạc hậu, không mang lại hiệu quả và chưa thực sự phù hợp trong bối
cảnh phát triển không ngừng của công nghệ số; từ đó, hoạt động kể chuyện kỹ thuật số
ra đời và thu hút sự quan tâm của người học bởi sự mới lạ và khơi gợi khả năng sáng
tạo không giới hạn mà mô hình học tập này mang lại. Tuy nhiên, mức độ trao quyền
trong quá trình thiết kế ra câu chuyện của người học vẫn chưa được nghiên cứu một
cách kỹ lưỡng. Dựa trên thực tế này, chúng tôi đã quan tâm và lựa chọn nghiên cứu đề
tài “Ứng dụng mô hình kể chuyện kỹ thuật số như một hoạt động trao quyền cho người
học để nâng cao kỹ năng nói tiếng Anh” để từ đó đánh giá tính hiệu quả cũng như lựa
chọn cách thức tiến hành phù hợp.
2. Tổng quan tài liệu công trình nghiên cứu liên quan
Nâng cao năng lực giao tiếp được khẳng định phải là mục tiêu của giảng dạy
ngoại ngữ trong Thế kỷ 21 (Savignon, 2017). Trong bối cảnh giáo dục ngoại ngữ hiện
nay, việc tích lũy các quy tắc ngữ pháp và từ mới trong ngôn ngữ đích không còn đủ để
giao tiếp hiệu quả. Theo Hymes (1972), năng lực giao tiếp không chỉ bao gồm kiến thức
về các quy tắc ngữ pháp mà quan trọng hơn là kiến thức để sử dụng ngôn ngữ này một
cách thích hợp (Al-Amri, 2020).
Đồng thời, trong thời đại mới, tiến bộ khoa học bắt đầu thâm nhập vào cuộc sống
con người, cho phép giáo viên áp dụng các phương pháp giáo dục đổi mới và tạo điều
kiện cho học sinh xây dựng kiến thức và ý tưởng để trình bày hiệu quả hơn (Stanley,
2003). Nhận thấy được sự giao thoa giữa công nghệ và sự chuyển biến trong nền giáo
dục ngoại ngữ, mô hình kể chuyện kỹ thuật số giữ tiềm năng trong việc cải thiện các
khía cạnh khác nhau trong năng lực giao tiếp của sinh viên học tiếng Anh như một ngoại
ngữ (Al-Amri, 2020).
Bài nghiên cứu mang tên Áp dụng kể chuyện kỹ thuật số để cải thiện kỹ năng nói
của học sinh trong thời đại Covid 19 của nhóm tác giả Viknesh Nair và Melor Md
Yunus đã được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả việc sử dụng Toontastic 3D, một ứng
dụng kể chuyện kỹ thuật số, để nâng cao trình độ giao tiếp của 35 học sinh độ tuổi 11
có trình độ tiếng Anh sơ cấp và trung cấp ở Malaysia trong thời kỳ đại dịch Covid 19
trong các khía cạnh phát âm, độ trôi chảy, từ vựng, ngữ pháp và khả năng hiểu. Kết quả
từ việc phân tích dữ liệu định lượng sau 6 tuần học cho thấy sự cải thiện đáng kể về
điểm số của bài kiểm tra đầu ra, trong đó, điểm số tiêu chí phát âm, độ trôi chảy và khả
năng hiểu tăng mạnh so với bài kiểm tra đầu vào. Ngược lại, không có sự chuyển biến
đáng kể liên quan đến ngữ pháp. Thêm vào đó, nghiên cứu sử dụng bảng hỏi chứng minh được mô hình kể chuyện kỹ thuật số tạo ra một môi trường học tập hấp dẫn, và nâng cao hứng thú học tập trong lớp học.
Nghiên cứu Hiệu quả sư phạm của kể chuyện kỹ thuật số trong việc cải thiện kỹ
năng nói của người học EFL Saudi, tác giả Hayam Mohamed Salama Eissa đã tiến hành
nghiên cứu liên quan đến lý do người trưởng thành ở Vương quốc Ả Rập Saudi không
có khả năng nói Tiếng Anh. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn kiểm tra mức độ ảnh hưởng
của phương pháp kể chuyện kỹ thuật số lên kỹ năng nói của người học. Bài nghiên cứu
thu thập dữ liệu định lượng từ bài kiểm tra đầu vào, bài kiểm tra đầu ra của sinh viên
chuyên ngành tiếng Anh và dữ liệu định tính từ người học bằng bảng câu hỏi về cảm
giác tự tin và mức độ cải thiện kỹ năng nói của họ. Kết quả cho thấy có sự thay đổi tích
cực trong điểm trung bình giữa bài đánh giá trước và sau khi áp dụng mô hình ở các
khía cạnh: lựa chọn từ vựng, ngữ pháp chính xác, phát âm chuẩn, độ trôi chảy, trọng
âm, và ngữ điệu. Dữ liệu điều tra từ bảng hỏi cho thấy áp dụng mô hình kể chuyện kỹ
thuật số giúp sinh viên vượt qua được những rào cản tâm lý trước đây khi nói Tiếng
Anh và tự tin sử dụng ngữ pháp, từ vựng một cách chuẩn xác.
Trong bài nghiên cứu Giảng dạy bằng các câu chuyện kỹ thuật số nhằm thúc đẩy
trao quyền và hứng thú cho học sinh, tác giả Polina Vinogradova không chú trọng đánh
giá, chấm điểm nội dung câu chuyện hay năng lực sử dụng ngôn ngữ qua sản phẩm kể
chuyện kỹ thuật số ở cuối kỳ học mà tập trung tìm hiểu thái độ của các học sinh học
tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai đối với việc sử dụng công nghệ trong quá trình sáng
tạo các câu chuyện kỹ thuật số. Nghiên cứu được tiến hành trên 20 học sinh ESL có
trình độ tiếng Anh cao cấp qua hai kỳ học. Kết quả từ dữ liệu định tính qua phương
pháp quan sát, phân tích mẫu và phỏng vấn bán cấu trúc cho thấy các học sinh đều rất
hứng thú và chủ động thảo luận ý tưởng, đưa ra các gợi ý và nhận xét về chất lượng
hình ảnh, âm thanh; cũng như hình thành mối quan hệ bạn bè dựa trên điểm chung về
chủ đề câu chuyện kỹ thuật số. Bên cạnh đó, học sinh cũng được trao quyền để linh hoạt
xem duyệt lại bài và tự do lựa chọn chủ đề câu chuyện. Tuy nhiên, nghiên cứu không
phân định rõ ràng khái niệm trao quyền (empowerment) và hứng thú (engagement).
3. Ý nghĩa khoa học
Trong bối cảnh số hoá và hội nhập quốc tế, việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh
vực giáo dục, đặc biệt là vấn đề giảng dạy là một điều tất yếu. Nghiên cứu này tập trung
làm rõ độ hiệu quả của mô hình kể chuyện ứng dụng công nghệ để nâng cao kỹ năng
nói tiếng Anh – kỹ năng được coi là khá khó khăn với những người học tiếng Anh là
ngôn ngữ thứ hai. Đồng thời, kết quả của nghiên cứu này sẽ làm rõ mức độ trao quyền
cho người học thông qua kể chuyện kỹ thuật số, từ đó mang lại tính thiết thực cho người
dạy và người học. Với việc áp dụng thành công mô hình kể chuyện kỹ thuật số vào lớp
học nói tiếng Anh như một hoạt động trao quyền, từ đó, các bên liên quan đến giáo dục
có thể khuyến nghị việc triển khai ở bất kì cơ sở giáo dục nào.